Tinh giản 100.000 biên chế: Sai lầm từ đầu vào
Đề xuất của bộ Nội vụ dự kiến tinh giản 100.000 công, viên chức khiến nhiều cán bộ lo lắng khi đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Trong số đó phải kể đến những thành phần "được gửi gắm", những người chuyên môn kém, năng lực hạn chế.
Trao đổi với PV báo Đời sống và pháp luật, TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: "Nguyên nhân chính dẫn đến dư thừa cán bộ do quá trình quản lý đầu vào không chặt chẽ. Để hoàn thiện bộ máy thì cần phải thanh kiểm tra toàn diện, nếu thấy số lượng người không đáp ứng được công việc cao, thậm chí sẽ tinh giản nhiều hơn dự kiến".
Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Sai lầm từ tuyển chọn đầu vào
Quan điểm của ông như thế nào về dự thảo tinh giản 100.000 biên chế mà Bộ Nội vụ vừa công bố?
Về mặt số lượng, đây mới là con số dự báo thôi. Vì số lượng này gia tăng so với thời kỳ cắt giảm biên chế từ trước.
Xin ông nói rõ hơn về các lý do gia tăng công chức, viên chức dẫn đến bộ máy làm việc cồng kềnh như hiện nay?
Đầu tiên phải kể đến sự gia tăng tự nhiên, bởi quá trình dân số tăng lên cần có công chức tương ứng quản lý. Thứ hai, gia tăng do yêu cầu quản lý mới, nhiệm vụ mới nên cần phải có người làm. Thứ ba, do quá trình quản lý đầu vào của ta cũng chưa được chặt chẽ, chưa tuân thủ quy định nên có xu hướng khá tùy tiện trong việc tuyển người, đưa người vào công chức hay vào nền công vụ làm cho tổng số biên chế của cán bộ công chức tăng lên so với lượng công việc và ngân sách của nhà nước.
Cho nên, cần phải tiếp tục cải cách để định lại biên chế, cán bộ công chức và các đơn vị sự nghiệp công. Đây là công việc đáng ra hàng năm phải làm, cái nào đáng tăng thì phải tăng chứ không phải cái nào cũng giảm, còn những cái đáng giảm thì phải làm cương quyết, số lượng cắt giảm có thể 100 nghìn hoặc hơn. Ở nước ngoài có những lần rà soát họ giảm đến 50%, ở Nhật có đợt họ giảm 30% bất kể cơ quan nào.
Nói như vậy nghĩa là số lượng và chất lượng công viên chức hiện nay chưa tương thích, thưa ông?
Cái này thể hiện rất rõ ở số lượng cán bộ tăng mà hiệu quả công việc không cao. Mà chính vì số lượng tăng nhưng chất lượng thấp nên mới cần thanh kiểm tra. Ai đáp ứng được thì giữ lại, ai không đáp ứng được thì thanh giảm. Đấy là công việc của tất cả các nền công vụ trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan Nhà nước có đến 30% số lượng công viên chức không đáp ứng được công việc, ông nghĩ sao?
Con số này thực ra chưa toàn diện. Tôi nói thêm, khi tổng kết giai đoạn một (2001- 2010) ban Nội chính cũng làm cuộc tổng kiểm tra, điều tra cán bộ công viên chức trong cả nước và đưa ra con số 3% người không làm được việc.
Vậy số 3% cán bộ không làm được việc ở thời kỳ ấy chủ yếu tập trung ở bộ phận nào, thưa ông?
Một là bộ phận do tồn tại lịch sử, những người đi chiến tranh về tiếp tục làm việc nên chưa được đào tạo, năng lực còn hạn chế. Hai là do đào tạo sử dụng công chức của ta trái ngành trái nghề là khá lớn, học cái này làm cái khác nên hiệu quả thấp. Ba là một bộ phận sức khỏe không được tốt nên khi làm việc toàn nghỉ ngơi. Bốn là sự bố trí công việc không phù hợp với đào tạo của họ dẫn đến bộ máy làm việc cồng kềnh mà hiệu quả thấp. Họ làm những công việc mà người ta ví như có cũng được, không có cũng được.
Không suy diễn, cứ làm thực tế
Như vậy, do việc tuyển chọn không chặt chẽ dẫn đến cán bộ và công việc hiện nay không phù hợp, thưa ông?
Chính thế. Vì cái đầu vào không chuẩn nên mới xảy ra thực trạng như hiện nay. Cái này do từng cơ quan một, từ cái lợi ích cá nhân rồi do quan hệ. Cuối cùng làm cho chất lượng, hiệu quả làm việc của một cơ quan, một tổ chức thấp.
Đáng ra phải kiểm tra ngay từ người đứng đầu. Nếu không rà soát để giảm được thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Cần thiết luân chuyển hoặc cách chức người đứng đầu không làm được việc để thay thế người khác tốt hơn. Giai đoạn trước cũng đã làm thử việc thi xét tuyển lãnh đạo, người đứng đầu một cơ quan.
Nói là như vậy nhưng việc sau khi kiểm tra phát hiện thấy có sai phạm trong việc tuyển người rồi cách chức lãnh đạo e rằng hơi khó thực hiện, ông nghĩ sao?
Ta phải đánh giá kết quả của người lãnh đạo ấy khi không hoàn thành nhiệm vụ, công việc nữa. Từ lâu, tổng thể cải cách hành chính đã đề cao vai trò người đứng đầu. Vì quan hệ này khác anh ta vẫn tồn tại hoặc chưa làm tốt mà vẫn lên chức. Đấy là sự thật đang tồn tại.
Chính vì vậy cách khắc phục bây giờ là phải thi tuyển lãnh đạo, công chức, viên chức công khai, minh bạch. Cần chỉ đạo nhất quán, cương quyết. Tất cả những phản biện, đề xuất đã có đủ hết rồi, vấn đề là có thực hiện hay không.
Với số lượng cán bộ bị cắt giảm lớn đến như vậy, nhiều người lo ngại sẽ nảy sinh ra cuộc chạy đua mới để giữ công việc, quan điểm của ông như thế nào?
Đấy là cái logic hình thức thôi, nếu ta cứ suy diễn như hiện nay thì sẽ tái diễn nạn chạy chức, quyền. Nếu kiểm tra chặt chẽ, cơ quan thẩm định duyệt thì nó sẽ khác. Bây giờ không chạy được đâu, bởi các tiêu chí, tiêu chuẩn đã nêu rõ. Anh đưa người vào không làm được việc thì không ai người ta đồng ý và sớm muộn cũng bị đẩy đi.
Tinh giản biên chế làm sao rà soát lại theo luật mới, từ vị trí định ra chức danh và tiêu chuẩn. Sau đó so sánh với năng lực trình độ và đào tạo cá nhân để xem họ có đáp ứng phù hợp hay không. Nếu không được thì cần điều chỉnh và thay thế.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!