Tiếp viên VNA bị bắt: “Đáng xấu hổ”
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, chỉ một số có thói xấu lặt vặt nhưng dễ làm cho người khác hiểu nhầm đó là đặc điểm của nhiều người Việt.
Gần đây, báo chí Nhật Bản và Việt Nam đưa tin, cơ quan Cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) bắt giữ một nữ tiếp viên của Vietnam Airlines để điều tra việc tiêu thụ hàng trộm cắp từ nước này về Việt Nam.
Xung quanh vụ việc trên, có nhiều ý kiến đăng tải trên báo chí tranh luận về tính cách của người Việt. Đáng chú ý, bức “tâm thư” của du học sinh Nhật Bản nói về người Việt đang gây nhiều tranh cãi. Bức thư có đoạn viết: “Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học,...”.
“Tôi chưa từng thấy đất nước nào mà các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang…”.
Nhà nghiên cứu văn hóa, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa VN đã bày tỏ quan điểm về sự việc này.
“Đáng xấu hổ”
GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa VN cho rằng, không nên có sự so sánh văn hóa, tính cách con người của hai dân tộc như trong bức thư trên. Đồng thời, cũng không ai có thể kết luận dân tộc nào tốt hơn hay xấu hơn. Tuy nhiên, người Nhật Bản có nhiều phẩm chất tốt đẹp đáng để học tập. Đó là tính trung thực, đàng hoàng...
Ông nhắc lại hình ảnh “đáng để học hỏi”: Từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng nhận cứu trợ, từ tốn cúi đầu cảm ơn.... trong thảm họa động đất sóng thần năm 2011 ở Nhật Bản.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, nhân viên có các hành vi như: trộm cắp, buôn lậu, vi phạm hình sự,... sẽ không được sử dụng lại. (Ảnh minh họa)
Trước sự việc nữ tiếp viên của Vietnam Airlines bị bắt tại Nhật Bản, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, sự việc trên vẫn đang điều tra, chưa có kết luận chính thức. Tuy nhiên, những thói xấu của một số người Việt ở nước ngoài như: buôn bán đồ ăn cắp, lãng phí đồ ăn buffet, ăn cắp vặt trong siêu thị… đã được nhắc đến từ lâu.
Ông nói: “Người Việt chúng ta có nhiều phẩm chất tốt đẹp như: cần cù, chịu khó, anh hùng, bất khuất... nhưng một số người cũng có vài thói xấu”.
“Chỉ một số có thói xấu lặt vặt nhưng dễ làm cho người khác hiểu nhầm đó là đặc điểm của nhiều người Việt... Rất đáng xấu hổ”.
Thói xấu “ăn cắp” của một số người Việt không phải bây giờ mới thấy. Tuy nhiên, sự việc lần này được chú ý hơn bởi người bị bắt là cô gái làm nghề tiếp viên hàng không. Cơ quan bắt giữ là cảnh sát của nước Nhật Bản – đất nước có xã hội lành mạnh, con người trung thực...
“Qua chuyện này cho thấy, tiếp viên hàng không càng cần phải cẩn trọng, có ý thức giữ hình ảnh dân tộc”, GS Thịnh nói.
“Nhìn lại mình”
Lý giải thói xấu “ăn cắp”, GS Thịnh cho rằng, trước hết là do phẩm chất cá nhân của mỗi người. Bên cạnh đó, môi trường xã hội hiện nay thiếu lành mạnh đã tạo điều kiện và dung túng cho cái xấu.
Cụ thể, theo ông, trong xã hội ngày nay, lĩnh vực gì cũng thấy có sự trục lợi: bệnh nhân vào bệnh viện, người dân đến cơ quan công quyền làm thủ tục hành chính... đều phải mất tiền “bôi trơn”.
“Đạo đức xã hội như vậy thì làm sao có được đời sống xã hội lành mạnh”, GS bày tỏ. Do vậy, cần phê phán đạo đức xã hội chứ không chỉ phê phán con người. Con người cũng là hệ quả của sự xuống cấp đạo đức xã hội.
GS Ngô Đức Thịnh nói: “Nếu đúng là có sự việc nữ tiếp viên hàng không 'xách tay' hàng trộm cắp, chúng ta không nên che giấu hay ngụy biện. Thay vào đó, hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, lấy đó làm bài học cảnh tỉnh”. Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa VN cũng cho rằng, đây là dịp để người Việt chúng ta nhìn lại bản thân mình.
Theo ông, dân tộc Việt có nhiều phẩm chất tốt. Người Việt quen được khen, nhất là thời gian sau khi chiến thắng trong hai cuộc chiến tranh. Mặc dù vậy, không nên mải mê với lời khen mà quên rằng thói xấu vẫn được nuôi dưỡng, đến một lúc nào đó bộc lộ ra.
Do vậy, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, mỗi người phải tự rèn luyện bản thân mình, không để cái xấu lấn át. Quan trọng hơn, cần xây dựng một xã hội lành mạnh.
Ông nói: “Xã hội đề cao cái tốt, tính trung thực thì cái xấu sẽ bị đẩy lùi. Khi đó, con người muốn ăn cắp cũng khó”.
Bên cạnh đó, giải pháp trước mắt, có thể bằng con đường truyền thông, báo chí, sự lên tiếng của cộng đồng. Cũng như vụ “hôi bia” tại Đồng Nai cuối năm 2013 vừa qua, sau khi truyền thông, cộng đồng lên tiếng, con người trong xã hội đã có sự thay đổi. Nhiều người gặp rủi ro tương tự đã nhận được sự giúp đỡ của người xung quanh, thay vì hôi của.