"Tiết lộ" những tính bảo mật của GPLX mẫu mới
Bộ GTVT đưa ra mẫu giấy phép lái xe (GPLX) dạng “thẻ ATM” nhằm nâng cao tính bảo mật, hạn chế tối đa việc làm giả. Vậy tính hữu dụng, thiết thực của loại giấy phép này đến đâu?
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khẳng định: “Về mức độ bảo mật, khả năng chống làm giả của GPLX mới rất cao. Loại giấy phép này được sản xuất bằng nhiều công nghệ tiên tiến, như màng dán bảo mật, mực in chuyên dụng, chữ ký số… vì thế tính bảo mật của nó gần như tuyệt đối”.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Có một thực tế, trong nhiều năm trước đây, nạn làm giả GPLX trở thành mối lo ngại lớn với các cơ quan quản lý, đặc biệt là lực lượng công an giao thông trong việc quản lý các phương tiện lưu thông và xử lý lỗi vi phạm TTATGT. Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan công an, năm 2010, cả nước có 4.331 GPLX bị phát hiện làm giả. Con số này chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2011 là 1.117 trường hợp. Trong đó, qua phân tích đối với 3.461 GPLX bị thu giữ có 48% là GPLX giả, 17,4% bị tẩy xóa và 15,5% có chữ ký con dấu giả.
Điển hình vào đầu tháng 7/2012, công an tỉnh Bình Phước đã phát hiện và triệt phá một đường dây lớn chuyên làm giả GPLX các loại. Thực tế này cho thấy, người dân hiện có thể mua GPLX giả khá dễ dàng ở nhiều nơi nhằm đối phó với các cơ quan chức năng.
“Bắt đầu đưa vào sử dụng cấp, đổi GPLX mẫu mới tại 12 địa phương trên cả nước từ 2-7-2012. GPLX mẫu mới được đầu tư sản xuất bằng công nghệ cao, bảo mật qua nhiều lớp, nhiều quy trình. Cụ thể, GPLX mới có phôi thẻ và màng dán bảo mật do ngành công an sản xuất và được kiểm soát chặt chẽ theo số series.
Kết hợp cùng là công nghệ mã hóa thông tin cá nhân ẩn (IPI – Invisible Personal Information) trên ảnh chân dung để phù hợp với thông tin trên GPLX (có thể kiểm tra dễ dàng khi soi bằng kính giải giải mã). Đây là công nghệ bảo mật tiên tiến mà nhiều nước trên thế giới đang sử dụng. Ngoài ra, GPLX cũ là dán ảnh chủ thẻ, còn GPLX mới sẽ in trực tiếp ảnh số hiện đại, có tuổi thọ cao. Việc bóc, thay ảnh hoàn toàn không thể thực hiện được” - ông Quyền khẳng định.
Kiểm tra thông tin trên GPLX mới bằng kính giải mã
Về việc ứng dụng công nghệ chữ ký số trong việc cấp GPLX mới. Theo quy định, tại mỗi tỉnh, thành phố, chỉ Giám đốc và Phó Giám đốc Sở GTVT mới là những người được giao giữ mã số PIN và USB Token (khóa cứng), đồng thời phải được lưu chứng thư số mới đủ thẩm quyền để phê duyệt việc in GPLX mới theo quy định.
Tính bảo mật cao không chỉ thể hiện ở công nghệ, mẫu mã, chất liệu GPLX mẫu mới mà còn phải được đồng bộ thông tin ở cả ba cấp, qua các khâu đào tạo (ở Cơ sở đào tạo), sát hạch (tại Trung tâm sát hạch), xét duyệt tại Ban Quản lý sát hạch và được xác thực qua cơ sở dữ liệu GPLX Trung ương để in ra trên GPLX.
Người dân có thể dễ dàng tra cứu những thông tin này qua website của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (http://gplx.gov.vn/) .Tính đến tháng 08/2012, GPLX mới đã được triển khai tại 25 địa phương, như: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lâm Đồng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Kon Tum… Đối với Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, do chi phí đầu tư cao hơn, nên dự kiến việc cấp GPLX công nghệ mới sẽ bắt đầu tiến hành vào cuối năm 2012, hoặc đầu năm 2013.