Tin tức 24h qua: “Muốn xây dựng hạnh phúc mới”, người mẹ bỏ rơi bé sơ sinh ở cổng chùa
“Muốn xây dựng hạnh phúc mới”, người mẹ bỏ rơi bé sơ sinh ở cổng chùa; Đà Nẵng dừng bán đồ ăn qua mạng, Hội An sẽ áp dụng cách ly xã hội trong 15 ngày... là những tin nóng nhất 24h qua.
“Muốn xây dựng hạnh phúc mới”, người mẹ bỏ rơi bé sơ sinh ở cổng chùa
Tối 28/7, chính quyền xã Tiên Tiến (Phù Cừ, Hưng Yên) nhận được tin báo có một bé trai sơ sinh bị mẹ bỏ rơi ngay tại cổng chùa Nại Khê.
Bé trai sơ sinh bị mẹ bỏ rơi.
Ông Nguyễn Quý Bình – Chủ tịch UBND xã Tiên Tiến cho biết, hiện tại sức khỏe của cháu bé hoàn toàn khỏe mạnh, cháu bé được 2,7kg. Ngoài ra, mẹ cháu bé còn để lại một bức thư tay rất dài tiết lộ lý do bỏ cháu bé: ".... do tin nhầm người, lỡ có thai và muốn quên quá khứ đau buồn để xây hạnh phúc mới...".
Ông Bình cho biết, chính quyền địa phương cũng trích 1 triệu đồng ra để mua bỉm, sữa cho cháu bé. Chính quyền địa phương sẽ thông tin trên loa phát thanh thông báo cho những ai là người thân cháu bé có cơ hội nhận lại cháu. Trong vòng 1 tuần nếu không ai đến nhận chính quyền sẽ làm theo quy định của pháp luật.
Đà Nẵng dừng bán đồ ăn qua mạng, Hội An sẽ áp dụng cách ly xã hội trong 15 ngày
Tối 29/7, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành công văn về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, từ 13 giờ ngày 30/7, TP Đà Nẵng sẽ dừng mọi hoạt động kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát qua mạng, bán mang về. Đối với các công trình đang thi công trên địa bàn, phải đảm bảo công tác phòng dịch, sát khuẩn, đeo găng tay, đảm bảo cự ly 2m trong suốt quá trình thi công.
Hội An sẽ áp dụng cách ly xã hội trong 15 ngày
Sáng 30/7, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định về việc cách ly xã hội tại TP Hội An (tỉnh Quảng Nam). Thời gian thực hiện bắt đầu từ 0 giờ ngày 31/7 đến 0 giờ ngày 14/8.
Cụ thể, người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.
Tuy nhiên, người đứng đầu các cơ sở nêu trên phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch.
Cơ quan khí tượng đã đề ra 3 kịch bản cho vùng áp thấp trên Biển Đông
Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, cơ quan khí tượng đã đề ra 3 kịch bản cho diễn biến tiếp theo của vùng áp thấp đang hoạt động trên Biển Đông. Kịch bản cao là vùng áp thấp mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục mạnh lên thành bão.
“Nếu mạnh lên thành bão, hình thái này có thể đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó di chuyển chậm. Đó là kịch bản khả dĩ nhất mà chúng tôi dự báo hiện nay”, ông Lâm nhận định.
Mùa mưa bão đang bước vào chính vụ trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ảnh minh họa TPO.
Kịch bản 2, trường hợp bão đổi hướng lên Trung Quốc. Nếu theo kịch bản này, rãnh áp thấp của dải hội tụ nhiệt đới sẽ gây mưa cho toàn Bắc Bộ.
Kịch ản thứ 3 là vùng áp thấp chỉ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, tạo ra dải hội tụ nhiệt đới gây mưa lớn cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó suy yếu chứ không mạnh lên thành bão.
Ông Lâm cho hay, dù vùng áp thấp mạnh lên và di chuyển theo kịch bản nào, thì đều dẫn đến một kết quả chung là gây mưa rất lớn cho miền Bắc và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế.
Để ứng phó với mưa bão chính vụ trong điều kiện dịch COVID-19 trở lại, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố theo dõi thường xuyên các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết và diễn biến dịch bệnh COVID-19 qua các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin Viber, facebook của Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế để thông báo, hướng dẫn kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân.
Việt Nam nghi nhận 464 ca nhiễm COVID-19, TPHCM ngưng tụ tập đông người từ 0h ngày 31/7
Chiều 30/7, Bộ Y tế tiếp tục công bố 5 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 464 ca, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội bắt đầu xét nghiệm COVID-19 cho 21.000 người đã từ đến Đà Nẵng trở về. Dự kiến việc xét nghiệm này được thực hiện đến ngày 1/8.
TP.HCM yêu cầu người dân ra đường, đến cơ quan làm việc phải đeo khẩu trang. (Ảnh: Phan Nhật)
Ở một diễn biến khác, trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, các kết quả xét nghiệm lần 1 các trường hợp F1 liên quan đến bệnh nhân 447, nhân viên cửa hàng pizza tại Hà Nội đều âm tính. Trong đó, có 4 trường hợp hút chung điếu cày với ca bệnh.
Cùng trong ngày hôm nay, UBND TP.HCM đã phát công văn khẩn đề nghị người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang tại nơi công cộng, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
UBND TP.HCM yêu cầu tạm dừng tổ chức các sự kiện tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các hội thảo, hội nghị chưa cấp thiết khác. Khuyến cáo không tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ,… Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (ngoài trường học, bệnh viện,…).
“Tạm thời đóng các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, quán bar, vũ trường”, công văn của UBND TP.HCM nêu rõ với thời gian bắt đầu áp dụng từ 0h ngày 31/7.
Khuyến khích họp, hội nghị trực tuyến, tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc trực tuyến.
Nguồn: [Link nguồn]
Người mẹ bỏ rơi bé sơ sinh trước cổng chùa kèm theo bức thư viết tay khá dài tiết lộ lý do vì muốn quên đi tất cả...