Tin tức 24h qua: Tạm giữ nữ chủ quán bạo hành 2 nhân viên quán bánh xèo ở Bắc Ninh
Tạm giữ nữ chủ quán bạo hành 2 nhân viên quán bánh xèo ở Bắc Ninh; 2 cô gái giằng co, cắn CSGT để "giải cứu" nam thanh niên bị đo nồng độ cồn... là những tin nóng nhất 24h qua.
Tạm giữ nữ chủ quán bạo hành 2 nhân viên quán bánh xèo ở Bắc Ninh
Sáng 23/11, Công an huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) đã tạm giữ Nguyễn Thị Ánh Tuyết (SN 1986) là chủ quán bánh xèo Miền Trung (ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong) để điều tra, làm rõ vụ người này bị tố cáo bạo hành 2 nhân viên.
Theo công an, nữ chủ quán này quê ở tỉnh Quảng Ngãi, có dấu hiệu bạo hành 2 nhân viên cùng quê là T.Q.D (SN 2005) và V.V.Đ (SN 1999) đang làm giúp việc tại quán bánh xèo Miền Trung (ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong).
Hai nam nhân viên giúp việc đến bệnh viện khám, điều trị, theo dõi tình hình sức khỏe.
Duy và những vết thương bị chủ quán bạo hành.
Theo lời khai ban đầu của chủ quán bánh xèo, một trong những lý do bạo hành 2 nhân viên là do nhân viên ăn vụng, lấy trộm tiền.
Trước đó, báo chí phản ánh việc 2 thanh, thiếu niên giúp việc trong quán bánh xèo Miền Trung ở Bắc Ninh thường xuyên xuất hiện những vết thâm tím, có vết chém trên tay, lưng có nhiều vết thương, răng bị gãy mẻ. 2 nhân viên này thường xuyên bị bỏ đói, phải ăn thức ăn thừa của khách, nữ chủ quán bánh xèo được cho là người trực tiếp bạo hành các em.
Tài liệu “mật” bị chiếm đoạt chuyển cho ông Nguyễn Đức Chung như thế nào?
Theo bản kết luận điều tra vụ án hình sự “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước” xảy ra tại Hà Nội, bị can Phạm Quang Dũng (nguyên là cán bộ công an) đã có 3 lần chuyển tài liệu mật cho ông Nguyễn Đức Chung (SN 1967, nguyên là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội).
Ngày 20/7/2019, Dũng đến nhà ông Chung ở phố Trung Liệt, quận Đống Đa, TP.Hà Nội. Đây cũng là lần gặp đầu tiên để trao đổi về vấn đề “tuồn” tài liệu mật ra ngoài. Hai người trao đổi một số nội dung về công tác điều tra vụ án “Công ty Nhật Cường” mà ông Chung và vợ được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Dũng đã đồng ý cung cấp các tài liệu liên quan đến quá trình điều tra vụ án “Công ty Nhật Cường” cho ông Chung.
Dũng đã in 5 bản tài liệu cho vào phong bì dán kín chuyển cho ông Chung vào tối cùng ngày (20/7/2019).
Ông Nguyễn Đức Chung khai đã ném điện thoại iPhone và sim điện thoại nước ngoài sau khi 2 thuộc cấp bị bắt
Sau đó, Dũng còn tiếp tục chuyển cho ông Chung các tài liệu liên quan đến vụ “Công ty Nhật Cường” thêm 2 lần nữa, vào ngày 25/8/2019 và 10/6/2020 gồm các file ảnh và tài liệu. Ông Chung đã chỉ đạo Trung và bị can Nguyễn Anh Ngọc (nguyên là Phó trưởng phòng thư ký biên tập TP.Hà Nội) chỉnh sửa, in tài liệu ra giấy cho mình.
Dũng nhiều lần liên lạc với ông Chung theo 2 số điện thoại (1 đầu số đăng ký tại Việt Nam, 1 đầu số đăng ký tại nước Nga) qua ứng dụng. Chiếc điện thoại và sim đã bị ông Chung ném đi vào tối 14/7/2020, sau khi Trung và Ngọc bị bắt.
Tết Nguyên đán 2020, vào ngày 22/1/2020, thông qua bị can Nguyễn Hoàng Trung, Dũng đã nhận của ông Chung 1 phong bì, bên trong có chứa 10.000 USD. Dũng đã thông qua gia đình nộp lại số tiền này cho cơ quan điều tra.
