"Tiếng gọi què, cụt làm chúng tôi đau”
Chủ tịch Hội người khuyết tật TP Hà Nội mong muốn những cách gọi mang tính miệt thị người khuyết tật như què, cụt, thọt, chột... không bao giờ còn xuất hiện nữa.
Vừa qua, dư luận dành sự quan tâm lớn đến sự việc nhân viên của hãng hàng không Vietjet Air từ chối phục vụ người khuyết tật nặng không tự di chuyển được. Lý do, hành khách Nguyễn Thị Bích Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) thể trạng không thể tự di chuyển, bắt buộc phải có thiết bị trợ giúp từ gara đến máy bay, nhưng lại không đặt trước dịch vụ theo quy định.
Vietjet đã xin lỗi hành khách Nguyễn Thị Bích Vân, đình chỉ công tác và phạt 5 triệu đồng nhân viên từ chối khách.
Chị Vân (ngồi xe lăn) bị từ chối lên máy bay của hãng Vietjet
Trao đổi bên lề với phóng viên trong giờ giải lao tại cuộc tọa đàm của Hội người khuyết tật Hà Nội sau vụ việc trên, Bà Dương Thị Vân - Chủ tịch Hội bày tỏ, không mong muốn hãng hàng không Vietjet Air đình chỉ công tác với nhân viên hãng. Theo bà, những người khuyết tật không muốn bất cứ ai bị trừng phạt, thay vào đó là hy vọng về sự thay đổi nhiều hơn về nhận thức của xã hội đối với người khuyết tật.
Thưa bà, với tư cách là đại diện cho những người khuyết tật Hà Nội, sự việc hãng hàng không từ chối phục vụ hành khách không tự di chuyển được khiến bà có suy nghĩ gì?
Bà Dương Thị Vân - Chủ tịch Hội người khuyết tật Hà Nội tại cuộc tọa đàm về người khuyết tật hôm 3.4.2015
Nhiều người khuyết tật chúng tôi rất buồn. Người khuyết tật ấy không có người thân đi cùng nên mọi việc phải tự làm một mình.
Xã hội mong muốn người khuyết tật hòa nhập xã hội, nhưng nếu người khuyết tật bị từ chối như vậy, sau này họ đi đâu lại phải có thêm người nhà đi cùng giúp đỡ. Điều này sẽ gây ảnh hưởng cũng như khó khăn, tốn kém hơn cho rất nhiều cho gia đình có người khuyết tật.
Thử tính toán xem, cả nước có hơn 6,7 triệu người khuyết tật, mỗi lần đi đâu lại kèm thêm người nhà phục vụ sẽ ảnh hưởng và tốn kém thế nào?
Người khuyết tật cũng là khách hàng của hãng hàng không. Trong khi đơn vị kinh doanh nào cũng muốn làm khách hàng hài lòng, tại sao nhân viên đó lại không muốn làm cho người khuyết tật hài lòng?
Tôi nhớ đến câu chuyện cách đây vài năm, cũng có người lái xe ô tô nói với người khuyết tật rằng chỉ chở người, không chở xe lăn? Tại sao lại làm vậy, xe lăn là đôi chân của người ta mà!
Nhân viên đó đã bị phạt và đình chỉ công tác, bà nghĩ thế nào về cách xử lý của hãng hàng không?
Tôi lại nói tiếp về câu chuyện lái xe ô tô từ chối chở xe lăn kia. Anh lái xe sau đó bị đình chỉ công tác. Nhưng người khuyết tật vẫn mong muốn người lái xe vẫn tiếp tục công việc vì anh ấy có chuyên môn giỏi. Chỉ có điều, anh lái xe hãy thay đổi nhận thức, cách nhìn về người khuyết tật.
Việc nhân viên của Vietjet Air cũng vậy, chúng tôi không mong muốn hình thức xử phạt làm người ta mất việc. Chúng tôi mong cô ấy vẫn tiếp tục đi làm, thay đổi nhận thức và yêu thương hơn đối với đồng loại của mình.
Bà thấy cách ứng xử trong xã hội ta với người khuyết tật thế nào?
Người khuyết tật tham gia các hoạt động xã hội, họ đi học, đi làm, vui chơi giải trí, diễn thuyết... ngày càng nhiều. Tất cả cho thấy nhận thức của chính người khuyết tật về mình cũng như của xã hội về người khuyết tật ngày càng thay đổi: Khẳng định quyền tham gia của người khuyết tật.
Nhiều nhà hảo tâm, bảo trợ, tổ chức xã hội hướng đến hỗ trợ cho người khuyết tật. Trên xe buýt có chỗ cho người khuyết tật, tòa nhà cao tầng có thang máy, nhà về sinh cho người khuyết tật, truyền hình có bản tin riêng cho người khiếm thính...
Về từ ngữ, trước đây xã hội dùng từ “tàn tật”, nay dùng từ “khuyết tật”, do vậy có thể thấy nhận thức thay đổi nên cách gọi cũng thay đổi.
Bên cạnh đó, vẫn còn một vài cách ứng xử làm người khuyết tật buồn lòng như dùng từ ngữ mang tính miệt thị để gọi người khuyết tật...
Bà có thể chia sẻ rõ hơn, người khuyết tật bị miệt thị thế nào?
Có một lần, tôi đọc một bài viết kể người khuyết tật mất 1 tay, mất 1 mắt cứu được người chết đuối. Tiêu đề của bài viết là: “Người cụt tay, chột mắt vẫn cứu được người trong cơn lũ”.
Cách gọi què, cụt, chột... như vậy thật là rất...(bà nghẹ lời).... rất miệt thị người khuyết tật. Người ta dùng lời miệt thị để nói về việc làm cứu người tốt đẹp. Bài viết có ý khen ngợi nhưng đã làm nhói đau con tim của người khuyết tật.
Vậy theo bà, những từ ấy cần phải bỏ ra ngoài trang sách, báo và cũng không xuất hiện nữa?
Những từ ngữ ấy cần phải bỏ.
Tôi nghĩ thế này, trước khi nói những lời miệt thị, mỗi người hãy thử đặt mình vào vị trí đó xem việc làm, lời nói đó có làm mình đau hay không? Tôi tin rằng, những từ ngữ làm mình đau thì người khác sẽ đau.
Tôi cũng thấy, nhiều nơi viết về người khuyết tật dùng từ “mảnh đời”. Vậy sao dùng từ mảnh đời, trong khi họ cũng là con người, có cả cuộc đời như bao người khác...
Dù mong muốn là vậy, nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng, nhận thức là một quá trình. Do vậy, cần có quá trình và bắt đầu bằng các nhà viết sách, báo, truyền thông.
Xin trân trọng cảm ơn bà!