Tiếng kêu cứu bên trạm BOT đường tránh Biên Hoà
Tiếng kêu cứu của hàng chục hộ dân ở phía Đông trạm thu phí BOT đường tránh Thành phố Biên Hoà (Đồng Nai) sau nhiều năm vẫn không được lắng nghe một cách thấu đáo
Đưa tay chỉ về dải phân cách cứng trước trạm thu phí BOT đường tránh Biên Hòa (hay còn là trạm BOT Trảng Bom - PV), ông Trần Đức Bài (50 tuổi, ngụ xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai - nhà ngay sát trạm BOT Trảng Bom) nói chính dải phân cách cứng đã "giết dần" gia đình ông và hàng chục hộ dân xung quanh.
Trước chịu cực, sau chịu khổ!
Theo ông Bài, trạm BOT Trảng Bom được xây dựng để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến Quốc lộ 1 và đoạn tránh TP Biên Hòa theo hình thức hợp đồng BOT với nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận. Dự án được khởi công vào cuối năm 2009 và bắt đầu thu phí từ tháng 7-2014. "Khi trạm thu phí hoạt động, cứ ngỡ cuộc sống sẽ tốt hơn như những gì nhà đầu tư cam kết khi thực hiện dự án nhưng có ai ngờ đó lại là khởi đầu của những ngày khốn đốn triền miên" - ông Bài mở đầu câu chuyện trong nỗi bức xúc.
Ông nói để xây trạm thu phí, các hộ dân xung quanh trạm đã phải chịu thiệt thòi bàn giao đất mặt tiền trên Quốc lộ 1 với giá 90.000 đồng/m2 để làm khu đậu xe thu phí đến gần 500 m. Để rồi, từ sau khi trạm BOT Trảng Bom xuất hiện cùng dải phân cách cứng bằng bê-tông kéo dài hơn 300 m khiến việc đi lại, kinh doanh buôn bán của những hộ bị ảnh hưởng như ông phải thiệt hại đủ đường. "Đầu tiên là từ năm 2014 đến 2017, chúng tôi mỗi lần đi ôtô lên thị trấn Trảng Bom hay về Dầu Giây đều phải mua phí 2 lần khi qua trạm. Trước thực tế này, nhiều người dân các xã quanh trạm BOT đã liên tục kiến nghị các cấp chính quyền xem xét lại việc này. Từ cuối năm 2017, người dân 4 xã gồm Trung Hòa, Tây Hòa, Đông Hòa và Hưng Thịnh được trạm BOT thông báo miễn phí 100% giá vé" - ông Bài kể.
Dải phân cách cứng phía Đông trước trạm BOT Trảng Bom khiến người dân 2 bên đường đi lại khó khăn, buôn bán ế ẩm. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Theo tìm hiểu, Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận được thành lập năm 2009 với cổ đông sáng lập gồm Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cường Thuận IDICO, Tổng Công ty Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO)… |
Theo ông Bài, chuyện được miễn giá vé đối với gia đình ông và nhiều hộ dân xung quanh cũng chẳng thể cứu được công việc kinh doanh ngày càng đi xuống, mà bằng chứng là cửa hàng nông ngư cơ Phát An của ông vốn trước khi có trạm thu phí rất đông khách thì đến năm 2018 phải đóng cửa. "Nguyên nhân là khách hàng thấy việc mua bán chỗ tôi không thuận tiện, lại mất "oan" thêm phí qua trạm BOT đến 2 lần nên ít lui tới. Kế đến, do dải phân cách cứng kéo dài khiến đường thì bít lối, xe cộ dồn đống, kẹt xe hằng ngày nên việc ra cửa hàng cực kỳ khó khăn khiến khách mối nản bỏ đi hết" - ông Bài cay đắng. Ông nói đã cùng với các hộ dân xung quanh gửi đơn khắp nơi đề nghị dỡ bỏ dải phân cách cứng nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được giải quyết.
Gần đó, cơ sở kinh doanh cá giống Bàu Cá 2 - từng là một cơ sở cá giống uy tín, lớn ở Đồng Nai, nay vắng khách thê thảm. Vừa gặp chúng tôi, ông Lương (chủ cơ sở cá giống Bàu Cá 2) cho hay trước khi có sự xuất hiện của trạm BOT Trảng Bom cùng dải phân cách cứng, trại cá giống của ông sản xuất cả ngàn tấn cá giống bán cho các hộ dân khắp khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. "Giờ chỉ còn sản xuất 1 tấn cá giống/năm" - ông Lương than thở và mong dải phân cách cứng trước nhà sớm được "bứng" để bà con có cơ hội phục hồi kinh tế.
Tình cảnh của ông Bài, ông Lương cũng là tình cảnh chung của những hộ chịu ảnh hưởng bởi dải phân cách cứng trước trạm BOT Trảng Bom. "Tiệm sửa xe ngày chỉ vài khách vì việc đi lại quá bất tiện do dải phân cách cứng nên tôi đã quyết định đóng cửa từ năm ngoái và chờ xem bao giờ dải phân cách được dỡ sau những tiếng kêu cứu nhiều năm" - ông Quyền, chủ cửa tiệm sửa xe ngao ngán.
"Ai cũng chịu, chỉ một người không chịu"
Liên quan đến dải phân cách ở phía Đông trạm BOT Trảng Bom khiến nhiều gia đình điêu đứng, tháng 10-2019, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã tổ chức họp giải quyết về kiến nghị của người dân dỡ bỏ dải phân cách này. Trong "văn bản kiểm tra hiện trường" ngày 31-10-2019, các cơ quan chuyên môn gồm Chi cục IV.2 Cục Quản lý đường bộ 4, Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, Phòng CSGT - Công an tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Trảng Bom, UBND xã Trung Hòa và đại diện Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận đã họp với những hộ khiếu nại tại xã Trung Hòa. Theo biên bản, 5 cơ quan đại diện cho ngành giao thông, công an và chính quyền đều đồng ý theo nguyện vọng của người dân là dỡ dải phân cách cứng để bảo đảm an sinh xã hội, cuộc sống của người dân.
Cụ thể, biên bản ghi ý kiến của Ban ATGT tỉnh Đồng Nai: "Đề nghị xem xét thu hẹp đoạn mở từ Km 1841+284 đến Km 1841+500 và kiến nghị mở từ khoảng dải phân cách 1841+720 đến Km 1841+758 để bảo đảm an sinh xã hội" và các cơ quan chính quyền cùng công an cũng thống nhất với ý kiến này. Tuy nhiên, đại diện Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận là ông Nguyễn Khắc Phong không đồng ý với ý kiến: "Không thống nhất mở dải phân cách trước trạm thu phí vì ảnh hưởng đến an toàn giao thông và điều tiết giao thông trong công tác thu phí của trạm". Cứ ngỡ mọi việc sẽ sớm được giải quyết vì cuộc họp có 6 bên thì 5 bên đã đồng ý. Vậy mà đến nay, đã 2 năm trôi qua, dải phân cách cứng vẫn yên vị và đây cũng là thời gian mà các hộ dân bị ảnh hưởng tiếp tục kêu cứu.
Trước sự việc trên, ngày 18-2-2022, Cục Quản lý đường bộ 4 đã tiếp tục có công văn gửi đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đề nghị điều chỉnh và bổ sung điểm mở dải phân cách giữa khu vực trạm thu phí BOT. Đây là văn bản thứ 2 mà Cục Quản lý đường bộ 4 kiến nghị, văn bản trước được cục gửi đi vào năm 2019.
Theo Cục Quản lý đường bộ 4, hiện nay một số hộ dân ở ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom tiếp tục có ý kiến phản ánh việc mở dải phân cách giữa trạm thu phí BOT Trảng Bom. Cụ thể, phía trước trạm thu phí (về hướng tỉnh Bình Thuận) có 2 điểm mở. Hai điểm mở này được mở tạm từ tháng 10-2017 để điều tiết giao thông khu vực trạm thu phí, đồng thời phục vụ cho người dân và các phương tiện ra vào trung tâm xã Trung Hòa. Phía sau trạm BOT hướng về TP HCM có một điểm mở rộng 35 m. Để bảo đảm an sinh xã hội của các hộ dân sinh sống tại xã Trung Hòa và ý kiến thống nhất của Ban ATGT, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, Phòng CSGT và UBND huyện Trảng Bom tại hiện trường, Cục Quản lý đường bộ 4 đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận và giao Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận mở thêm mới dải phân cách tại khu vực trước trạm BOT và điều chỉnh thu hẹp một số điểm đang quá rộng.
Đề nghị làm rõ việc phóng viên bị hành hung
Ngày 21-2, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã ký văn bản gửi Công an tỉnh Đồng Nai, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai và Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Đồng Nai để đề nghị điều tra, chỉ đạo điều tra làm rõ sự việc phóng viên Báo Người Lao Động bị hành hung và truy đuổi khi đang tác nghiệp trên địa bàn tỉnh này. Người bị hành hung là phóng viên Nguyễn Văn Tuấn, công tác tại Văn phòng Liên lạc Đông Nam Bộ, thuộc Ban Chính trị - Xã hội Báo Người Lao Động.
2 đối tượng hành hung, truy đuổi phóng viên Báo Người Lao Động bị camera ghi lại. (Ảnh cắt từ camera người dân cung cấp)
Văn bản của Báo Người Lao Động nêu rõ: "Phóng viên Nguyễn Văn Tuấn trong quá trình tác nghiệp luôn hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, tác phong của người làm báo, đúng quy định của pháp luật, chấp hành các quy định về kỷ luật của cơ quan. Vì vậy, ngoài đề nghị làm rõ vụ việc, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động cũng đề nghị các cơ quan chức năng liên quan áp dụng các biện pháp bảo vệ an toàn, sức khỏe và tính mạng cho phóng viên".
Trước đó, lúc 14 giờ 48 phút ngày 20-2, phóng viên Nguyễn Văn Tuấn được phân công đến xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai để ghi nhận ý kiến người dân, chính quyền, nhà đầu tư về việc xử lý bất cập liên quan đến dải phân cách cứng trước trạm thu phí đường tránh Biên Hòa (thường gọi là trạm BOT Trảng Bom). Tại đây, sau khi thu thập ý kiến, phóng viên tiến hành chụp ảnh dải phân cách thì bị 2 đối tượng đi xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm hành hung và dùng gậy gỗ truy đuổi. Hình ảnh của 2 đối tượng hành hung phóng viên được camera ghi lại.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, phóng viên Nguyễn Văn Tuấn đã đến Công an xã Trung Hòa trình báo vụ việc, gọi điện thông báo tình hình đến Trưởng Công an huyện Trảng Bom cùng Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom.
Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo doanh nghiệp dự án BOT Cai Lậy khẩn trương hoàn thành trách nhiệm đã cam kết trong Hợp đồng.
Nguồn: [Link nguồn]