Tiếp tục tính đến tăng giá xăng
Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối nói rằng, họ đang lỗ do giá thế giới tiếp tục tăng và đang cân nhắc xin tăng giá bán lẻ. Có chuyên gia cho rằng, có thể xem xét việc chia nhỏ Petrolimex để tạo sự cạnh tranh.
Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông Trần Ngọc Năm, cho biết, hiện tại chênh lệch giá cơ sở mặt hàng xăng cao hơn giá bán lẻ hiện hành gần 1.000 đồng/lít; các mặt hàng dầu có mức chênh xoay quanh 500 đồng/lít (kg).
“Ngay ngày hôm sau khi các doanh nghiệp được phép tăng giá xăng thêm 1.100 đồng/lít vào ngày 13/8, doanh nghiệp đã tiếp tục lỗ 500 đồng/lít do giá xăng thế giới tăng mạnh. Doanh nghiệp đang tiếp tục theo dõi tình hình thị trường trong vài ngày tới trước khi tính tới đề xuất phương án xin tăng giá lên Bộ Tài chính nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao”, ông nói.
Một số doanh nghiệp khác cho biết, hiện tại, mặt hàng xăng lỗ 980 đồng/lít. Nếu tính khoản tiền 300 đồng được trích bù lấy từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì mức lỗ thực tế của doanh nghiệp giảm xuống còn 680 đồng/lít. Dầu hỏa có mức lỗ tới 584 đồng/lít, dầu diezen lỗ hơn 445 đồng/lít và dầu madút lỗ 424 đồng/kg.
Người tiêu dùng lại phải tính toán hầu bao chi trả giá xăng. Ảnh: Xuân Phú
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu có trụ sở ở TPHCM nói: Tính bình quân 30 ngày, chênh lệch giá cơ sở mặt hàng xăng hiện cao hơn giá bán lẻ hiện hành gần 1.000 đồng/lít.
Nếu trừ 300 đồng/lít phải trích nộp vào Quỹ Bình ổn thì với mỗi lít xăng A92 bán ra, doanh nghiệp lỗ 700 đồng/lít. Mức lỗ đối với các mặt hàng dầu quanh mức 500 đồng/lít.
Đại diện một đơn vị cho biết sẽ đề xuất phương án tăng giá lên Bộ Tài chính. Theo đại diện doanh nghiệp này, Nhà nước nên giảm thuế nhập khẩu từ mức 12% hiện nay xuống còn 10% và cho phép doanh nghiệp tạm ngừng trích quỹ bình ổn…
DN chưa được quyết hoàn toàn
Trước việc doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ và vấn đề có nên giao quyền định giá cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền cho rằng, việc giao quyền là hướng phải tiến tới.
Nhà nước cũng có các biện pháp để hạn chế mặt xấu của việc cho doanh nghiệp tự định giá bằng cách giữ khoảng cách điều chỉnh giá là 10 ngày và biên độ tăng giảm là không quá 7%.
Diễn biến giá xăng dầu tại thị trường Singapore trong những ngày qua. Nguồn: Petrolimex
TS Hiền cho rằng, việc Petrolimex bị đánh giá là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường với 60% thị phần nên thị trường không có sự cạnh tranh cũng cần nhìn nhận một cách khách quan.
Ở đây là trách nhiệm của Nhà nước. Nếu thấy doanh nghiệp độc quyền, vi phạm các quy định cạnh tranh thì phải chia nhỏ đơn vị đó ra hoặc phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp khác lớn mạnh lên để đủ sức cạnh tranh lẫn nhau, giảm dần sự độc quyền của Petrolimex. Thực tế thị phần của đơn vị này đã giảm nhiều so với trước đây.
“Nhà nước phải làm sao hài hòa lợi ích giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp. Nếu để doanh nghiệp định giá làm ảnh hưởng lợi ích người tiêu dùng thì là lỗi của cơ quan quản lý Nhà nước”, bà Hiền nói.
Chuyên gia về giá Ngô Trí Long cho rằng, cần đưa lợi nhuận định mức ra ngoài giá cơ sở để minh bạch tình hình lãi, lỗ của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Theo ông, theo quy định tại Nghị định 84, công thức tính giá cơ sở bao gồm cả lợi nhuận định mức kinh doanh cho mỗi lít, kilôgam xăng dầu. Quy định này dễ gây nhầm lẫn lỗ, lãi của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, khi doanh nghiệp tuyên bố giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở 100 đồng/lít, thì thực chất là doanh nghiệp đang lãi 200 đồng/lít vì trong giá cơ sở đã bao gồm 300 đồng lợi nhuận.
Theo ông, người dân chỉ cần biết giá cơ sở để xác định chính xác giá đầu vào còn việc lợi nhuận tính riêng có thể mỗi doanh nghiệp khi đó sẽ có mức nhiều ít, thậm chí lỗ là nhờ vào cách quản lý của mỗi nơi và sự tài giỏi của người quản lý.
“Nên sửa đổi điều kiện quy định về kinh doanh xăng dầu để tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều thành phần kinh tế tham gia, cùng cạnh tranh, giảm thiểu tình trạng độc quyền, thị phần của Petrolimex”, ông Lang nói.
Trả lời báo chí xung quanh việc giá xăng dầu tăng liên tiếp thời gian qua, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, có thể thông qua các biện pháp như trích quỹ bình ổn, giảm thuế nhập khẩu để hãm bớt mức độ tăng của giá xăng dầu trong nước.
Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ giúp giảm bớt được tác động hoặc kìm tăng chậm một phần còn khi giá thế giới tăng nhanh thì phải tăng.
Theo ông Quyền, Nhà nước không giao hoàn toàn quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp mà chỉ cho phép doanh nghiệp được quyết định trong khuôn khổ, và Nhà nước có thể can thiệp thông qua các biện pháp khác nhau.
Chỉ khi thị trường đạt được sự cạnh tranh hoàn hảo, doanh nghiệp mới được toàn quyền quyết định giá.
Theo tính toán của các doanh nghiệp đầu mối, bình quân 30 ngày tính từ 22/7 đến 20/8, giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore, thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của các doanh nghiệp, đã tăng lên mức 120,38 USD/thùng còn giá dầu diezen lên mức 125,91 USD/thùng, dầu hỏa tăng lên mức 124,53 USD/thùng và dầu madut có giá bình quân 651,89 USD/tấn. Tính bình quân 30 ngày, giá bình quân xăng A92 tăng thêm 12,85 USD/thùng (3,8%), dầu hỏa tăng 12,73 USD/thùng (2,8%), diezel tăng 11,23 USD/thùng (2,69%) còn madút tăng 2,2%. Tháng sau, giá gas có thể tăng Các công ty kinh doanh gas trong nước cho biết, dù Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoạt động trở lại, nhưng việc cung cấp gas trên thị trường vẫn còn thiếu hụt. Nhiều doanh nghiệp gas không có đủ lượng hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường và phải mua hàng giao kỳ hạn với giá cao. Theo các doanh nghiệp, hiện giá gas thế giới đã tăng 100 - 150 USD/tấn so với giá hồi đầu tháng 8. Nếu giá thế giới tiếp tục giữ ở mức cao như vậy đến hết tháng 8 thì giá gas bán lẻ trong nước từ đầu tháng 9 dự kiến tăng 30.000 - 40.000 đồng/bình 12 kg tùy hãng. |