Tin đồn thất thiệt về "ma" thuốc độc khiến nhiều người lao đao ở Quảng Bình
Đây chỉ là tin đồn thất thiệt nhưng khiến nhiều người lâm vào cảnh khốn cùng, xóm làng xa lánh khi bị gán cho là chủ nhân của "ma" thuốc độc.
Thời gian gần đây, câu chuyện về "ma" thuốc độc luôn ở trong tâm trí nhiều người dân ở các vùng rẻo cao của tỉnh Quảng Bình khiến không ít người hoang mang, lo sợ. Tuy nhiên các chuyên gia y tế khẳng định, không hề có chuyện "ma" thuốc độc và lời đồn về loại thuốc này là nhảm nhí.
Tại xã Yên Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) người dân đang hoang mang và ám ảnh về câu câu chuyện con "ma" thuốc độc và có người bỏ thuốc độc nghe rất hoang đường. Dù chưa ai chứng kiến hay tận mắt nhìn thấy hình hài con "ma" thuốc độc nhưng nhiều người dân vẫn tin theo, lo sợ.
Người dân xã Yên Hóa đồn rằng có phương thuốc trị "ma" thuốc độc bí truyền gồm 3 quả trứng gà và một số loại cây thuốc không rõ nguồn gốc
Không chỉ tại xã Yên Hóa, mà sự tích về con "ma" thuốc độc từ lâu đã xuất hiện và ngự trị trong tâm trí người dân ở vùng sơn cước xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa), xã Tây Trạch, Đồng Trạch của huyện Bố Trạch hay nghiêm trọng nhất là chuyện ở xã miền núi Trường Sơn (huyện Quảng Ninh)… khiến nhiều người cả tin, mê theo. Những người "dính" tin đồn là chủ nhân của "ma" thuốc độc bị xã hội xa lánh, đẩy gia đình họ vào cảnh điêu đứng phải cầu cứu chính quyền nhờ giải nguy.
Mới đây nhất, tại xã Tây Trạch có trường hợp gia đình ông Dương Đức Dịch (74 tuổi, ngụ thôn Rẫy) bị vu oan là chủ nhân của con "ma" thuốc độc khiến nhiều người dân trong làng đau ốm, chết bất đắc kỳ tử. Kể từ khi bị "dính" tin đồn, nhà ông Dịch bị xóm làng xa lánh, con cháu không dám đến trường vì bị kỳ thị và nhà ông này luôn bị kẻ xấu ném rác, chất thải vào nhà phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp.
Trước đó, vào năm 2014, gần 200 người dân xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) bị mắc chứng bệnh lạ không rõ nguyên nhân nhưng nhiều người đồn thổi là dính "ma" thuốc độc. Sau đó, Sở Y tế tỉnh Quảng Bình kết luận, không có cơ sở khẳng định là bệnh ma thuốc độc. Chứng bệnh mà nhiều người dân xã này mắc phải có dấu hiệu lâm sàng trên người nghi bị cảm cúm do thay đổi thời tiết, chuyển giao mùa.
Chị Dương Thị S. (33 tuổi, ở xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch) gặp vô số rắc rối khi bị người dân đồn thổi là "chủ nhân" của con "ma" thuốc độc, chị phải cầu cứu chính quyền địa phương
Bác sĩ Đinh Hải Tuấn, Trưởng khoa Y học cổ truyền - Bệnh viên Đa khoa huyện Minh Hóa, khẳng định trong y học cổ truyền và y học hiện đại đều không có bệnh thuốc độc và không có bài thuốc nào trị ma thuốc độc. "Rất mong người dân tin tưởng vào y học hiện đại, không nghe theo những câu chuyện mang tính hư ảo về ma thuốc độc để rồi tiền mất tật mang" – bác sĩ Tuấn nói.
Còn ông Cao Văn Dũng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Minh Hóa, cho biết trước đây, chính quyền địa phương đã làm công tác tuyên truyền, giải thích để hóa giải những niềm tin mang tính mê tín dị đoan liên quan đến "ma" thuốc độc. Nhờ đó, bà con đã thay đổi nhận thức về ma thuốc độc. Tuy nhiên, vẫn còn số ít người dân thiếu nhận thức, hiểu biết nên tin có ma thuốc độc. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân xóa bỏ hẳn những suy nghĩ tiêu cực liên quan đến ma thuốc độc".
Một gia đình cách mạng gần 20 năm nay phải chịu tiếng oan và sự xa lánh của dân làng.