Tìm được thân nhân liệt sĩ sau khi gửi 7000 lá thư đến 7000 xã
Để có thông tin hồi âm từ gia đình, người thân của liệt sĩ Nguyễn Văn Bẩy (do trên bia mộ chỉ có tên và năm hy sinh), người cựu chiến binh đã viết khoảng 7.000 lá thư và gửi đi đến 7.000 xã, phường trong cả nước.
Hôm nay (ngày 31-12/2015), Đảng bộ, chính quyền xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín (Hà Nội), cùng đông đảo người dân và gia đình đã trang trọng tổ chức lễ truy điệu và an táng Liệt sĩ Nguyễn Văn Bẩy tại nghĩa trang quê nhà sau 46 năm hy sinh.
Nghi lễ trước khi cất bốc mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Bẩy tại nghĩa trang Phố Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Chiến Hạm, cháu ruột của liệt sĩ Nguyễn Văn Bẩy (đang công tác ở Bộ Công an) xúc động cho biết: “Đúng là điều kỳ diệu vì chú tôi hy sinh đã 46 năm qua (1969). Vừa qua, gia đình nhận được thư báo đúng tên liệt sĩ là chú ruột mình rồi, mừng lắm, qua liên lạc với bác Đào Thiện Sính (người báo tin), được bác phân tích, tư vấn và động viên, theo đó gia đình đã phối hợp với các cơ quan chức năng vào nghĩa trang Phổ Thạnh, huyện Đức Phố (Quảng Ngãi) để xác định AND và thật tuyệt vời, một kết quả chính xác bằng khoa học”.
Ông Đào Thiện Sính, người báo tin cho thân nhân liệt sĩ kể trên xúc động nói: “Tôi cũng quá đỗi vui mừng vì lại hoàn thành thêm một trọng trách nữa với những người đồng đội của tôi đã ngã xuống vì nền độc lập nước nhà.
Để có thông tin hồi âm từ gia đình, người thân của liệt sĩ Nguyễn Văn Bẩy (do trên bia mộ chỉ có tên và năm hy sinh), tôi đã viết khoảng 7 nghìn lá thư và gửi đi đến 7 nghìn xã, phường trong cả nước. Chính vì thế dù quê gốc liệt sĩ Bẩy ở Thường Tín, nhưng sau này lại sinh sống và nhập ngũ tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn thì vẫn nhận được thông tin.
Khi người cháu của liệt sĩ gọi điện, tôi linh cảm ngay rằng, đồng đội của tôi đã tìm được về với gia đình, quê hương sau 46 năm nằm lại nghĩa trang Phổ Thạnh”.
Ông Đào Thiện Sính nhận Bằng khen của Trung ương Hội CCBVN (đầu hàng, áo sẫm).
Xin được nói rõ thêm, ông Đào Thiện Sính là một cựu chiến binh, sinh năm 1947, quê ở Hải Dương (độ tuổi với liệt sĩ Nguyễn Văn Bẩy kể trên). Nhập ngũ năm 1968, sau ngày đất nước thống nhất (1975), ông định cư tại thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) và chuyển ngành sang bưu điện huyện.
Ông có một người anh, một người cháu đã hy sinh. Vì vậy ngay từ năm 1976, ông bắt đầu ba lô trên vai, lần lượt “hành quân” đến trên 200 nghĩa trang liệt sĩ tìm mộ anh trai và người cháu đến nay vẫn chưa tìm được. Nhưng cũng suốt gần 40 năm qua ông đã viết và gửi trên 35 nghìn lá thư báo tin cho các gia đình thân nhân của liệt sĩ trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Theo đó, hàng nghìn gia đình đã biết thông tin, địa chỉ phần mộ của các liệt sĩ, những gia đình có điều kiện đã đưa hài cốt các liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà (mới nhất là trường hợp như liệt sĩ Nguyễn Văn Bẩy đã nêu trên).
Ở tuổi 69, với đôi chân người lính già, CCB Đào Thiện Sính đã dùng những đồng lương ít ỏi của mình, nhiều lần phải xin thêm tiền con cháu, ăn ngủ tại nghĩa trang để ghi chép…rồi về lại viết thư và gửi…. Do có những đóng góp không mệt mỏi, dành quá nửa cuộc đời đi làm “quân bưu” cho các anh hùng, liệt sĩ, vừa qua (tháng 11/2015), ông vinh dự được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng Bằng khen.