Tìm thấy mộ chồng chưa cưới sau gần nửa thế kỷ hy sinh
Trên đường thiên lý Bắc – Nam, vừa qua cầu Sòng, phường Đông Thanh, TP Đông Hà (Quảng Trị), hỏi nhà bà Lương bán tạp hóa, ai cũng biết. Mấy chục năm nay, nhiều người biết đến bà không chỉ hiền lành, tốt bụng, mà còn hay giúp đỡ người khác, đặc biệt đối với công việc thăm viếng nghĩa trang, tìm mộ liệt sĩ.
Chưa hết tháng Tư mà gió Lào đã phầm phập cuốn tung nhiều thứ. Trong ngôi nhà nhỏ, thỉnh thoảng bà Lương nhổm người nhìn qua ô cửa trông coi chiếc tủ bán hàng đặt ở phía trước. “Dạ, xin hỏi mẹ Lương có nhà không ạ?!”. “Chú mua gì vậy?!”, bà Lương mở cánh cửa sắt cũ kỹ, bước ra từ tốn hỏi khách. Trò chuyện với bà, tôi càng thấm cái giá của hòa bình, độc lập dân tộc.
Bà Lương thắp hương tưởng nhớ những người hy sinh.
Bà Lương kể, những năm 60 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào giai đoạn ác liệt, người chồng chưa cưới của bà cũng như hàng triệu thanh niên miền Bắc, vừa rời ghế nhà trường PTTH đã tình nguyện lên đường vào miền Nam chiến đấu. “Hôm tiễn quân, anh ấy vừa đủ 18 tuổi, còn tôi kém hơn một tuổi. Chúng tôi thẹn không dám đứng gần nhau. Lúc đi, anh ấy mới vẫy tay để tạm biệt và bảo “Tớ đi nhé! Đằng ấy ở nhà, nếu hai năm sau không có tin tôi thì đằng ấy cứ đi lấy chồng!”, bà Lương lặng nhìn khoảng trời phía trước, kể mà như độc thoại lời người như vừa mới ra đi. Ai ngờ lời chia tay cũng là lời vĩnh biệt, đúng 2 năm sau đó tin dữ bỗng ập xuống bà. Người chồng mà gia đình hai bên đã hứa hôn, trong lần cùng đoàn vận tải xẻ rừng Trường Sơn hướng vào Nam, bị trúng bom Mỹ, hy sinh. “Hai chúng tôi mặc dù do cha mẹ hứa hôn, sau nhiều năm qua lại, gặp gỡ đã nảy sinh tình cảm. Bởi vậy, lúc biết tin dữ, tôi đã ngất đi nhưng không tin đó là sự thật”, giọng bà Lương chợt chùng hẳn xuống, nước mắt chảy ròng ròng.
Bà Lương ở vậy mãi đến năm 1971, gia đình bên chồng nhiều lần động viên bà mới chịu kết hôn với người khác. Đó là một sĩ quan không quân làm nhiệm vụ tại sân bay Gia Lâm – Hà Nội. Ông là người Quảng Trị tập kết ra Bắc. Năm 1982, hai ông bà cùng 3 người con về quê nội tại phường Đông Thanh, TP Đông Hà, vỡ đất khai hoang, sinh sống bằng nghề nông. Sau này, vào năm 1990, để vợ con bớt vất vả, ông dựng nên ngôi nhà nhỏ sát Quốc lộ 1, bày bán các mặt hàng giải khát, tạp hóa. Điều kỳ lạ, kể từ khi đó, vợ chồng ông bà luôn mơ thấy một người bộ đội về gõ cửa, hỏi thăm gia đình.
“Do mơ nhiều lần, một hôm tôi lén ông nó thắp hương ra khấn trước nhà. Nào ngờ khi quay vào, thấy ông nó cũng đã dậy theo và ngồi ở bậu cửa. Ông hỏi tôi “Có phải bà vừa mơ thấy một chú bộ đội về thăm nhà không?!”. Tôi giật mình, hỏi lại “Ông cũng thế à?!”. Kể từ đó, ngày rằm, ba mươi, mồng một hàng tháng, vợ chồng tôi đều sắm sửa mâm cơm đạm bạc đặt ở trước nhà để cúng hương hồn liệt sĩ”, bà Lương kể lại và cho hay.
Sinh sống nhiều năm ở Quảng Trị, hàng ngày đều quần quật chăm lo cái ăn nuôi ba đứa con tuổi mới lớn, rất ít khi ông bà có điều kiện đi thăm nom bên ngoài. Năm 2005, được bạn bè mời đi tham quan Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, ông bà rất háo hức.
“Hôm trước khi đi, chúng tôi không ngủ được, cứ nằm chờ trời sáng”, bà Lương kể lại. Đoạn bà lặng nhìn di ảnh người chồng vừa mới mất cách đây mấy năm, như muốn được cùng ông chia sẻ lại niềm vui hôm đó. Bà tiếp tục kể lại: “Khi vừa đến thắp hương ở hàng mộ thứ nhất, tôi bất ngờ thấy một cái tên rất thân quen. Lúc đó tim đập loạn lên và nghĩ có lẽ do mình bị nắng, song nhìn đi nhìn lại nhiều lần vẫn cái tên ấy: “Liệt sĩ Trần Đình Miêu, quê quán Hà Tây (cũ), hy sinh 1962”. Tôi bỗng khuỵu xuống bên mộ. Ông nó thấy thế liền chạy đến đỡ và ngỡ tôi bị say nắng, nhưng tôi lắp bắp… là anh Miêu! Anh… Miêu ông nó ạ!”.
Người chồng của bà Lương liền hiểu ra câu chuyện, ông xoa nhẹ đôi bàn tay lên mái tóc vợ và động viên: “Tốt rồi! Cuối cùng chúng ta đã tìm được anh ấy”. Vậy là, liệt sĩ Trần Đình Miêu sau gần nửa thế kỷ hy sinh đã được chính người vợ chưa cưới của mình tìm thấy ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Một giấc mơ dài 15 năm đã kết thúc rất trọn vẹn. Ngay ngày hôm đó, bà Lương liên lạc ra quê báo tin cho gia đình hai bên vào thăm liệt sĩ. Sau đó một năm, thể theo nguyện vọng của gia đình, chính quyền và ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đồng ý để thân nhân liệt sĩ Miêu đưa hài cốt anh về quê an nghỉ cùng với bố, mẹ và người em trai ruột Trần Đình Miều cũng là liệt sĩ.
Về phần vợ chồng bà Lương, kể từ sau dịp đó, họ siêng năng đi thăm viếng nghĩa trang. Đồng thời, gia đình bà trở thành địa chỉ để những gia đình, thân nhân liệt sĩ, cựu chiến binh (CCB) khắp mọi miền đất nước mỗi khi đến Quảng Trị dâng hương, thăm viếng nghĩa trang, tìm hài cốt liệt sĩ nghỉ ngơi và được hướng dẫn đi thăm viếng, giúp sức tìm kiếm. Hàng ngày, hai ông bà cũng rất tích cực cùng với người dân, CCB và Đơn vị 584 Bộ Chỉ huy Bộ đội tỉnh Quảng Trị đi tìm kiếm, xác minh thông tin, quy tập mộ liệt sĩ nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Kể từ sau khi người chồng qua đời, bà Lương ở với người con trai út, hương khói chu toàn cho mẹ chồng là Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng 4 liệt sĩ bên nhà chồng luôn được ấm cúng.
Nói về gia đình bà Lương, ông Lê Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cảm động chia sẻ: “Gia đình bà Lương là một trong nhiều gia đình điển hình ở Quảng Trị về sự tri ân qua những việc làm, nghĩa cử cao đẹp với những người đã hy sinh”.
Ngày 13/3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự huyện Nhơn Trạch cùng chính quyền địa phương đã tiến hành cất, bốc 13 hài cốt liệt sĩ tại...
Nguồn: [Link nguồn]