Tiết lộ về đội nữ chiến binh - “cơn ác mộng” của khủng bố IS
Hàng ngàn nữ chiến binh của Đơn bị Bảo vệ Phụ nữ (YPJ) đang là cơn ác mộng với Nhà nước Hồi giáo (IS). Họ đến từ nhiều nơi trên thế giới và tình nguyện tham gia vào cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố ở Syria.
Cô Arin, 27 tuổi, sống trong một căn hộ nhỏ ở một thị trấn của Syria, nằm giáp ranh với Iraq. Mỗi tối trước khi đi ngủ, cô đều treo khẩu súng Makarov, một loại súng ngắn bán tự động của Nga lên móc treo quần áo. Khẩu súng Makarov này là phần thưởng sau khi cô tiêu diệt được 20 chiến binh khủng bố IS trong một chiến dịch bảo vệ khu vực của người Kurdish ở miền Đông Bắc Syria.
Các nữ chiến binh của Đơn bị Bảo vệ Phụ nữ (YPJ)
Tuy vậy, Arin lại không phải là người Kurd ở Syria mà lại sinh ra và lớn lên ở Đức. Cô được bố mẹ cho ăn học tại một trường đào tạo về y tá.
"Tôi đã có một cuộc sống tốt ở Đức", Arin cho biết.
Tuy nhiên, khi chứng kiến cuộc xung đột nổ ra ở Syria cũng như sự tàn bạo của các chiến binh IS, cô biết mình cần phải làm gì đó.
"Khi đang xem tivi thì bất chợt tôi nhìn thấy cảnh phụ nữ và trẻ em bị các chiến binh khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) sát hại dã man. Tôi biết không thể đứng yên nhìn mọi chuyện cứ thế diễn ra", Arin kể lại.
Năm 2013, Arin đến Syria gia nhập vào Đơn bị Bảo vệ Phụ nữ (YPJ)
và nhanh chóng lập công rồi được bầu làm chỉ huy một tiểu đội.
Ban đầu, đội của Arin có khoảng 20 thành viên, chủ yếu là đến từ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đến nay,đội chỉ còn 7 người sống sót. Chia sẻ với Reuters, cô Arin cho biết, "Đây là một cuộc chiến tranh đẫm máu, nhưng chúng tôi cần phải chiến đấu để bảo vệ phụ nữ và trẻ em".
“Các tay súng IS không thích chiến đấu với phụ nữ. Chúng nghĩ nếu bị chết dưới tay phụ nữ thì linh hồn không thể lên thiên đường nên chiến đấu với phụ nữ là ác mộng với chúng”, một nữ chiến binh người Kurd cho biết.
Hàng trăm phụ nữ tình nguyện tham gia vào đơn vị này để chiến đấu chống lại phiến quân khủng bố IS.
Khi không tham gia chiến đấu, họ tiếp tục sống cuộc đời bình thường. Họ hạn chế nói chuyện về cuộc chiến, cùng nhau nấu ăn, cười đùa, bỏ lại những súng ống, đạn pháo sau lưng.
Cô Arin đã không nói chuyện với bố mẹ kể từ khi cô rời nước Đức.
"Tôi không gọi cho họ, có lẽ như thế tốt hơn, nhưng một ngày nào đó tôi sẽ gọi, khi nào cuộc chiến ở đây kết thúc", cô thổ lộ. Hiện nay, với Arin, ý nghĩa sống của cuộc đời cô là ở Syria, cùng với những nữ đồng đội dũng cảm của mình.
Lịch trình của đơn vị Arin rất chặt chẽ, họ bắt đầu bữa sáng vào lúc 8 giờ sáng, sau đó sẽ là các cuộc họp chiến lược. Bất kể khi nào có mệnh lệnh, các nữ chiến binh luôn trong tâm thế sẵn sàng nhảy ra mặt trận.
Kể cả khi Arin đang có cuộc phỏng vấn với Reuters, tiếng điện thoại vang lên, cô và 3 đồng đội khác nhanh chóng nhảy lên xe đang đợi ở bên ngoài để tới Jezza, một thị trấn nhỏ gần Kobani, khu vực biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ, một trong mặt trận ác liệt nhất của cuộc chiến. Trước khi đóng sập cửa xe, Arin nhắn nhủ: "Chúng tôi sắp đi chiến đấu ở Daesh, hãy bảo trọng".
Arin chỉ là một trong hàng nghìn phụ nữ người Kurd trẻ tuổi, những người đứng lên cầm vũ khí trong suốt 2 năm qua. Người Kurd hiện đang là nhóm dân tộc thiểu số đông nhất ở Syria còn chiến đấu chống lại lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ước tính có khoảng 7.500 phụ nữ tự nguyện gia nhập Đơn bị Bảo vệ Phụ nữ hay còn gọi là YPJ.
Đơn vị này thành lập năm 2012, là một phần của phong trào chống chính quyền của người Kurd. Cùng với các lực lượng dân quân người Kurd, YPJ đang tích cực chiến đấu chống lại IS.
Giám đốc của chương trình Xây dựng Hòa bình và Quyền lợi của Đại hoc Columbia David L.Phillips nhận xét: "Những người phụ nữ này đều là những chiến binh dũng cảm và hiệu quả. Đa phần trong số họ là những góa phụ và có động cơ mạnh mẽ khi chiến đấu vì từng những mất mát trong đời sống cá nhân".