Tìm kiếm MH370: Ác mộng trên Ấn Độ Dương

Sự khắc nghiệt của Ấn Độ Dương trở thành ác mộng cho lực lượng tìm kiếm MH370.

Nếu tuyên bố của Thủ tướng Malaysia Najib Razab rằng máy bay MH370 đã đâm xuống vùng biển phía nam Ấn Độ Dương, một trong những vùng biển khắc nghiệt nhất hành tinh, là đúng sự thật thì lực lượng tìm kiếm và trục vớt đang phải đối đầu với một cơn “ác mộng” thực sự xét về khoảng cách đối với đất liền và bản chất của vùng biển này.

Hồi tuần trước, Cơ quan An toàn Hàng hải Úc đã công bố những bức ảnh vệ tinh chụp 2 vật thể có kích thước 24 mét và 5 mét trôi dạt trên biển, mở ra chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn tại khu vực cách đất liền nước Úc 2000 km. Đây là vùng biển vô cùng dữ dội với những cơn sóng và gió mạnh nhất, cao nhất hành tinh, khiến hành trình tìm kiếm xác máy bay và hộp đen trở nên khó khăn khủng khiếp.

Tìm kiếm MH370: Ác mộng trên Ấn Độ Dương - 1

Malaysia tuyên bố MH370 đã đâm xuống Ấn Độ Dương (Ảnh minh họa)

Nếu những vật thể trôi dạt này đích thực là mảnh vỡ của máy bay MH370, trước khi bắt tay vào tìm kiếm xác máy bay, lực lượng tìm kiếm sẽ phải tính toán và thu hẹp phạm vi nơi máy bay có thể lao xuống biển. Tuy nhiên nhiệm vụ đó không hề dễ dàng chút nào.

Vùng biển nam Ấn Độ Dương là một khu vực biến động vô cùng bất thường, với những dòng hải lưu liên tục thay đổi vận tốc và hướng mỗi ngày, khiến lực lượng tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn trong việc lần tìm dấu vết của những vật thể trôi dạt cũng như xác định xuất phát điểm của chúng.

Vùng biển nam Ấn Độ Dương có một đặc điểm vô cùng độc đáo: Nó là nơi duy nhất trên thế giới có các dòng hải lưu liên tục chảy về phía đông mà không đụng phải đất liền. Với đặc điểm này cộng thêm các luồng gió cực mạnh, nước biển có thể cuốn trôi mọi thứ với tốc độ rất cao, nhiều lúc lên tới 2 mét một giây. Đây là tốc độ nước cuốn nhanh nhất so với tất cả các vùng biển khác trên thế giới.

Tìm kiếm MH370: Ác mộng trên Ấn Độ Dương - 2

Một con tàu đối mặt với sóng dữ trên Ấn Độ Dương

Với tốc độ cao như vậy, dòng chảy của Ấn Độ Dương trở nên biến động bất thường. Chúng bắt đầu cuộn vào nhau và tạo thành các xoáy nước. Các xoáy nước này có sức mạnh cũng tương tự như những vòi rồng khủng khiếp trên đất liền.

Điểm khác biệt là các xoáy nước trên vùng biển nam Ấn Độ Dương có kích thước lớn hơn rất nhiều, với đường kính có thể lên tới 50 km, và chúng không nằm một chỗ mà thường xuyên di chuyển. Vùng biển nam Ấn Độ Dương có đầy rẫy những xoáy nước như vậy, và có những xoáy nước có độ sâu lên tới hơn 1 km.

Sức tàn phá của những xoáy nước đại dương này cũng tương tự như sức mạnh của vòi rồng hoặc lốc xoáy trên đất liền, song vận tốc của chúng thấp hơn rất nhiều. Xoáy nước thường là những vùng nước hình tròn có áp suất cực cao hoặc cực thấp, và vì chuyển động quay của Trái đất nên nước biển bắt đầu chuyển động xung quanh chúng.

Tìm kiếm MH370: Ác mộng trên Ấn Độ Dương - 3

Ấn Độ Dương tiềm ẩn những xoáy nước khổng lồ có sức mạnh ghê gớm

Chuyển động của các xoáy nước lớn trên biển nam Ấn Độ Dương khiến cho luồng di chuyển của các mảnh vỡ trở nên vô cùng khó lường. Đây là một ví dụ sinh động minh họa cho “hiệu ứng bươm bướm” trên đại dương, nơi một sự thay đổi rất nhỏ ở điểm khởi đầu có thể tạo nên những biến chuyển rất lớn trong quỹ đạo di chuyển của các vật thể.

Cũng do chuyển động của các xoáy nước nên sự vênh nhau trong các bức ảnh chụp vật thể trên biển của vệ tinh các nước không khiến mọi người ngạc nhiên. Vệ tinh của Trung Quốc chụp ảnh được những vật thể ở vị trí cách nơi vệ tinh Úc phát hiện vật thể khác chụp cách đó 2 ngày hơn 120 km, còn mảnh vỡ do vệ tinh Pháp chụp được lại nằm cách đó 800 km.

Tìm kiếm MH370: Ác mộng trên Ấn Độ Dương - 4

Các địa điểm phát hiện vật thể khả nghi cách nhau hàng trăm km

Các mảnh vỡ máy bay trôi nổi trên biển sẽ được các xoáy nước cuốn đi và phân tán rải rác ở một khu vực rất rộng. Trong thực tế, sau gần 3 tuần kể từ khi máy bay mất tích, đến nay các mảnh vỡ có thể đã bị phân tán trên một diện tích hàng trăm km vuông.

Nếu lực lượng tìm kiếm không thể tìm thấy các mảnh vỡ sớm, chúng có thể bị cuốn ra một đại dương khác chỉ trong thời gian vài tháng đến một năm. Trong hình minh họa dưới đây, con vịt nhựa ở vị trí phát hiện mảnh vỡ nghi là của MH370 có thể bị cuốn đi hàng ngàn km chỉ sau một năm.

Tìm kiếm MH370: Ác mộng trên Ấn Độ Dương - 5

Con vịt màu vàng có thể bị cuốn ra Thái Bình Dương chỉ sau một năm

Hình minh họa này được tính toán dựa trên dữ liệu thu thập từ hàng ngàn phao nổi được Úc thả trên biển trong vòng 3 năm qua. Theo đó, nhiều vật thể có thể bị cuốn ra bờ biển phía tây nước Úc, trong khi một số vật thể bị trôi xa tới tận nam Thái Bình Dương.

Thời gian quý báu đang dần dần trôi qua trước khi hộp đen của máy bay ngừng phát tín hiệu sau 30 ngày hoạt động. Nếu các lực lượng cứu hộ không thể tìm ra các mảnh vỡ sớm, nhiệm vụ tìm kiếm và trục vớt MH370 sẽ trở nên khó khăn hơn bội phần.

Trong khi đó, ngày hôm nay, Cơ quan An toàn Hàng hải Úc đã tuyên bố tạm ngừng chiến dịch tìm kiếm MH370 vì thời tiết trên biển diễn biến quá xấu không đủ điều kiện an toàn cho máy bay và tàu thuyền hoạt động.

Video con tàu vật lộn với sóng dữ trên Ấn Độ Dương:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo Quartz) ([Tên nguồn])
Máy bay Malaysia MH370 mất tích bí ẩn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN