Tìm cây sứ trăm tuổi ở Đại nội Huế, lộ “biệt phủ” bí ẩn

Sự kiện: Thời sự

Trong quá trình truy tìm “tung tích” của cây sứ trăm tuổi tại Đại Nội Huế, một “biệt phủ” bí ẩn với rất nhiều tài sản, cây cảnh quý giá không khác một vương phủ được phát hiện.

Tìm cây sứ trăm tuổi ở Đại nội Huế, lộ “biệt phủ” bí ẩn - 1

Cổng vào biệt phủ bí ẩn...

Như Báo Gia đình & Xã hội đã đưa tin, thời gian vừa qua dư luận tại Thừa Thiên – Huế xôn xao trước thông tin cây sứ trăm tuổi tại quần thể di tích cố đô Huế bị đào bới và đưa đi chỗ khác. Nhiều người nghi ngờ cây sứ này được đào mang đi tặng “sếp”.

Để rộng đường dư luận và làm rõ thực hư thông tin này, chúng tôi đã liên hệ làm việc với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cùng các cơ quan hữu quan.

Tuy nhiên với cách giải thích chưa thuyết phục về việc đào và di chuyển cây sứ cổ thụ tại Điện Kiến Trung thuộc Đại Nội Huế, chúng tôi đã quyết định tự đi tìm sự thật của sự việc này. Trong quá trình truy tìm “tung tích” của cây sứ trăm tuổi, PV bất ngờ phát hiện một “biệt phủ” với nhiều hạng mục công trình xây dựng tại thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế).

Theo đó, khu “biệt phủ” nói trên tọa lạc trên đường Dạ Lê, thuộc phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy. Đây là con đường nối liền giữa đường QL1A và đường tránh Huế giao thông hết sức thuận lợi. Nối từ con đường Dạ Lê vào cổng chính khu “biệt phủ” là con đường bê tông dài khoảng 200m. Dường như con đường bê tông chủ yếu là để phục vụ cho khu biệt phủ này.

Tìm cây sứ trăm tuổi ở Đại nội Huế, lộ “biệt phủ” bí ẩn - 2

Tìm cây sứ trăm tuổi ở Đại nội Huế, lộ “biệt phủ” bí ẩn - 3

Không gian bên trong ngôi "biệt phủ"...

Theo ghi nhận của PV, trong khu vườn là hàng loạt công trình khác nhau như hệ thống nhà rường gỗ, ao hồ, cầu cống, hòn non bộ,.. các nhà chòi vọng cảnh, nhà gỗ thiết kế tinh xảo. Tất cả đều đang trong quá trình được xây dựng nên vật liệu còn khá ngổn ngang. Tại khu “biệt phủ” một nhóm công nhân vẫn đang tất bật xây dựng.

Trong khu biệt phủ còn có nhiều cây cảnh quý như sưa, lộc vừng, mộc, tùng… xung quanh vườn. Đặc biệt có một số cây sứ lớn có dấu vết mới trồng chưa lâu và còn có các thanh gỗ chống đỡ. Một số công nhân được biết chủ nhân của khu “biệt phủ” này là một người tên Sơn. Khoảng 3-4 ngày người này lại về thăm khu vườn một lần để trông nom chỉ đạo công việc.

Để xác định được chủ nhân thực sự của khu vườn này, PV đã có buổi làm việc với ông Võ Thanh Bình – Trưởng phòng TN-MT thị xã Hương Thủy. Qua kiểm tra sổ sách, ông Bình cho biết khu đất này hiện đứng tên bà Trương Thị Kim. Ông Bình cũng cho hay: “Tôi chỉ biết bà Kim là mẹ của ông Sơn (GĐ Sở Tài Chính – PV) chứ không rõ là mẹ vợ hay mẹ ruột”...

Tìm cây sứ trăm tuổi ở Đại nội Huế, lộ “biệt phủ” bí ẩn - 4

Tìm cây sứ trăm tuổi ở Đại nội Huế, lộ “biệt phủ” bí ẩn - 5

Nhiều công trình trái phép đang được xây dở. Vật liệu xây dựng còn ngổn ngang..

Trước đó, ông Phan Thanh Hải – GĐ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế từng cho biết: “Cây sứ chỉ bứng để đưa lên vườn ươm Văn Thánh sau này có kế hoạch sẽ trồng lại ở các khu di tích. Hơn nữa người Huế quan niệm cây sứ linh thiêng chỉ trồng ở các điểm di tích, thờ tự”. Trong khi đó tại vườn nhà của mẹ ông Sơn lại có một số gốc sứ lớn vừa trồng mới, điều này càng dấy thêm những nghi ngờ của dư luận.

Tìm cây sứ trăm tuổi ở Đại nội Huế, lộ “biệt phủ” bí ẩn - 6

Một gốc sứ trong khu "biệt phủ"...

Ông Nguyễn Quốc Hữu – cán bộ địa chính phường Thủy Phương cho biết diện tích của khu đất này trong hồ sơ rộng 6782.85m2. Trước thông tin có nhiều hạng mục công trình đang được xây dựng với quy mô hoành tráng, rầm rộ,vị này tỏ ra khá bất ngờ: “Việc xây dựng này, chưa thấy báo cáo với địa phương”.

Theo thông tin mà ông Ngô Văn Tài – Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Phương cung cấp thì bà Trương Thị Kim có quê gốc ở Quảng Nam và ra Huế sống vào năm 2007. Hiện bà Kim cũng đã nhiều tuổi, già yếu. Sau khi nhận được thông tin một số công trình xây dựng trái phép trên khu đất của bà Kim, phường Thủy Phương đã cử đoàn công tác về kiểm tra và lập biên bản. Tuy nhiên khi đoàn công tác đến không gặp được chủ nhân khu "biệt phủ" nên chưa thể lập biên bản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Chung ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN