Tìm đâu tỷ đô nâng cấp 3 sân bay?
Cục Hàng không VN kiến nghị sớm phê duyệt phương án quản lý, khai thác khu bay tại 21 cảng hàng không...
Dự tính từ nay đến năm 2020, riêng sân bay Cát Bi (Hải Phòng) cần đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng để nâng cấp - Ảnh: H.H
Cục Hàng không VN kiến nghị sớm phê duyệt phương án quản lý, khai thác khu bay tại 21 cảng hàng không (CHK), làm cơ sở đầu tư nâng cấp ba CHK: Cát Bi, Phú Bài, Chu Lai đang đối mặt với tình trạng quá tải. Vấn đề là tìm đâu ra tỷ đô để nâng cấp 3 sân bay này?
Cần hơn 23.300 tỷ đồng đầu tư
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng vừa trình Bộ GTVT Kế hoạch đầu tư các CHK: Cát Bi, Phú Bài, Chu Lai giai đoạn đến năm 2020. Theo đó, có tới 43 danh mục tại 3 CHK này cần được đầu tư với tổng số vốn lên tới hơn 23.300 tỷ đồng. Trong đó, Cát Bi cần hơn 6.200 tỷ đồng, Phú Bài cần hơn 6.000 tỷ đồng và Chu Lai hơn 6.600 tỷ đồng.
Tại Cát Bi, các hạng mục được kêu gọi lớn nhất theo danh sách của Cục Hàng không VN là hơn 1.700 tỷ đồng sửa chữa, xây dựng đường lăn song song; hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng nhà ga hành khách T2 và kết cấu hạ tầng đồng bộ với nhà ga đảm bảo khai thác cho máy bay code E; hơn 730 tỷ đồng xây dựng nhà ga hàng hóa.
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã đề xuất ưu tiên phương án 3 là Nhà nước giao ACV thuê khai thác tài sản khu bay. Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã ký văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ lựa chọn phương án giao ACV quản lý, khai thác, đầu tư, sửa chữa tài sản khu bay. Luật Quản lý sử dụng tài sản công (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018) đã quy định đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng gồm: Cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp và đối tượng khác theo quy định của pháp luật liên quan. Như vậy, việc bổ sung đối tượng được giao khai thác hạ tầng hàng không là phù hợp. |
Với Phú Bài, Cục Hàng không VN kêu gọi đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng nâng cấp, kéo dài đường cất/hạ cánh, xây dựng đường lăn song song; hơn 3.900 tỷ đồng xây dựng nhà ga hành khách T1 và hơn 300 tỷ đồng xây dựng nhà ga hàng hóa. Còn CHK Chu Lai, hạng mục được kêu gọi đầu tư nhiều nhất là nhà ga hành khách T2 với hơn 3.300 tỷ đồng. Kế đó là hơn 2.700 tỷ đồng xây dựng đường cất/hạ cánh, các đường lăn nối và cải tạo đường cất/hạ cánh hiện hữu và 500 tỷ đồng xây dựng nhà ga hàng hóa.
Trước đó, theo nhận định của Cục Hàng không VN, dù mới đưa vào khai thác nhưng dự báo nhà ga hành khách Cát Bi sẽ phải khai thác vượt thiết kế ngay trong năm 2018. Sức chịu tải của đường lăn song song (vốn là đường cất/hạ cánh cũ) không đảm bảo cho khai thác tàu bay A321 dẫn đến chưa hiệu quả cho việc đầu tư hệ thống sân đường khu bay mới đưa vào khai thác.
Cũng theo Cục Hàng không VN, nhà ga hành khách CHK Phú Bài cũng đã phải khai thác vượt công suất thiết kế từ năm 2016. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhà ga này sẽ bị quá tải nghiêm trọng, chất lượng dịch vụ xuống thấp. Tại Chu Lai, qua thống kê cơ sở hạ tầng hiện trạng và số liệu vận chuyển hành khách trong các năm qua cho thấy, sân bay này có sự tăng trưởng vượt bậc về hành khách từ năm 2015. Đến năm 2016, Chu Lai đã khai thác vượt công suất thiết kế của nhà ga hành khách. Sản lượng hành khách thông qua cảng năm 2016 thực tế đã cao gấp 2 lần công suất thiết kế.
“Dù TCT Cảng hàng không VN đã triển khai cải tạo, mở rộng nhà ga hành khách đạt 0,75 - 1 triệu hành khách/năm nhưng với sự tăng trưởng hành khách như hiện nay, nhà ga này sẽ tiếp tục bị quá tải ngay trong năm 2018”, Cục Hàng không VN nhận định.
Cảng hàng không quốc tế Phú Bài
Sớm thông cơ chế
Đáng lưu ý, trong kế hoạch đầu tư ba CHK nói trên của Cục Hàng không VN, có tới hơn 18.900 tỷ đồng trong tổng số hơn 23.300 tỷ đồng được cơ quan này đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp. Trong số này, có khá nhiều hạng mục liên quan đến khu bay (đường cất/hạ cánh, đường lăn…) vốn là tài sản đã được loại ra, không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa ACV và bàn giao lại cho Bộ GTVT. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đối tượng, phương thức quản lý tài sản này được thay đổi từ ACV (theo Luật Doanh nghiệp, pháp luật chuyên ngành hàng không) sang Bộ GTVT quản lý (theo pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật chuyên ngành hàng không).
Vấn đề được nhiều người đặc biệt quan tâm là Nhà nước, cụ thể là Bộ GTVT sẽ lấy đâu ra tiền để đầu tư vào hạng mục mà nguồn thu chỉ đáp ứng được chi phí hoạt động và sửa chữa chứ không thể đủ cho việc đầu tư nâng cấp vốn luôn “ngốn” một khoản tiền cực lớn này. Được biết, từ khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần (ngày 1/4/2016), mặc dù chưa có phương án khai thác vận hành khu bay nhưng ACV đã tiếp tục thực hiện ứng vốn để đầu tư các dự án chuyển tiếp với tổng số chi từ thời điểm này tới hết ngày 31/5/2017 lên tới hơn 1.200 tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn 2017 - 2021, nhu cầu vốn đầu tư, sửa chữa, nâng cấp khu bay ước tính lên tới hơn 11 nghìn tỷ đồng (bao gồm hơn 7.700 tỷ đồng đầu tư mở rộng và hơn 3.300 tỷ đồng cho sửa chữa lớn).
Theo các chuyên gia, việc ứng vốn chỉ là giải pháp tình thế mà ACV thực hiện nhằm bảo đảm duy trì khả năng khai thác của khu bay trong khi chờ Chính phủ, Bộ GTVT quyết định cơ chế, quản lý, khai thác cũng như cơ chế đầu tư các tài sản khu bay. Đây cũng là lý do trong Tờ trình về Kế hoạch đầu tư ba CHK nói trên (vốn có rất nhiều hạng mục đầu tư tại khu bay), Cục trưởng Đinh Việt Thắng đã kiến nghị sớm phê duyệt phương án quản lý, khai thác khu bay tại 21 CHK.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay VN (VATM) Trịnh Như Long khẳng định, ACV là một bộ phận rất quan trọng của ngành Hàng không. Dù ACV cổ phần hóa đến đâu, Nhà nước phải coi ACV cùng với TCT Quản lý bay VN và TCT Hàng không VN là một bộ phận không thể thiếu. “Việc giao ACV quản lý khai thác khu bay là việc chắc chắn phải làm”, ông Long nói và cho biết, về lịch sử, năng lực kinh nghiệm, hiện tại, không ai làm tốt hơn ACV trong việc quản lý kết cấu hạ tầng sân bay.
Phía ACV, Phó tổng giám đốc Vũ Thế Phiệt cho biết, hiện Bộ GTVT đã trình Chính phủ xem xét quyết định phương án quản lý, khai thác khu bay trong đó đề xuất 4 phương án: Nhà nước tăng vốn điều lệ của ACV thông qua việc góp vốn bằng tài sản khu bay; Nhà nước giao ACV quản lý, khai thác, đầu tư, sửa chữa khu bay và cuối cùng là phương án ký Hợp đồng kinh doanh - quản lý.
Thay vì chờ đến lúc hai cầu vượt phát huy hiệu quả thì cần xây dựng và triển khai nhiều giải pháp cấp bách khác để...