Tin tức 24h qua: Công ty Nhật Cường tuồn hàng lậu qua sân bay như thế nào?
Công ty Nhật Cường tuồn hàng lậu qua sân bay như thế nào?; Thông tin bất ngờ từ bị hại vụ đánh người gãy răng vì bị nhắc dừng đèn đỏ quá lâu... là những tin nóng nhất 24h qua.
Công ty Nhật Cường tuồn hàng lậu qua sân bay như thế nào?
Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đồng thời đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án "Buôn lậu", "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và một số đơn vị liên quan.
Lực lượng cảnh sát khám cửa hàng điện thoại Nhật Cường tại số 33 phố Lý Quốc Sư của ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy
Kết luận điều tra xác định, trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2019, Nhật Cường đã bán hơn 250.000 sản phẩm điện thoại, thiết bị điện tử với giá trị hơn hơn 2.927 tỉ đồng của 16 chủ cửa hàng có địa chỉ ở Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc)… Sau khi mua hàng, Bùi Quang Huy - chủ công ty Nhật Cường bỏ ra hơn 72,9 tỉ đồng để vận chuyển trái phép từ Trung Quốc về Việt Nam phân phối. Từ đó, hưởng lợi bất chính hơn 221 tỉ đồng.
Đặc biệt, theo kết luận điều tra, Bùi Quang Huy thuê 3 đường dây để đưa hàng lậu qua sân bay Nội Bài. Theo đó, 3 nhóm này do bị can Nguyễn Bảo Trung, Đoàn Mạnh Phong và người tên Yến (chưa rõ lai lịch) cầm đầu.
Khi hàng về đến sân bay Nội Bài, nhóm của Đoàn Mạnh Phong dùng thủ đoạn lập công ty "ma" để lấy pháp nhân khai báo hải quan bằng mặt hàng khác. Sau đó, nhóm này mở tờ khai hải quan để nhận hàng lậu từ sân bay đưa về trung tâm Hà Nội giao cho Huy và đồng phạm. Sau khi nhận hàng, Huy trả phí vận chuyển cho 2 đường dây này với số tiền hơn 7,9 tỉ đồng.
Thông tin bất ngờ từ bị hại vụ đánh người gãy răng vì bị nhắc dừng đèn đỏ quá lâu
Ngày 14/1, Công an quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết nạn nhân vụ nam tài xế hành hung 1 nam thanh niên khác đến gãy răng, chảy máu mũi khi dừng chờ đèn đỏ vẫn từ chối đi giám định về chiếc răng được cho là gãy sau khi xô xát.
Tài xế xe Toyota hành hung nam thanh thanh niên (Ảnh cắt từ clip)
Hiện anh P.T.A. (SN 1995; trú tại Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân), là bị hại trong vụ việc, chưa rút đơn trình báo. Trước đó, anh A. chỉ giám định về tỷ lệ thương tích bên ngoài cơ thể sau vụ xô xát. Để làm rõ nguyên nhân khiến tài xế Toyota đánh anh T.A., công an đã tiến hành trích xuất camera hành trình trên xe Toyota.
Tuy nhiên, chiếc camera này không có micro nên không thu được âm thanh trước khi xảy ra vụ xô xát. Tuy nhiên, nạn nhân đã thừa nhận có chửi tài xế Toyota.
Công trình Panorama Mã Pì Lèng tiếp tục tháo dỡ để sửa lần 2
Chiều 14/1, bà Vũ Thị Ánh – chủ công trình Panorama Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) xác nhận, bà đang tiếp tục cho tháo dỡ nhà để sửa chữa lần 2.
Trước đó, ở lần cải tạo lần 1, bà Ánh đã cho phá dỡ, thu gọn lại tầng 1, mở rộng phần kính để quan sát dễ dàng hơn. Riêng về chiều cao sau cải tạo có cao hơn so với công trình cũ vài chục cm do thay đổi kết cấu chuyển làm thêm mái lợp ngói mới.
Hình ảnh công trình Panorama Mã Pì Lèng đang tháo dỡ để sửa chữa lần 2. Ảnh: Hóng biến Hà Giang.
Công trình nhà hàng, nhà nghỉ Panorama Mã Pì Lèng bê tông cốt thép với các sàn thép gồm 7 cấp xây bám theo địa hình ở vách đèo Mã Pì Lèng xây dựng 80% thì bị dừng sau khi báo chí lên tiếng hồi đầu tháng 10/2019 và phải cải tạo, chỉnh trang một phần. Tuy nhiên, sau khi chỉnh sửa lần 1, không ít người nhận xét công trình Panorama Mã Pì Lèng có phần bề thế hơn ban đầu.
Đào trồng ở Sơn La sẽ được dán tem để truy xuất nguồn gốc
Trước ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành nông nghiệp "người dân không tự ý chặt, phá cây rừng, đào rừng phục vụ thú chơi vào dịp Tết" UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cấp, các ngành của địa phương rà soát diện tích cây đào trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát cho thấy diện tích cây đào trồng trên 5.000 ha, chủ yếu là do đồng bào dân tộc ở vùng cao, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn và trồng trên đất nông nghiệp, vườn nhà.
Cây đào được trồng ở huyện Mộc Châu, Sơn La - Ảnh: Huy Thanh
Cây đào là nguồn thu nhập của bà con dân tộc từ việc bán đào trong dịp Tết Nguyên đán. Các hộ trồng đào mong muốn cây đào trở thành hàng hóa để lưu thông trên thị trường thuận lợi.
UBND tỉnh Sơn La đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ đạo thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho cây đào để xác định nguồn gốc, xuất xứ cây đào, xác định vùng trồng, xác định cây đào được trồng trên đất nông nghiệp, không phải là đào rừng tự nhiên.
Người dân được khai thác, buôn bán, vận chuyển cành đào, gốc đào trồng, làm tem nhãn cho đào trồng. 2 mẫu tem, kích thước dài 15 cm và 20 cm, số lượng 11.000 tem đã được thiết kế. Nguồn kinh phí để thực hiện in tem này được xã hội hóa.
Nguồn: [Link nguồn]
Công trình Panorama Mã Pì Lèng đang tiếp tục phải tháo dỡ lần 2 để chỉnh sửa cho đúng với thiết kế được phê duyệt.