Tin tức 24h qua: Khởi tố cựu thứ trưởng Bộ Y tế và 2 cựu vụ trưởng
Khởi tố cựu thứ trưởng Bộ Y tế và 2 cựu vụ trưởng; Tạm hoãn xuất cảnh với bà Nguyễn Phương Hằng để điều tra... là những tin nóng nhất 24h qua.
Khởi tố cựu thứ trưởng Bộ Y tế và 2 cựu vụ trưởng
Ngày 11/3, Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam ông Cao Minh Quang, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, với cáo buộc sai phạm trong vụ mua nguyên liệu sản xuất thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất Oseltamivir phosphate phòng chống dịch cúm A/H5N1 năm 2006,
C03 cũng khởi tố bị can Dương Huy Liệu và Nguyễn Nam Liên, cùng là nguyên vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế).
Ông Cao Minh Quang khi còn tại vị
Kết quả điều tra ban đầu xác định các bị can nêu trên đã không kiểm tra, không đánh giá việc thực hiện điều khoản đàm phán giảm giá mua nguyên liệu khi thanh lý hợp đồng đặt hàng sản xuất thuốc Oseltamivir với Công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long. Từ đó, cơ quan chức năng của Bộ Y tế đã không phát hiện ra việc công ty này được giảm giá mua nguyên liệu số tiền hơn 3,8 triệu USD để thu hồi về Bộ Y tế, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Tạm hoãn xuất cảnh với bà Nguyễn Phương Hằng để điều tra
Sáng 11/3, theo báo PLO.VN, Cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Nguyễn Phương Hằng để phục vụ việc xác minh, điều tra đơn thư tố cáo.
Hiện nay, có sáu người có đơn tố giác bà Nguyễn Phương Hằng gồm: Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Thủy Tiên, Công Vinh, Nhà báo Hàn Ni, Nhà báo Nguyễn Đức Hiển và bà Đinh Thị Lan.
Sáu người này tố giác bà Nguyễn Phương Hằng về hành vi “Làm nhục người khác”, “Vu khống” và“Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Đại diện Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho biết vụ việc liên quan đến các đơn tố giác bà Nguyễn Phương Hằng vẫn đang được cơ quan điều tra tiếp tục xác minh.
Do vụ việc này có tính chất phức tạp nên phía cơ quan điều tra đã gia hạn thêm hai tháng để tiếp tục xác minh làm rõ, khi nào có thông tin chính thức sẽ thông báo cụ thể cho các bên liên quan và cơ quan báo chí.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM nhận 4,6 triệu từ quỹ COVID-19
Tính đến ngày 10/8/2021, có 30 đơn vị của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đóng góp kinh phí hỗ trợ chống dịch COVID-19 với tổng số tiền hơn 461 triệu đồng.
Từ số tiền huy động trên, được sự chấp thuận của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM là ông Lê Minh Tấn, Văn phòng Sở đã chi hỗ trợ kinh phí qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản cá nhân với số tiền là hơn 262 triệu đồng.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM Lê Minh Tấn phát biểu tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM khoá X.
Trong đó chi cho cho lực lượng tuyến đầu là 125 triệu đồng, chi cho 21 thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM là 97,6 triệu đồng, chi hỗ trợ tổ công tác đi các quận huyện (gồm 51 công chức, viên chức của Sở) là hơn 25 triệu đồng.
Riêng đối với việc chi 97,6 triệu đồng hỗ trợ cho 21 thành viên Ban Chỉ đạo thì ông Lê Minh Tấn nhận 4,6 triệu đồng. Ngoài ra, nhiều người là phó giám đốc, chánh và phó chánh văn phòng, trưởng phòng, chuyên viên Văn phòng Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng nhận được hỗ trợ với số tiền là 4,6 triệu đồng.
Ngày7/3, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký văn bản chỉ đạo giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM khẩn trương công khai chủ trương, kết quả vận động và chi tiết việc sử dụng số tiền trên. Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng đề nghị ông Lê Minh Tấn tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân có liên quan trong việc chưa công khai, minh bạch về đối tượng nhận hỗ trợ, kết quả vận động và quá trình sử dụng số tiền hỗ trợ.
Khách sạn mời khách nghi mắc COVID-19 ra ngoài, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk lên tiếng
Ngày 10/3, nhiều đoàn khách tới Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột lấy phòng lưu trú để tham dự Đại hội Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk.
Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột "mời" 3 vị khách phương xa ra khỏi phòng vì nghi nhiễm Covid-19
Đến tối 10/3, ban tổ chức tiến hành test nhanh cho các đại biểu thì phát hiện 3 thành viên của 3 đoàn dương tính với SARS-CoV-2. Lúc này, nhân viên Khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột đã yêu cầu 3 khách này rời khỏi khách sạn. 3 vị khách phải di chuyển qua 2 khách sạn khác nhưng không được nhận. Phải đến khách sạn thứ 3, là Khách sạn Sài Gòn Ban Mê, thì 3 vị khách mới được tiếp nhận, cho vào phòng cách ly.
Chiều 11/3, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc khách sạn "mời" khách ra ngoài khi phát hiện họ nghi mắc Covid-19 là không phù hợp với quy định và "tội cho các vị khách".
Ban hành văn bản hướng dẫn các thủ tục quản lý người mắc COVID-19 tại nhà
Ngày 11/3, Bộ Y tế công bố 169.090 ca COVID-19 trong nước. Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 5.441.358 ca, trong đó có 2.980.405 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký ban hành văn bản hướng dẫn các thủ tục hành chính, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà.
Theo đó, để tăng cường công tác quản lý người mắc COVID-19 trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, UBND thành phố ban hành hướng dẫn các thủ tục hành chính, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà, cụ thể là về quyết định cách ly, kết thúc cách ly, xác nhận khỏi bệnh, cấp giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội.
Nguồn: [Link nguồn]
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc khách sạn "mời" khách ra ngoài khi phát hiện họ nghi mắc Covid-19 là không phù hợp với quy định và "tội cho các vị khách".