Tìm hiểu tên lửa hành trình của Trung Quốc
Trung Quốc là nước sử dụng tên lửa hành trình với số lượng lớn ở châu Á mà một trong những lý do chính là trước đây nước này thiếu những máy bay có khả năng xâm nhập hệ thống phòng không đối phương.
Trung Quốc từng đặt ưu tiên phát triển các chương trình tên lửa đạn đạo và hành trình bắn từ mặt đất và hiện đang mở rộng kho vũ khí đó của mình bằng việc chế tạo hàng chục mẫu vừa để sử dụng nội địa, vừa dùng cho xuất khẩu.
Năm 1985 Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm tên lửa hành trình động cơ tuabin phản lực (turbojet) X-600. Chiếc này sau đó được cải tiến thành Hong Niao-1 (HN-1) chạy bằng động cơ cánh quạt (turbofan) năm 1988. Tiếp đến, HN-1 lại được phát triển thành HN-2 tầm xa (1.500 km) mà có nhiều thông tin cho thấy nó đã được thử nghiệm vào năm 1995 hoặc 1997. Hong Niao-3 (HN-3) được cho chính là mẫu HN-2 mới có độ chính xác cao hơn và tàng hình tốt hơn với tầm bắn 2.500 km. Tên lửa này được thử nghiệm thành công tháng vào 8/2004 và sau đó được biên chế cho Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10
Bắc Kinh hiện đang phát triển tên lửa hành trình thế hệ kế tiếp Hong Niao-2000 (HN-2000) trang bị các công nghệ dẫn đường tiên tiến có độ chính xác rất cao (1-3 m). Đây là loại tên lửa nổi bật với công nghệ tàng hình, pha cuối siêu âm và có tầm bắn vài nghìn km.
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất DongHai 10 (DH-10)/ChangJian-10 (CJ-10) lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng là tháng 10/2009. Được phát triển bởi Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp hàng không Vũ trụ Trung Quốc, đây là tên lửa hành trình tấn công mặt đất năng lượng thông thường hoặc hạt nhân, điều khiển bằng hệ thống dẫn đường quán tính (INS), định vị toàn cầu (GPS) và đối chiếu địa hình tích hợp. Tầm bắn của nó có thể đạt 4.000 km. Có nhiều thông tin cho thấy vài trăm tên lửa loại này đã được phát triển, tuy nhiên sự hiểu biết về hệ thống vũ khí quan trọng này của Trung Quốc còn rất hạn chế.
Trung Quốc có lịch sử tự phát triển tên lửa hành trình khá lâu, đặc biệt với loại tên lửa chống tàu. Năm 1959, Liên Xô cung cấp cho Trung Quốc các tên lửa P-15/SS-N-2 Styx, sau đó được Trung Quốc phát triển và đặt tên là SY-1/CSS-N-1 Scrubbrush. Những năm 1960 Trung Quốc phát triển tên lửa này thành Hai Ying-1 (HY-1/CSSC-2 Silkworm/CSS-N-2 Safflower) và rồi cải tiến thành HY-2/C-201/CSSC-3 Seersucker. Từ dòng tên lửa này lại nâng cấp thành tên lửa động cơ tuabin phản lực HY-4/CSSC-7 Sadsack và tên lửa phóng từ trên không YJ-6/C-601/CAS-1 Kraken. YJ-61/C-611 là phiên bản nâng cấp, mở rộng tầm bắn được đưa vào sử dụng năm 1990. Trung Quốc cũng chế tạo các tên lửa HY-3/C-301/CSSC-6 Sawhorse và YJ-16/C-101/CSSC-5 Saples, trong đó loại thứ hai được thay thế bằng C-801 và C-802 vào năm 2005.
Trung Quốc đã phát triển YJ-6 thành tên lửa hành trình phóng từ trên không KD-63 (Kong Di-63)/YJ-63 mà lần đầu tuyên bố công khai là vào năm 2005. Đây là vũ khí trên không tầm xa sản xuất nội địa đầu tiên được biên chế cho Không quân Trung Quốc và được tích hợp các hệ thống như thiết bị tìm kiếm quang điện tử và hệ thống kết nối dữ liệu.
Tên lửa chống tàu C-802 của Trung Quốc
Dòng tên lửa C-801/C-802 mà Trung Quốc phát triển trong những năm 1980 nằm trong số những tên lửa hành trình chống tàu quan trọng nhất của nước này. YJ-1/YJ-8/C-801 được chấp thuận đưa vào biên chế năm 1987 với vai trò là tên lửa chống tàu phóng từ mặt đất (CSS-N-4 Sardine). Loại tên lửa dưới âm này có tầm bắn 45 km trong khi phiên bản YJ-81 có tầm bắn 80 km.
Tên lửa chống tàu YJ-2/YJ-82 (C-802)/CSSC-8/CSS-N-8 Saccade lần đầu tiên được biết đến là năm 1989 và được phát triển dựa trên YJ-1/C-801. Được đưa vào sử dụng năm 1994, YJ-2 có đầu đạn nặng 165 kg và tầm bắn 130 km. Các phiên bản cải tiến sau này gồm YJ-21 (tầm bắn 180 km) và YJ-22 (tầm bắn 400 km). Tên lửa phóng từ trên không mới được tiết lộ gần đây C-802AKG có tầm bắn từ 220-250 km.
Tên lửa hành trình chống tàu siêu âm Kh-41 Moskit (SS-N-22 Sunburn) Trung Quốc mua của Nga
YJ-83 (C-803) là phiên bản siêu âm hiện đại hơn YJ-82, nhiều khả năng có tầm bắn từ 150-250 km. Nó có thể được phóng từ trên không, trên tàu, và các ống phóng thủy lôi tàu ngầm.
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất phóng từ trên không KongDi-88 (KD-88) được phát triển từ dòng C-802 và được tiết lộ năm 2006 với mẫu xuất khẩu là C-802KD. Chạy bằng động cơ tuabin phản lực, tên lửa này có thể mang theo đầu đạn nặng 164 kg ở vận tốc Mach 0.9 với tầm bắn khoảng từ 180-200 km.
Ngoài số tên lửa do mình tự phát triển, Trung Quốc cũng đang sử dụng một lượng lớn tên lửa hành trình của Nga gồm Kh-65SE tầm bắn 600 km và tên lửa hành trình chống tàu siêu âm Kh-41 Moskit (SS-N-22 Sunburn) có tầm bắn 250 km. Moskit là tên lửa mua kèm với hai tàu khu trục Sovremenny mà Trung Quốc mua của Nga. Ngoài ra, Trung Quốc cũng trang bị các tên lửa 3M-54 Club (SS-N-27 Sizzler) cho các tàu ngầm lớp Kilo của mình. Ukraine cũng đã xuất khẩu các tên lửa Kh-55 (AS-15 Kent) với tầm bắn 3.000 km cho Trung Quốc.