Tiết lộ vai trò đặc biệt của 2 con lạc đà từng “đi lạc” trên phố Hà Nội

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Hai con lạc đà từng “đi lạc” trên phố Hà Nội không đơn thuần chỉ là những con thú mà còn sắp trở thành những “diễn viên” xiếc thực thụ.

Tiết lộ vai trò đặc biệt của 2 con lạc đà từng “đi lạc” trên phố Hà Nội - 1

Hai con lạc đà Tâm, Nghiệp từng tung tăng dạo phố Hà Nội khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Cách đây không lâu, người dân Hà Nội ngỡ ngàng khi chứng kiến 2 con lạc đà tung tăng dạo bước trên đường phố. Đây là loài động vật lớn nhất sống được trên sa mạc và các vùng khô cằn thiếu nước uống. Vì vậy, hình ảnh 2 con lạc đà xuất hiện ở thủ đô không khỏi khiến nhiều người tò mò.

Theo tiết lộ của anh Nguyễn Văn Hoàn – Trưởng đoàn xiếc thú thuộc Liên đoàn xiếc Việt Nam, 2 con lạc đà đó thuộc quản lý của Liên đoàn xiếc, có nguồn gốc từ Trung Quốc và đang trong quá trình làm quen với môi trường mới để có thể đưa vào biểu diễn xiếc.

Trải qua nhiều ngày tháng tập luyện, 2 con lạc đà đã trên đường trở thành những “diễn viên” xiếc. Người có công đầu trong việc dạy dỗ chúng là nghệ sĩ Nguyễn Đức Tài (SN 1982, quê Phú Thọ) và nghệ sĩ Trần Hồng Hảo (SN 1986, quê Hưng Yên).

Tiết lộ vai trò đặc biệt của 2 con lạc đà từng “đi lạc” trên phố Hà Nội - 2

Anh Tài (áo xanh), anh Hảo (trên lưng lạc đà) đang tập luyện cho những con lạc đà.

Anh Tài đang là nghệ sĩ biểu diễn xiếc khỉ, còn anh Hảo là nghệ sĩ biểu diễn xiếc người. Một người dạy thú, còn một người có thể biểu diễn trên lưng thú hứa hẹn sẽ tạo nên một tiết mục xiếc lạc đà hấp dẫn. Tiết mục xiếc lạc đà đầu tiên trên sân khấu xiếc Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2019.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, những ngày giáp Tết Nguyên đán 2019, anh Tài và anh Hảo vẫn miệt mài trên sân tập xiếc thú của Liên đoàn xiếc Việt Nam. “Cứ khoảng 13h30 hằng ngày, có sân tập là chúng tôi phải tranh thủ”, anh Tài chia sẻ.

Theo anh Tài, xiếc lạc đà có nhiều điểm tương đồng với xiếc ngựa, vì lạc đà có thể cưỡi, có thể diễn cùng người, có những cú phi nước đại… Tuy nhiên, tính thuần của lạc đà không bằng ngựa.

“Như ngựa có thể tập luyện 1-2 tháng là nghe theo hiệu lệnh. Lạc đà thì lâu hơn, do bản tính hoang dã của nó. Hai con lạc đà này chúng tôi tập luyện đã hơn 3 tháng nhưng chủ yếu là tập sức, chứ chưa đi vào động tác nhiều”, anh Tài nói.

Nhìn cái cách mà anh Tài, anh Hảo vuốt ve, dạy dỗ 2 con lạc đà (tên Tâm và Nghiệp) chúng tôi hiểu, họ coi chúng như những người bạn. Họ cùng nhau tập luyện không biết mệt mỏi, tập đi tập lại một động tác nhiều lần để có thể nhuần nhuyễn.

Anh Tài chia sẻ, đối với xiếc thú, người nuôi dạy phải coi chúng như bạn thì chúng mới nghe lời. Quan trọng hơn, tiếp xúc nhiều thì người nuôi dạy có thể hiểu và nắm bắt được tâm lý, tính cách của từng con thú.

“Ví dụ con nào ưa nịnh thì mình không thể đánh đập hay dọa nạt nó vì nó sẽ phá nhưng ngược lại, con nào ương, lì thì cần phải to tiếng, quát tháo thì chúng mới nghe lời. Nói chung, con thú cũng giống con người, mỗi con một tính nết nên cần phải tiếp xúc nhiều mới biết được”, anh Tài cho hay.

Tiết lộ vai trò đặc biệt của 2 con lạc đà từng “đi lạc” trên phố Hà Nội - 3

Dự kiến, cuối năm 2019, tiết mục xiếc lạc đà sẽ lần đầu xuất hiện trên sân khấu xiếc Việt Nam.

Lạc đà có một cái rất đặc biệt mà anh Tài cho biết, nếu không đồng ý chuyện gì hoặc khi tức giận, chúng thường nhổ nước bọt hoặc đá. Từ lúc tập luyện lạc đà, đá thì chưa bị nhưng nước bọt chúng thì anh Tài và anh Hảo đã nhiều lần phải lau mặt trên sân tập.

Do xiếc lạc đà chưa từng được biểu diễn ở Việt Nam nên anh Tài và anh Hảo phải tự mày mò, tìm hiểu và sáng tác ra những động tác, bài tập riêng cho 2 con Tâm, Nghiệp. Có khi tham khảo trên sách, hay video trên mạng hoặc xiếc của nước ngoài…

Khó khăn, gian nan là vậy nhưng 2 anh vẫn rất kiên trì và tự tin sẽ hoàn thành tiết mục xiếc lạc đà trước thời hạn để có thể sớm đưa vào biểu diễn phục vụ khán giả.

Anh Tài đã tập luyện và biểu diễn xiếc khỉ được vài năm nên phần nào có kinh nghiệm với xiếc thú. Riêng anh Hảo, vốn là diễn viên xiếc người thì đây là lần đầu anh tiếp xúc với bộ môn này nhưng anh tỏ ra rất tâm huyết.

“Xiếc người thì đôi khi có tuổi hoặc lý do sức khỏe sẽ khó tiếp tục. Chính vì muốn gắn bó với nghề xiếc nên khi anh Tài rủ tập xiếc lạc đà, tôi đồng ý ngay.

Tôi cũng rất yêu những con thú và muốn thử sức mình. Hy vọng, những gì tôi tập được ở xiếc người có thể áp dụng được vào xiếc lạc đà để có thể làm cho tiết mục thêm phần hấp dẫn hơn”, anh Hảo chia sẻ.

Lạc đà sa mạc bỗng “đi lạc” vào phố Hà Nội khiến nhiều người bất ngờ

Hình ảnh 2 chú lạc đà đi lại trên phố Hà Nội khiến nhiều người đi đường không khỏi bất ngờ và tò mò.


 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN