Tìm thấy “dấu vết" cung điện vua Quang Trung

Sự kiện: Thời sự

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết, sau 8 ngày tìm kiếm, những di vật phát hiện được ở 5 hố thăm dò như đồ bát sành sứ là những vật dụng cao cấp thời vua chúa chứ không phải đồ người dân thường dùng. Đồng thời, chân móng bằng đá được phát hiện tại các hố thăm dò đủ để chứng minh rằng đó chính là dấu vết cung điện Đan Dương đã từng tồn tại trên gò Dương Xuân.

Tìm thấy “dấu vết" cung điện vua Quang Trung - 1

Đồ bát sành sứ được phát hiện lần này  là những vật dụng cao cấp thời vua chúa chứ không phải đồ người dân thường dung

Trước đó, ngày 10/10, ở hố khảo cổ thứ 5 (số nhà 13/120 Điện Biên Phủ, TP Huế, Thừa Thiên - Huế), đoàn khảo cổ tìm ra dấu vết rất quan trọng nghi là nền móng tường thành xưa.

Khi đào đến độ sâu khoảng 0,2 m, các nhà khảo cổ học phát hiện dấu vết gồm nhiều tảng đá nằm vuông góc với nhau. Riêng đoạn cuối lớp đá có một lớp vôi tiếp nối, cùng với lớp đất lạ giống như cát vàng và sỏi.

Lớp đất này khá giống lớp đất ở hố thứ 3 tìm được ngày 10/10. Các nhà khảo cổ cho rằng những dấu vết này có liên quan tới kiến trúc của điện Đan Dương.

PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, nhận định việc đào thăm dò mới chỉ phát lộ nền móng của một công trình kiến trúc. Tuy nhiên, để xác định đó có phải tường thành cung điện Đan Dương hay không thì còn phải nghiên cứu tiếp.

"Chúng tôi sẽ cho đào tiếp đến tầng sinh thổ để tìm kiếm các di vật, dấu vết nghi ngờ có liên quan đến cung điện Đan Dương. Hiện chúng tôi vẫn chưa dám khẳng định điều gì cả", ông Liêm nói.

Theo ông Liêm, công việc thăm dò khảo cổ đang gặp nhiều khó khăn do thời tiết của Huế đang vào mùa mưa bão. Nếu không che chắn kĩ thì các hố khai quật sẽ bị ngập nước.

Tìm thấy “dấu vết" cung điện vua Quang Trung - 2

Đoàn khảo sát tìm kiếm dấu vết lăng mộ vua Quang Trung

Thăm dò 5 hố tại chùa Thuyền Lâm, Vạn Phước và 2 nhà người dân trong khu vực gò Dương Xuân(phường Trường An, thành phố Huế), các nhà khảo cổ học đã phát hiện một phần nền móng cùng nhiều di vật như sành, sứ…Các chuyên gia nghi ngờ các di vật này có liên quan đến cung điện Đan Dương của vua Quang Trung.

Dự kiến, sau 3 tháng khai quật, đoàn khảo cổ sẽ báo cáo sơ bộ và một năm sau sẽ có báo cáo chính thức về dấu tích cung điện Đan Dương (lăng vua Quang Trung) lên các cơ quan chuyên môn.

Cuộc khai quật khảo cổ học lần này có sự tham gia hỗ trợ đắc lực của nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Đắc Xuân, người đã bỏ ra 36 năm đi tìm lăng mộ vua Quang Trung.

Ông Xuân khẳng định khu vực gò Dương Xuân trước đây vốn tồn tại cung điện Đan Dương của vua Quang Trung (nguyên là phủ Dương Xuân của Chúa Nguyễn Phúc Khoát). Cung điện Đan Dương là nơi sống và làm việc lúc sinh thời của vua Quang Trung.

Tìm thấy “dấu vết" cung điện vua Quang Trung - 3

Chân móng nghi kiến trúc cung điện Đan Dương

Theo ông Xuân, may mắn qua những lời dẫn, lời chú trong thơ của 2 trọng thần dưới triều vua Quang Trung là Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm, ông biết được rằng lăng mộ vua Quang Trung nằm trong cung điện Đan Dương.

Ông Xuân nhận định: "Khi nhà vua ngã bệnh và băng hà vào năm 1792, để giữ kín sự kiện này với các thế lực thù địch, vua Cảnh Thịnh đã quyết định giữ bí mật ngày mất và táng vua cha ngay trong khuôn viên cung điện Đan Dương. Từ đó, cung điện Đan Dương trở thành lăng Đan Dương của vua Quang Trung".

Cũng theo nhà nghiên cứu, những di vật phát hiện được ở 5 hố thăm dò như đồ bát sành sứ là những vật dụng cao cấp thời vua chúa chứ không phải đồ người dân thường dùng. Đồng thời, chân móng bằng đá được phát hiện tại các hố thăm dò đủ để chứng minh rằng đó chính là dấu vết cung điện Đan Dương đã từng tồn tại trên gò Dương Xuân.

Nhà nghiên cứu khẳng định: "Qua cuộc khảo cổ lần này, chúng tôi chỉ muốn chứng minh một điều là gò Dương Xuân chính là nơi tọa lạc cung điện Đan Dương của vua Quang Trung. Còn việc tìm ra lăng mộ của nhà vua hay không thì chưa thể khẳng định được." ,

Ngày 6/10, đoàn khảo cổ thăm dò dấu vết lăng mộ vua Quang Trung bắt đầu mở hố thám sát đầu tiên tại khu vực gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế, Thừa Thiên - Huế).

Cuộc thăm dò do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế thực hiện dưới sự chủ trì của PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học. Cuộc khảo cổ thăm dò tại địa điểm gò Dương Xuân được thực hiện theo giấy phép của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có thời gian 15 ngày và cho phép đào 5 hố thăm dò với diện tích 22 m2.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Phương ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN