Tiếng kêu cứu ở "làng ung thư"

Chính quyền và người dân xã Thành Thới A (huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) hiện rất âu lo trước thực trạng nhiều người tử vong vì bệnh ung thư (BUT). Căn bệnh đang ầm thầm cướp đi mạng sống của người dân vùng quê nghèo khó này; trong khi nguyên nhân gây bệnh vẫn là ẩn số...

“Làng ung thư” Tân Phong

Gia đình anh Phạm Văn Sữa (ấp Tân Phong) đang làm ăn sung túc bỗng rơi vào bi kịch: Người vợ hiền (chị Lê Thị Kim Liên, 45 tuổi) và đứa con ngoan học giỏi (Phạm Thị Kim Thoa, 22 tuổi) mất vì BUT gan. Chị Liên qua đời cách nay 5 tháng, còn Kim Thoa mới chết vào tháng trước.

Bà Huỳnh Thị Bé (mẹ chị Liên) cho hay, trước đây chị Liên thấy sức khỏe không bình thường, đi khám tại Bệnh viện (BV) Nhiệt Đới TPHCM và phát hiện viêm gan nhẹ. Điều trị bằng thuốc nhưng bệnh tình của chị Liên không giảm, sau đó BV này chẩn đoán chị bị BUT gan.

Chỉ 2 tháng bệnh bộc phát nặng, chị Liên tử vong. Phạm Thị Kim Thoa mới tốt nghiệp cao đẳng ngành kế toán, đi khám bệnh cũng phát hiện BUT gan. Chồng của chị Liên và 2 người con gái khác cũng bị viêm gan, đang điều trị.

Tiếng kêu cứu ở "làng ung thư" - 1

Bàn thờ vợ, con gái anh Sữa mất vì ung thư gan

Người dân địa phương gọi ấp Tân Phong là “làng UT”. Ông Dương Văn Hưng - trưởng ấp - nhẩm tính: “5 năm qua, ở ấp có gần 20 người tử vong vì BUT”. Chỉ ở 3 tổ nhân dân tự quản số 1, 2, 3 hiện có 15 người đang mang chứng bệnh nan y này và đã ở thời kỳ nguy kịch. “Không biết vì sao gần đây căn bệnh này bùng phát dữ quá. Lúc đầu người dân e dè, giấu bệnh nhưng hiện nay quá bức xúc nên không còn che giấu nữa...” - ông Hưng nói.

Nguyên nhân nào gây bệnh?

Trước tình hình BUT tăng đột biến, người dân địa phương lo lắng và đi xét nghiệm, nghe thầy thuốc ở đâu giỏi cũng đi tới khám. Tại ấp Tân Phong có hơn 70% người dân đi xét nghiệm đều phát hiện men gan cao hay viêm gan A, B, C. Do quá hoang mang, mỗi tháng người dân thuê một xe khách đưa đi vùng Bảy Núi (An Giang) hốt thuốc nam uống trị bệnh; đồng thời chạy tiền để tiêm ngừa viêm gan và ngại tiếp xúc với người bệnh...

Tới nay, ngành y tế địa phương vẫn không biết do đâu căn bệnh này lan rộng. Nhiều người dân cho rằng nguồn nước sinh hoạt có vấn đề. Tại xã chỉ có duy nhất một trạm cấp nước mặt cho khoảng 400 hộ dân. Các hộ dân khác thì sử dụng nước mưa trong ăn, uống; còn tắm gội... phải sử dụng nước từ sông, rạch. Nguồn nước mặt này hiện đã ô nhiễm nặng do tình trạng chăn nuôi gia súc xả nước thải, chất thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên.

Ông Huỳnh Văn Kích - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Thới A - cho biết: “Trạm y tế xã đã báo việc này về Trung tâm Y tế huyện. Địa phương mong các ngành chức năng tìm ra nguyên nhân, đồng thời có biện pháp phòng ngừa căn bệnh này. Tôi nghĩ bệnh gan rất dễ lây nên sẽ tuyên truyền để người dân tự phòng tránh, bảo vệ sức khỏe của mình”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Trường (Lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN