Tìm nguyên nhân rách lốp máy bay Vietnam Airlines

Ngày 8/1, chiếc Airbus 321 của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) chở 162 hành khách từ Đà Nẵng đi Hà Nội bị rách lốp. Phương án hạ cánh khẩn nguy đã được đề xuất nhưng cuối cùng, máy bay hạ cánh theo cách thông thường. Câu hỏi đang đặt ra là vết rách của lốp máy bay do đâu cần làm rõ.

Tìm nguyên nhân rách lốp máy bay Vietnam Airlines - 1

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng kiểm tra hiện trường sự cố sau khi máy bay hạ cánh. Ảnh: Báo Giao thông.

Sự cố được phát hiện khi tổ bay và trung tâm điều hành mặt đất của VNA phát hiện mất áp suất lốp số 1 của càng chính bên trái khi tàu bay rời sân bay Đà Nẵng được 30 phút.

Sự cố lập tức được thông báo cho các đơn vị liên quan. Ngay sau đó, tất cả các lực lượng của ngành GTVT, công an và quân đội cùng bàn phương án xử lý.

Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh kể lại: Ban đầu, tổ bay nhận định phải trải bọt để hạ cánh. Tuy nhiên, sau khi trao đổi kỹ, Cục Hàng không nhận định: Nếu còn một lốp vẫn hạ được theo cách thông thường (mỗi bên càng có 2 lốp). 

Để chắc chắn, lực lượng xử lý sự cố yêu cầu máy hạ thấp độ cao để quan sát lốp trực tiếp bằng ống nhòm. Sau khi chắc chắn có thể hạ cánh không cần bọt, máy bay được chỉ định xả bớt nhiên liệu (để làm nhẹ máy bay) ở vùng trời tỉnh Hà Nam rồi quay lại Nội Bài hạ cánh an toàn.

Ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam – đơn vị hỗ trợ trực tiếp trong xử lý sự cố cho biết: “Các phương án ứng phó được tập dượt bao quát ở tình huống phức tạp hơn nên không bất ngờ trong trường hợp này. Phương án dùng ống nhòm để quan sát lốp cũng có sẵn”. 

Theo đánh giá của Cục Hàng không, phương án hạ cánh thông thường này đảm bảo an toàn hơn so với rải bọt (máy bay có thể bị trượt ra khỏi đường bằng) và không ảnh hưởng lịch bay (sau khi rải bọt, đường băng phải rửa mới có thể bay lại).

Phó Tổng GĐ Vietnam Airlines Phan Xuân Đức cho biết: Nhằm tránh trường hợp khách hoảng loạn, thông tin về sự cố, quá trình xử lý sự cố được dấu kín với khách đến trước khi máy bay hạ cánh.

Ngay sau có thông tin về sự cố, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trực tiếp có mặt tại trung tâm điều hành bay để chỉ đạo và kiểm tra hiện trường sau khi tàu bay hạ cánh. Tại hiện trường, lốp bị xì hơi có một vệt rách dài cạnh lốp. Ngay sau đó, Cục Hàng không thành lập tổ điều tra sự cố. 

Trao đổi với Tiền phong chiều 8/1, ông Hồ Minh Tấn, Trưởng phòng Tiêu chuẩn an toàn bay nhận định vết cắt có thể bị một vật gì đó trên sân bay cắt phải. 

“Tung tích” của vật ngoại lai nguy hiểm này đã được khoanh vùng tại Sân bay Đà Nẵng. Hãng Hàng không VNA cũng nhận định, vết cứa trên lốp do vật ngoại lai cắt phải.

Chiều 8/1, trao đổi với Tiền phong, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng GĐ Tổng Cty Cảng hàng Hàng không Việt Nam cho hay: “Chúng tôi đã kiểm tra sân bay Đà Nẵng nhưng không phát hiện vật ngoại lai. Chúng tôi cho rằng, vết rách là do lốp vì tại mỗi sân bay, chúng tôi có riêng bộ phận để kiểm soát, không thể có vật thể lạ”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sỹ Lực ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN