Tìm ra cơ chế giúp bồ câu nhớ đường cực giỏi
Nhờ quan sát và tìm hiểu những trường hợp bồ câu bị lạc đường, một nhà khoa học đã tìm ra bí ẩn đằng sau cơ chế tìm đường về nhà của loài chim này. Chúng sử dụng sóng âm thanh tần số thấp để lập bản đồ.
Theo bài đăng trên Tạp chí Sinh học thực nghiệm ra ngày 30/1, nghiên cứu này có thể làm sáng tỏ tại sao loài chim bồ câu nhớ đường cực kỳ tốt, nhưng đôi khi chúng lại mất phương hướng hoàn toàn: lý do là bởi sóng tần số thấp ở vị trí hiện tại không về tới chuồng của chúng.
Năm 1969, một giáo sư sinh học ở ĐH Cornell (Mỹ) có bài nói chuyện với các nhà địa chất học về những chú chim bồ câu lạc đường. Nếu chim bồ câu được mang tới bất kỳ địa điểm nào, chúng thường sẽ bay thẳng về nhà mà không nhầm lẫn gì. Nhưng tại một địa điểm mang tên đồi Jersey, chim bồ câu hoàn toàn lạc đường. Tại hai vị trí khác, chim bồ câu cũng bị lạc đường.Trong vài lần khác, chim bồ câu bay chính xác về nhà, nhưng lại bị lạc ngay ngày hôm sau.
Nhà địa chất học John Hagstrum ở Cục khảo sát địa chất Mỹ cũng tham dự buổi nói chuyện này, và câu hỏi đó vẫn theo đuổi anh trong rất nhiều năm. Trong những năm 1990, anh phát hiện ra rằng chim giống bồ câu ở châu Âu bị lạc đường trong những ngày trời đẹp, khi những chiếc máy bay siêu thanh Concord đang hoạt động ở khu vực này. Điều đó khiến Hagstrum băn khoăn rằng có thể sóng siêu thanh phát ra từ máy bay đã làm mất khả năng định hướng của bồ câu bằng cách cản sóng âm thanh của chúng.
Nghiên cứu trước đây cho thấy chim bồ câu có thể nghe rất rõ sóng âm thanh tần số thấp khoảng 0,1 Hertz. Sóng hạ âm này có thể phát ra từ đại dương và bị nhiễu đôi chút trong khí quyển. Hagstrum nảy ra ý nghĩ rằng có thể chim bồ câu dựa vào sóng hạ âm để định hướng.
“Loại sóng này chịu ảnh hưởng của địa hình, nên có thể không phải bồ câu dựa vào thị giác, hình ảnh, mà là âm thanh quanh chuồng của chúng để có thể trở về nhà”, Hagstrum giải thích.
Để thử nghiệm khả năng chim bồ câu dựa vào sóng hạ âm để lập bản đồ âm thanh về nhà, Hagstrum dùng một chương trình máy tính để lập mô hình sóng hạ âm tại 200 địa điểm quanh ĐH Cornell, nơi có khoảng 45.000 con chim bồ câu được thả ra trong 14 năm qua. Sau đó, Cornell so sánh dữ liệu địa điểm sóng âm thanh với những trường hợp chim bồ câu tìm lại đường về khu vực này.
Hagstrum phát hiện ra rằng trong những ngày chim bồ câu bị lạc đường, sóng hạ âm trên đồi Jersey đã không vươn tới chuồng của chúng ở Cornell. Những khi bồ câu tìm được về nhà mà không gặp vấn đề gì thì sóng hạ âm kết nối giữa vị trí hiện tại của bồ câu và chuồng của chúng. Tại những địa điểm mà bồ câu lạc đường, Hagstrum chứng minh được rằng luồng gió đã làm thay đổi hướng của sóng hạ âm, bồ câu theo hướng đó nên bị nhầm.
Giải thích này cũng làm sáng tỏ tại sao bồ câu thường bay một vòng tròn trước khi chọn hướng bay. Đó là vì sóng âm thanh quá dài, mà tai của chúng lại nhỏ, chúng phải bay tròn để cấu trúc lại sóng nhằm tìm ra hướng đúng.