2 cô gái giằng co, cắn CSGT để "giải cứu" nam thanh niên bị đo nồng độ cồn
Khoảng 23h ngày 22/11, trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM), một đôi nam nữ (khoảng 25 tuổi) chạy xe máy không đội mũ bảo hiểm, bị lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra.
Khi dừng xe, đôi nam nữ không cho CSGT kiểm tra giấy tờ và thực hiện đo nồng độ cồn. Cô gái sau đó gọi cho một phụ nữ và một cô gái khác đến để “nói chuyện” với CSGT.
Clip: Cô gái tấn công cảnh sát để “giải cứu” cho thanh niên
Thời điểm này, CSCĐ cũng có mặt để hỗ trợ CSGT. Thanh niên không chấp hành, có biểu hiện chống đối nên bị lực lượng chức năng khống chế. Lúc này, 2 cô gái lao vào giằng co để “giải cứu” cho thanh niên.
Trong quá trình giằng co, một cô gái đánh vào đầu của một CSCĐ nên bị người này quật ngã để khống chế. Toàn bộ sự việc được người dân chứng kiến dùng điện thoại quay clip.
Một số nhân chứng cho biết, một cô gái còn cắn vào tay CSGT để “giải cứu” cho thanh niên.
Sau ngập lụt, 9 người dân ở Quảng Trị mắc bệnh "vi khuẩn ăn thịt người"
Ngày 23/11, ông Đỗ Văn Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị - cho biết vừa nhận được thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế về việc có 9 trường hợp bệnh nhân người Quảng Trị mắc bệnh Whitmore, hay còn gọi là bệnh "vi khuẩn ăn thịt người".
Theo đó, 9 người mắc bệnh Whitmore sinh sống ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Hướng Hóa, Vĩnh Linh và TP Đông Hà. Các địa phương này bị ngập lụt, chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ kéo dài vừa qua.
Bệnh nhân Whitmore đang điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế
Ông Nguyễn Đức Nghiêm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Quảng Trị - cho hay đây là một loại bệnh hiếm gặp, không gây thành dịch. Những năm trước bệnh Whitmore cũng từng xuất hiện rải rác ở tỉnh này. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị ghi nhận có nhiều ca mắc bệnh như thế.
Bệnh Whitmore do trực khuẩn gram âm Burkhoderia Pseudomallei gây ra. Đây là vi khuẩn được tìm thấy trong đất, nước bẩn, lây trực tiếp sang người qua các vết loét, xây xước, vết thương hở của bàn tay, bàn chân hoặc do hít phải bụi của đất bị nhiễm khuẩn. Khi vào cơ thể người, vi khuẩn gây bệnh Whitmore có thể gây tổn thương áp xe ở tất cả các mô, cơ quan của cơ thể, có thể gây nhiễm trùng huyết, gây sốc nhiễm trùng…
Hút cạn dòng Rào Trăng, lật đất, bới đá tìm người mất tích
Ngày 23/11, lực lượng chức năng tỉnh TT-Huế với quân số khoảng 200 người đã huy động máy móc, phương tiện khẩn trương hút cạn từng đoạn lòng sông Rào Trăng (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, TT-Huế); tranh thủ từng giờ không có mưa gió để lật từng tấc đất, bới từng phiến đá, khối bê tông, “soi” từng vị trí nghi ngờ để mong sớm tìm được nạn nhân mất tích nghi ngờ bị vùi bên dưới.
Máy móc, phương tiện hút nước liên tục làm việc.
Trước đó, vào khoảng 14h20 chiều 22/11, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã tìm được thêm một thi thể nằm trong số 17 nạn nhân thủy điện Rào Trăng 3 bị sạt lở núi vùi lấp rạng sáng 12/10.
Thi thể thứ 6 được tìm thấy ở Rào Trăng 3 sau khi lực lượng chức năng chặn sông, đắp đập, chuyển dòng chảy theo hướng mới cho thấy phương án tìm kiếm người mất tích trong giai đoạn 3 đã bước đầu phát huy hiệu quả.
Kết quả này cũng tạo thêm hy vọng sớm tìm lại được tất cả người mất tích của thân nhân các nạn nhân vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3.
Lực lượng chức năng tỉnh TT-Huế đã huy động nhiều máy móc, phương tiện, nhân lực để hút cạn từng đoạn lòng sông...
Nguồn: [Link nguồn]