Tiễn ông Táo: Người thả cá phóng sinh, kẻ kéo lưới thu về
Trong khi nhiều người đang phóng sinh cá chép thì cách đó chừng 20m, một người đàn ông thả lưới đánh bắt lại.
Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hằng năm, người dân lại thả cá chép ra sông với ý nghĩa tiễn đưa ông Táo về trời. Ghi nhận của PV tại kênh Nhiêu Lộc (khu vực quận 3 và quận Phú Nhuận, TP.HCM), trong nửa buổi sáng cùng ngày đã có hàng trăm người tới thả cá chép. Người để cá trong thau, xô, người để cá trong bọc nilon.
Tại đây, hầu hết người dân đều sử dụng dây để thả cá từ từ xuống kênh. Ông Trịnh Công Bốn (62 tuổi, Q.10) vừa kéo dây thả 2 con cá chép vừa nói: “Năm nào tôi cũng thả 2 con cá chép để đưa ông Táo về trời. Mình dùng dây cột vào bọc rồi thả từ từ để không làm đau cá và cũng để thu lại bọc, không làm ô nhiễm môi trường”.
Cá chép được thả ra từ những chiếc bọc ni-lon hoặc thau, xô.
Ông Bốn thả cá xong, cô cháu gái đứng kế bên liền vẫy tay chào cho tới khi cá chép bơi ra xa và khuất hẳn. Liền sau đó, một bảo vệ của quán ăn bên đường Hoàng Sa cũng mang cá sang, nhưng thao tác thả cá có vẻ vội vàng và không mấy cẩn thận. Mặc dù bị thả từ trên cao xuống mặt nước với một “cú” va chạm mạnh nhưng cá chép vẫn khỏe khoắn vẫy vùng trong dòng nước.
Tại sông Sài Gòn, lượng người tới thả cá đông đúc hơn. Nếu như mọi năm có tình trạng người dân thả cá từ tận trên cầu Sài Gòn xuống sông, thì năm nay nhiều người đã di chuyển xuống sát bờ sông để thả cá chép.
Tới bờ sông Sài Gòn thả 3 con cá chép, bà Lê Thị Tuyết Mai (55 tuổi, quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Tôi thả 3 con để ông Táo di chuyển nhanh hơn. Hy vọng ông về tới thiên đình sớm để tâu với Ngọc Hoàng tình hình của nhân gian trong năm qua”.
Gia đình ông Nguyễn Ngọc Dũng tới thả cá ở bờ sông Sài Gòn.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng (ngụ quận Bình Thạnh) chở cả vợ và cô con gái út đi thả cá chép. Ông cho biết, mọi năm ông cũng thả cá xuống sông Sài Gòn nhưng mỗi năm chọn một vị trí khác nhau.
Trong khi ông Dũng đang nhẹ nhàng phóng sinh 3 con cá chép lớn thì người vợ giải thích cho con gái hiểu về hành động này: “Ngày 23 âm lịch mình thả cá chép để đưa ông Táo về trời, sau đó ngày 30 mình lại rước ông Táo về. Làm vậy cũng là để cầu mong may mắn, phước lành trong năm mới”.
Theo ông Dũng, cá chép lớn mà gia đình ông mua từ chợ có giá 30.000 đồng/con, trong khi loại cá chép nhỏ hơn có giá từ 10.000 - 20.000 đồng/con.
Đáng chú ý là sau khi người dân thả cá ở bờ sông Sài Gòn thì cách đó chỉ khoảng 20m, có một người đàn ông đang thả lưới để bắt lại những con cá chép vừa được thả. Mặc dù thấy rõ việc này nhưng đã tới nơi nên mọi người vẫn thả cá, chờ cho tới khi cá chép bơi thật xa thì mới ra về.
Theo người đánh bắt cá chép này, mỗi con cá được ông bán với giá 10.000 đồng, có thể mua ngay tại chỗ. Sau khi đánh được khoảng 50 con cá chép to, nhỏ đủ loại, ông bỏ vào xô nước và thùng xốp mang ra chợ bán.
Ông Trịnh Công Bốn đang thu lại dây và bọc ni-lon sau khi thả cá chép xuống kênh Nhiêu Lộc (Q.3, TP.HCM)
Một người bảo vệ của quán ăn bên đường Hoàng Sa được chủ nhờ đi thả cá chép.
Một gia đình cùng nhau đi thả cá chép đưa ông Táo về trời.
Cá chép được thả từ từ xuống dòng kênh.
Một số người khá vất vả để đợi cá chép bơi ra khỏi bọc ni-lon sau khi đáp tới mặt nước.
Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng vứt bừa bọc ni-lông sau khi thả cá xong, khiến lực lượng bảo vệ dòng kênh Nhiêu Lộc phải vớt lên.
Những con cá chép to, khỏe được thả ra sông Sài Gòn.
Bà Lê Thị Tuyết Mai vẫy tay chào 3 con cá chép vừa phóng sinh.
Một người đàn ông đang từ từ thả cá chép từ bờ sông Sài Gòn.
“Chào cá chép, đưa ông Táo về trời nhé! Hẹn gặp lại!”, một người thả cá chép nói.
Một cách thả cá chép được người dân cho là giúp ông Táo di chuyển nhanh hơn, nhưng thực tế cá sau khi thả bị va đập mạnh với mặt nước.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng thả cá trong khi vợ và con gái vẫy tay chào.
Cách vị trí người dân thả cá khoảng 20m là một người đàn ông đang đánh bắt lại những con cá chép này.