Tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng?
Tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm sau 529 năm ngày mất tại Vĩnh Bảo, Hải Phòng là những gì các nhà khoa học đưa ra trong cuộc Hội thảo mới đây, song người dân địa phương còn nhiều nghi vấn.
Hội thảo thu hút đông đảo giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học, sử học, nhà ngoại cảm. Ảnh: N.V.H cung cấp
Cuộc hội thảo về ngôi mộ cổ mới phát tích tại huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, do Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng của con người và Hội Khảo cổ học Việt Nam tổ chức thu hút sự tham gia của đông đảo giáo sư, tiến sĩ khoa học đầu ngành, các nhà sử học, hán học và nhà ngoại cảm trong nước.
Trước đó, vào tháng 4/2014, người dân thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo đào được một chiếc quách gỗ sơn màu đỏ tại vườn nhà bà Bùi Thị Hiền. Sau khi an táng bộ hài cốt trong chiếc quách, người dân thấy đã giữ lại chiếc quách gỗ.
Các nhà nghiên cứu tìm tấm thẻ tre trong tấm ván địa của chiếc quách. Ảnh: N.V.H cung cấp
Nghi tấm quách có liên quan đến phần mộ Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một số người dân ở huyện Vĩnh Bảo mang chiếc quách gỗ tìm đến các nhà nghiên cứu khoa học, nhà thư pháp, nhà hán nôm để tìm lời giải đáp.
Sau gần 2 năm nghiên cứu tấm quách này, các nhà khoa học tìm thấy nhiều tài liệu cho rằng liên quan đến thân thế, sự nghiệp của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm như: Bài thơ bằng chữ Hán, Nôm được khắc trên tấm quách; tấm quách được làm bằng gỗ ngọc am, có niên đại khoảng 1.700 năm vào thời nhà Mạc...Đặc biệt, sau khi mở ván địa của chiếc quách, các nhà nghiên cứu tìm thấy chiếc thẻ tre bằng tre ngà có nhiều chữ nghi liên quan đến Trạng Trình.
Tấm thẻ tre được giấu trong tấm ván địa. Ảnh: N.V.H cung cấp
Với những dữ liệu như vậy, các nhà nghiên cứu đã tổ chức hội thảo khoa học về ngôi mộ cổ này. Tại cuộc hội thảo, nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhà sử học, nhà ngoại cảm đưa ra những lý luận cho thấy khả năng đây là ngôi mộ của Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Là một trong hàng trăm người tham dự hội thảo, anh N.V.H ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng cho biết, anh được tận mắt chứng kiến các nhà nghiên cứu tách lấy tấm thẻ tre bằng tre ngà từ trong chiếc quách. "Ở cái thẻ tre viết đầy đủ tên, tuổi của Cụ (Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - PV), tên bố Cụ. 500 năm rồi, tấm thẻ tre tưởng hỏng mà không hỏng, Cụ giỏi thật".
Tấm thẻ tre sau khi được lấy ra, bên trên khắc nhiều chữ Hán. Ảnh: N.V.H cung cấp
Việc đưa ra nhận định ban đầu sau khi nghiên cứu chiếc quách trong ngôi mộ cổ tại làng Hạ Đồng, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng khả năng là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khiến dư luận cả nước, đặc biệt là người dân thành phố Cảng xôn xao và đặt ra nhiều nghi vấn về việc sau 529 năm đã tìm được mộ Trạng Trình?
Theo tài liệu lịch sử, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), có tên khai sinh là Nguyễn Văn Đạt, sinh năm Tân Hợi, niên hiệu Hồng Đức thứ 22 dưới triều Lê Thánh Tông (1491). Ông sinh tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm từ nhỏ ông rất tài học, thông minh, đĩnh ngộ, thuộc nhiều thơ ca quốc âm do mẹ dạy truyền khẩu. Lớn lên lại càng học rộng tài cao, tiếng tăm vang dội, như thấy các tập đoàn phong kiến lúc ấy tranh giành quyền lợi gây nhiều tang tóc cho nhân dân, ông không chịu ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học. Sau khi Mạc Đăng Doanh lên ngôi vua, thi hành một số chính lệnh tốt, ông mới quyết ra thi khoa thi Hương năm Giáp Ngọ (1534) và đã đỗ đầu. Khoa thi hội và thi đình năm Ất Mùi (1535) ông lại tiếp đỗ đầu. Đặc biệt cả 4 môn thi hội và bài đình đối của ông đều đạt điểm cao nhất, giành học vị trạng nguyên. Đây là hiện tượng hiếm trong lịch sử thi cử Hán học ở nước ta. Lôi kéo được Nguyễn Bỉnh Khiêm ra phục vụ triều đình mình, Mạc Đăng Doanh rất mừng, bổ nhiệm ông chức Đông các hiệu tư, sau lại cử giữ chức Tả thị lang bộ hình, rồi chuyển qua Bộ Lại với chức Tả thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ. Ông giữ chức này cho đến khi dâng sớ xin chém 18 tên quyền thần, không được vua xét, bèn xin về quê, mở Am Bạch Vân, dựng Quán Trung Tân, tuyên truyền và đào tạo nhân tài cho đất nước...
Sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm mất, dân làng lập đền thờ ngay tại quê nhà để tưởng nhớ cụ. Năm 2016, khu di tích đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được Nhà nước cấp bằng xếp hạng di tích đặc biệt cấp quốc gia. Phần mộ của Trạng Trình đến nay chưa được tìm thấy, vẫn còn là một bí ẩn.