Tin sốc: Lê nhập khẩu nhiễm thuốc trừ sâu

Trong khi kết quả kiểm tra về chất cấm trên cải thảo đang chờ công bố, thì Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT lại phát hiện thêm lê nhập từ Trung Quốc có dư lượng loại thuốc trừ sâu độc tính cao.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV, Bộ NN-PTNT, cho hay vừa phát hiện một mẫu lê nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng Endosulfan (đây là hoạt chất đã cấm sử dụng ở Việt Nam).

Endosulfan là thuốc trừ sâu có độc tính cao, ảnh hưởng đến các sinh vật có ích trong môi trường và sức khỏe con người. Liên Hợp quốc đã đưa thuốc trừ sâu Endosulfan vào danh sách các loại hóa chất hữu cơ độc hại gây ô nhiễm lâu dài và phải loại khỏi thị trường toàn cầu vào năm 2012. Song Trung Quốc vẫn chưa cấm sử dụng loại thuốc sâu này. Trên thế giới một số nước vẫn còn sử dụng trên các cây công nghiệp, như bông, đay, nhưng không sử dụng trên các cây làm thực phẩm.

Trong khi nỗi lo cải thảo Trung Quốc nhiễm độc chưa qua, thì mối họa từ lê Trung Quốc nhiệm độc ập tới. Ảnh: Như Ý.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Xuân Hồng, cho hay do đã phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu Endosulfan trên lê nhập từ Trung Quốc, nên trong thời gian tới, loại quả này sẽ được lấy mẫu tần suất lớn hơn để kiểm tra. Nếu vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ áp dụng biện pháp ngừng nhập khẩu.

Trong khi đó, về việc phân tích các mẫu kiểm tra trên cải thảo nhập từ Trung Quốc có nhiễm Formaldehyde hay không, đến chiều 16.5, Cục Bảo vệ thực vật vẫn cho biết chưa có kết quả cuối cùng. Hiện Cục BVTV đã bổ sung Formaldehyde vào danh mục các chất cần kiểm tra trên rau, củ quả tươi nhập khẩu vào Việt Nam. Ngoài ra, theo báo cáo của các đơn vị đang rà soát tại những cửa khẩu có nhập rau quả Trung Quốc như Lạng Sơn, Lào Cai, Móng Cái, cảng Hải Phòng và TP HCM thì cải thảo nhập khẩu chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh.

Trước tình trạng thực phẩm bẩn, thịt thối nhập khẩu trà trộn, nhiễm chất độc, chất cấm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu, cho rằng cần phối hợp giữa các lực lượng để tìm ra đường dây vận chuyển, tiêu thụ, nhằm chặn từ gốc, không thể theo kiểu thả gà ra đuổi. Theo bà Xuân Thu, nhiều thông tin những loại thực phẩm này có nguồn gốc từ hàng tạm nhập tái xuất, nên Cục Thú y phải kiểm tra ở các cửa khẩu để đề xuất Chính phủ quản lý việc tạm nhập tái xuất. “Nội tạng động vật, chân gà “thối”… bị bắt thời gian qua không thể có nguồn gốc từ trong nước, mà nhập khẩu từ những nước không sử dụng những sản phẩm này, vấn đề chỉ là qua con đường nào”, bà Thu nói.

Chờ kiểm tra chất tẩy thịt thối thành thịt tươi

Cục Bảo vệ thực vật cũng đang lấy mẫu bột phân tích, xác định thành phần hóa học và khả năng gây hại của chất tẩy trắng “Săm pết”, dùng để tẩy thịt ôi thiu thành thịt tươi mới mà dư luận hết sức lo ngại thời gian qua. Cùng với đó, Cục Thú y đang phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm  thủy sản để làm rõ nguồn gốc các lô “thịt thối” phát hiện thời gian qua, nhằm tìm ra đường dây tiêu thụ. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản so với nghiệp vụ của ngành nông nghiệp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Khang ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN