Tin tức 24h qua: Vì sao Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố?

​​​​​​​Vì sao Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố?; Người dân sẽ được đi tàu Cát Linh - Hà Đông vào ngày 6/11... là những tin nóng nhất 24h qua.

Vì sao Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố?

Sáng ngày 4/11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an thông báo đã khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường- Thứ trưởng Bộ Y tế về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Sáng cùng ngày, cơ quan công an đã khám xét nơi làm việc của ông Cường. Ông Cường bị khởi tố nhưng cho tại ngoại điều tra.

Theo thông tin ban đầu, ông Cường đã không kiểm tra, rà soát kỹ biên bản thẩm định, đồng ý đưa hai loại thuốc mang nhãn hiệu Health 2000 ra hội đồng xét duyệt cấp số đăng ký khi còn làm cục trưởng Cục Quản lý dược.

Ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế

Ông Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế

Trước đó, ngày 17/7/2021, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra bổ sung, đồng thời đề nghị truy tố đối với bị can Nguyễn Minh Hùng, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma; Võ Mạnh Cường, nguyên giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C và tám người khác về tội buôn bán hàng giả.

VN Pharma đã sử dụng số đăng ký của 2 loại thuốc này nhập khẩu thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ vào Việt Nam tiêu thụ, gây hậu quả thiệt hại về tài sản hơn 50 tỉ đồng. Sau kết luận lần đầu, Viện kiểm sát đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra làm rõ trách nhiệm của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế trong việc không dừng lưu hành các thuốc mang nhãn mác Công ty Health 2000 Canada tại thời điểm 2014.

Bên cạnh đó, tại Kỳ họp thứ tám của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; Trương Quốc Cường, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Người dân sẽ được đi tàu Cát Linh - Hà Đông vào ngày 6/11

Chiều 4/11, tại trụ sở Bộ GTVT diễn ra cuộc họp báo cung cấp thông tin, kế hoạch bàn giao, khai thác vận hành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. 

Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, 7h sáng 6/11, Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội sẽ tổ chức bàn giao dự án. Sau khi bàn giao xong, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành thương mại. 

Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Theo ông Tuấn, hệ thống vận hành sẽ qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu đã vận hành thử thành công, an toàn. Từ 6/11 sẽ thực hiện giai đoạn 2 là khai thác giai đoạn đầu. Sau 1 năm tư vấn đánh giá an toàn dự án sẽ chuyển sang giai đoạn 3.

Tổng Giám đốc Metro Hà Nội cho hay, giá vé được TP.Hà Nội phê duyệt chính thức, giá mở cửa là 7.000 đ/lượt, theo chặng là 8.000đ-15.000đ/lượt. Giá vé ngày là 30.000đ/ngày. Vé cũng được bán theo tháng (không định danh 200.000đ/người, có định danh là 100.000đ/người). Những đối tượng được miễn phí đi xe buýt sẽ được miễn phí đi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. 

Người dân vây kín trước cửa "Tịnh thất Bồng Lai"

Từ sáng 4/11, hàng ngàn người kéo đến nhà bà Cao Thị Cúc "Tịnh Thất Bồng Lai" tại ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An vì có tin bà Nguyễn Phương Hằng cùng gia đình của một cô gái tên D.M đến đây để tìm và đưa D.M về nhà.

Tuy nhiên, từ sáng sớm, "Tịnh Thất Bồng Lai" đã đóng kín cổng. Đến trưa, một chiếc ôtô màu đen, biển số TP HCM được cho là chở bà Nguyễn Phương Hằng đến, tiến thẳng vào "Tịnh thất Bồng Lai" nhưng sau đó quay về vì khu này đã khóa cổng.

Công an huyện Đức Hòa, Long An đã đề nghị hàng ngàn người dân rời khỏi khu vực dẫn vào khu "Tịnh Thất Bồng Lai" nhằm bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Trước đó, Công an tỉnh Long An có kết quả xác minh về trường hợp những người cư trú trong hộ bà Cúc không phải cơ sở tôn giáo và có nhiều vấn đề gây mất an ninh trật tự địa phương, có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi, không chấp hành đúng các thủ tục pháp lý về khai báo nhân khẩu, lưu trú…

Ngày 4/11, Hà Nội ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trong khoảng 2 tháng qua

Ngày 4/11, Bộ Y tế công bố 6.576 ca COVID-19 trong nước. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 941.159 ca, trong đó có 832.589 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tại Hà Nội, trong ngày 4/11, thành phố phát hiện thêm 104 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 64 ca ở cộng đồng, 40 ca ở khu cách ly, khu phong tỏa. Đây là những ca chưa được Bộ Y tế công bố và cũng là số ca cao nhất trong khoảng 2 tháng qua ở Hà Nội.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tạm thời giãn cách xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) để truy vết phòng chống dịch COVID-19.

Tại TPHCM, Sở Y tế TP HCM vừa đề xuất tiêm vắc-xin COVID-19 mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu và người có nguy cơ cao vào 2 tháng cuối năm 2021.

Khám xét nơi làm việc của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường

Để điều tra trách nhiệm sai phạm liên đới trong vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh nhãn mác Health 2000 Canada,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Quân ([Tên nguồn])
Sự kiện nổi bật 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN