Tình báo Anh nhờ ngoại cảm đọc ý nghĩ Hitler

Cơ quan tình báo Anh MI5 đã mời một nhà ngoại cảm nổi tiếng nhằm "đọc ý nghĩ" của Hitler để giúp họ đánh bại phát xít Đức.

Trong lịch sử loài người, thế giới tâm linh luôn là một điều bí ẩn khiến con người vừa sợ hãi vừa khao khát muốn khám phá. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, chúng ta vẫn chưa giải thích được thấu đáo về việc có hay không thế giới tâm linh. Chính bởi thế, những nhà ngoại cảm, những người được cho là có khả năng giao tiếp với thế giới đầy bí ẩn này đã luôn được các quốc gia trên thế giới, từ những nước kém phát triển cho tới những nước có nền khoa học kỹ thuật phát triển cao như Nga, Mỹ, Anh... coi là những đối tượng đặc biệt cần nghiên cứu để phục vụ cho mục đích riêng của mình. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc những dự án nghiên cứu về khả năng ngoại cảm của các quốc gia này từng rất thịnh hành trong thế kỷ 20.

Khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 nổ ra, nước Anh trở thành một mục tiêu mà trùm phát xít Đức Adolf Hitler luôn muốn thâu tóm. Nhờ ưu thế tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của châu Âu và có lực lượng hải quân mạnh, Anh tạm thời không chịu sự tấn công dữ dội của quân đội phát xít Đức, song Hitler vẫn luôn là nỗi ám ảnh của người Anh.

Để ngăn chặn nguy cơ bị Đức xâm lược, người Anh đã nảy ra một ý tưởng độc đáo, đó là sử dụng năng lực siêu nhiên để đọc được ý nghĩ trong đầu óc vốn rất khó lường của trùm phát xít Hitler, từ đó đề ra được những biện pháp đề phòng thích đáng.

Để thực hiện được ý định này, các điệp viên Anh đã nhờ đến một “nhà ngoại cảm” nổi tiếng thời kỳ đó sử dụng khả năng ngoại cảm của mình để đọc được ý nghĩ của Hitler, đồng thời tìm cách thay đổi “cung hoàng đạo” của Hitler và những lãnh đạo đầu sỏ của phát xít Đức.

Hồ sơ được lưu trữ tại Cục Lưu trữ Quốc gia Anh vừa mới được giải mật cho thấy tình báo Anh đã mời “nhà ngoại cảm” Louis de Wohl tham gia vào một chiến dịch “tình báo ngoại cảm” được chuẩn bị công phu nhằm đánh bại phát xít Đức từ xa.

Tình báo Anh nhờ ngoại cảm đọc ý nghĩ Hitler - 1

De Wohl (trái) và chiến dịch ngoại cảm bí mật của tình báo Anh nhắm vào Hitler

De Wohl là một người Đức chính gốc, sinh ra ở Berlin vào năm 1903 và chạy tới Anh vào năm 1935 nhằm thoát khỏi chiến dịch truy lùng người Do Thái của phát xít Đức. Bà vợ có tên là Alexandra của ông ta chạy tới Santiago, Chile, nơi bà này tự tuyên bố mình là một công chúa Rumania và được biết đến với cái tên “La Baronessa”.

Ở London, de Wohl cũng tự quảng bá mình là một nhà quý tộc người Hungari, có họ với một công tước người Áo, là cháu trai của một ông trùm ngành ngân hàng ở Anh và là người thân của Thị trưởng London. Với những danh hiệu “nổ vang trời” này, de Wohl tha hồ giao du đi lại với tầng lớp thượng lưu trong xã hội Anh ở thủ đô London.

Bước ngoặt trong cuộc đời của de Wohl xảy ra trong một bữa tiệc tại đại sứ quán Tây Ban Nha, khi một nữ công tước người Tây Ban Nha yêu cầu de Wohl tiết lộ về “số mệnh” của trùm phát xít Hitler cho Ngoại trưởng Anh thời đó là ngài Halifax.

Quá ấn tượng với những lời khoa trương của de Wohl, Ngoại trưởng Halifax đã tiến cử “tài năng” của ông này với các cơ quan trong chính phủ Anh. Thế là ngài Charles Hambro, người đứng đầu cơ quan Chiến dịch Đặc biệt của Anh nhanh chóng tuyển mộ de Wohl tham gia vào mạng lưới tình báo rộng lớn khắp châu Âu của nước Anh.

Thế là nhà ngoại cảm de Wohl trở thành một phần trong Cục Nghiên cứu Tâm linh thuộc Tổng cục An ninh Anh MI5. Tình báo Anh đã mạnh tay thuê hẳn một căn hộ khách sạn sang trọng tại khu Park Lane nhộn nhịp của thủ đô London làm nơi “tác nghiệp” cho nhà ngoại cảm này. Tại đây, de Wohl tiến hành các lễ “nhập tâm” để đọc ý nghĩ của Hitler và viết ra những lá số tử vi cho các lãnh đạo của cả phe Đồng minh lẫn Phát xít.

Tuy nhiên những lời tiên đoán của de Wohl thường không rõ ràng và nhiều khi là ngớ ngẩn. Tháng 12 năm 1942, nhà ngoại cảm này đưa ra một lời tiên đoán: “Các nhà chiêm tinh Đức phải cầu nguyện rằng hành động của kẻ thù không buộc Quốc trưởng phải đưa ra những quyết định quan trọng trong vòng 8 ngày đầu tiên của tháng 7 vì điều này sẽ dẫn tới thảm họa lớn.”

Các điệp viên Anh thì kêu ca rằng cách xử sự quá ư đồng bóng của de Wohl đã “phá nát” những vỏ bọc được xây dựng rất đỗi công phu của họ rằng căn hộ xa hoa của ông ta là do một quý bà giàu có bảo trợ, và rằng điệp viên phụ trách liên lạc là một người hầu của ông. Các điệp viên này cũng cho biết de Wohl thường xuyên khoe khoang về những mối quan hệ với Phòng Chiến tranh và Bộ Chỉ huy Hải quân Anh.

Các tài liệu giải mật cho thấy điệp viên Dick White, người sau này trở thành người đứng đầu của Cục An ninh MI5 vào thập niên 1950 đã từng than phiền về de Wohl: “Tôi chưa bao giờ ưa Louis de Wohl. Ông ta khiến tôi có ấn tượng về một gã lang băm và lừa đảo.”

Tuy nhiên, những lời than phiền này không ngăn cản được việc de Wohl được phong quân hàm đại úy trong quân đội Anh. Thủ tướng Anh Winston Churchill đã quyết định cử nhà ngoại cảm này sang Mỹ để thuyết phục người Mỹ rằng phát xít Đức chắc chắn sẽ thua trong vài tháng nếu nước Mỹ chịu tham chiến.

Nhiệm vụ của de Wohl tại Mỹ là đập tan luận điệu của một nhóm nhà chiêm tinh ủng hộ phát xít Đức ở Mỹ đã dự đoán rằng Hitler sẽ chiến thắng trong cuộc chiến tranh này. De Wohl đã tự tuyên bố mình là một “nhà tiên tri Nostradamus hiện đại” và phán rằng các sao trên trời đã cho thấy điều ngược lại, rằng Hitler sẽ thua.

Tuy nhiên cuối cùng chính trận tấn công của quân Nhật vào Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941 mới khiến Tổng thống Franklin Roosevelt quyết định đưa nước Mỹ tham gia cuộc chiến này chứ không phải những lời đảm bảo của nhà ngoại cảm de Wohl rằng nước Mỹ sẽ chiến thắng.

Với việc Mỹ quyết định tham chiến, tình báo Anh nhận thấy vai trò của de Wohl đã không còn cần thiết nữa nên đã triệu hồi de Wohl về London vào tháng 2/1942. Khi trở về nước, nhà ngoại cảm ngớ người ra khi nhìn thấy căn hộ sang trọng của mình đã bị dọn dẹp sạch sẽ và “phòng nghiên cứu” của mình đã bị giải tán.

Lúc này, các nhân viên tình báo Anh đang đau đầu tìm giải pháp “từ bỏ” người đàn ông tự gọi mình là “nhà ngoại cảm quốc gia” của nước Anh này. Theo các tài liệu được giải mật của MI5, các quan chức tình báo cấp cao đã đề xuất một loạt giải pháp để “loại bỏ” de Wohl, trong đó có ý kiến đề nghị đưa ông này vào trại giam hoặc chuyển tới một khu vực “khỉ ho cò gáy” của nước Anh. Tuy nhiên hai đề xuất này đều bị lãnh đạo MI5 bác bỏ.

Mặc dù rất hối hận vì đã tuyển mộ “nhà ngoại cảm” đầy đồng bóng và hay khoe khoang khoác lác này nhưng MI5 lại sợ rằng nếu bị ruồng bỏ, de Wohl có thể sẽ hủy hoại hình ảnh và danh tiếng của cơ quan tình báo này. Bởi vậy, MI5 quyết định vẫn để cho nhà ngoại cảm này được vui vẻ và tiếp tục sử dụng ông ta vào những công việc vô thưởng vô phạt.

Nhưng đến nước này thì ngài Charles Hambro, người đứng đầu cơ quan Chiến dịch Đặc biệt của Anh cũng đã quá mệt mỏi với nhà ngoại cảm này. Trong cuốn hồi ký của mình, ngài Hambro đã viết về de Wohl: “Tôi tin rằng nếu tôi kiểm tra các thành tích của ông ta, tôi sẽ nhận thấy rằng ông ta còn có số lần thất bại nhiều hơn, nhưng tôi không đủ kiên nhẫn hay thời gian để làm điều đó.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Tổng hợp) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN