Tiền đóng bảo hiểm tăng thế nào khi cải cách lương từ 1/7
Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp của lao động khu vực công dự kiến tăng gần 54,9% so với năm 2023 khi cải cách tiền lương.
Từ ngày 1/7, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Dự kiến từ năm 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục tăng bình quân 7% mỗi năm cho đến khi lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn lương tối thiểu vùng 1 trong doanh nghiệp.
Cuối năm 2023, cả nước có gần 2,78 triệu lao động khu vực nhà nước đang đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, không gồm lực lượng vũ trang. Trong đó, hơn 2,2 triệu người hưởng lương từ ngân sách và gần 556.000 người hưởng lương tại các đơn vị tự chủ toàn phần hoặc một phần. Bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của nhóm này đạt 6,9 triệu đồng mỗi tháng.
Công chức TP HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tháng 8/2022. Ảnh: Như Quỳnh
Báo cáo tác động của chính sách cải cách tiền lương tới thực hiện chế độ BHXH, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tiền lương làm căn cứ đóng các khoản BHXH bình quân trong khu vực công sẽ tăng thêm gần 54,9%. Số tiền thu BHXH tăng thêm trong một năm là hơn 31.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước trích đóng 17.260 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn hơn 88.100 người hoạt động không chuyên trách cấp xã đang tham gia BHXH với mức lương tính đóng 1,8 triệu đồng. Mức đóng tăng thêm của nhóm này chưa thể tính toán do chưa có thông tin điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Tiền lương tính đóng tăng kéo theo mức hưởng chế độ BHXH của lao động khu vực công cũng sẽ thay đổi từ giữa năm nay. Theo đó, người đóng BHXH sau cải cách càng lâu năm thì bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để hưởng chế độ cũng tăng tương ứng và cao bất thường so với người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024. Điều này khiến lương hưu của người nghỉ trước và sau thời điểm trên có sự chênh lệch lớn. Nếu điều chỉnh lương hưu mỗi năm để tiền hưu trí của người nghỉ trước 1/7/2024 "đuổi kịp" với người nghỉ sau sẽ ảnh hưởng tới khả năng cân đối Quỹ Hưu trí tử tuất.
Để tránh tạo sự so sánh giữa nhóm nghỉ trước - sau cải cách, giữa khu vực công - tư cùng khả năng cân đối của quỹ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất sửa đổi cách tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để hưởng chế độ. Cụ thể, lao động khu vực nhà nước mà đóng BHXH trước ngày 1/7/2024 thì chế độ được tính hưởng bình quân từ 5 đến dưới 20 năm tùy mốc thời gian tham gia. Người đóng sau thời điểm trên thì tính bình quân toàn bộ quá trình. Đề xuất thực hiện từ ngày 1/7/2024 và đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Lao động khu vực nhà nước tính lương hưu chủ yếu dựa vào những năm cuối tham gia hệ thống theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Đồ họa: Tiến Thành
Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định người tham gia hệ thống trước ngày 1/1/2025 cách tính hưởng BHXH và trợ cấp tùy từng giai đoạn; lao động tham gia sau thời điểm trên tính bình quân toàn bộ quá trình. Dự luật sửa đổi đang đề xuất áp dụng công thức tính toàn bộ quá trình với lao động nhà nước từ 1/7/2025 trở đi.
Như vậy, Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị thực hiện sớm nửa năm so với luật hiện hành và trước một năm so với dự luật sửa đổi. Nếu được thông qua, cơ quan này đề xuất cấp thẩm quyền có hướng dẫn thực hiện để quyền lợi lao động không bị gián đoạn từ ngày 1/7/2024 đến 1/7/2025, tính từ khi cải cách tiền lương đến lúc Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến có hiệu lực.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, khi cải cách tiền lương phải đi đôi với điều chỉnh chính sách lương để người hưu trí không gặp phải khó khăn, thiệt thòi sau khi cải cách. Trong năm nay, Bộ sẽ tham mưu để tăng lương hưu đạt mức tối thiểu 15%, so với mức lương tăng thêm của cán bộ công chức, viên chức.
Nguồn: [Link nguồn]