Tiễn biệt 13 liệt sĩ hy sinh ở Rào Trăng: Mười lời thề bi tráng

Những người lính Cụ Hồ trong thời chiến, khi súng đã nổ họ vẫn xông tới, mặc cho những người chạy trước tan biến trong những quầng lửa đạn, thân thể đầy vết cháy sém. Còn trong thời bình thì không cần nghe tiếng súng nổ, chỉ cần nghe “tiếng người dân cần” thì họ xốc tới như đang ra mặt trận. Đó là vì 10 lời thề danh dự của quân nhân đã thấm vào trái tim.

Tiễn đưa những người anh hùng. |Ảnh: Văn Chương

Tiễn đưa những người anh hùng. |Ảnh: Văn Chương

Chiều 18/10, mưa Huế vốn buồn, nhưng không khí càng ảm đạm khi trên tay nhiều người với chiếc điện thoại di động, lướt mạng internet và dừng lại thật lâu ở tấm ảnh đen trắng, khuôn mặt hiền lành của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4. Nhưng có lẽ, nhiều người ấn tượng nhất là lời phát biểu của tướng Man trước khi cùng đoàn công tác lên đường, sau đó lầm lũi tiến vào rừng để đến điểm đang chôn vùi 17 công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3, đó là “nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh”.

Trong quán cà phê giữa cơn mưa rả rích, có người bình luận về tấm lòng vì dân của tướng Man, rồi nhắc đến những bài báo kể về những lần xả thân của ông và đồng đội để gặp gỡ, chia sẻ với người dân vùng lũ ở dọc sông Gianh Quảng Bình và khắp các tỉnh miền Trung. Nhiều người nhắc đến vị trí của ông vừa là tướng quân đội, vừa là đại biểu Quốc hội của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, nên luôn gần dân, lắng nghe người dân nói.

Người dân có thể nói về những người đã hy sinh theo nhiều cách nghĩ khác nhau. Nhưng tựu chung một điểm, đó là họ hành động theo “10 lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Trong 10 lời thề đó có nhắc “thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí; Khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng ba điều nên: Kính trọng dân; Giúp đỡ dân; Bảo vệ dân”.

Từ khi còn là binh nhì, quân nhân phải thuộc lòng 10 lời thề. Các buổi kiểm tra đầu tuần, hoặc kiểm tra đột xuất của cấp trên, lính tráng phải trả lời tắt ngang một lời thề nào đó. Mười lời thề vì vậy theo suốt cuộc đời những người lính, mười lời thề biến thành hành động và đối với họ, hành động cao cả nhất trong thời bình là bảo vệ tính mạng, xả thân vì nhân dân. Là một người lính, nhưng tôi không rõ từ khi nào, cụm từ “phòng chống thiên tai là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” được phổ biến trong toàn quân.

Sáng 18/10, tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 268 (TP Huế) đã diễn ra Lễ truy điệu 13 liệt sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ tại Thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế vào ngày 13/10/2020. Bài điếu văn của Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4, Trưởng ban lễ tang gây xúc động. Và trong chiều sâu của bài điếu văn này vẫn là những lời thề của người lính được cô đọng theo các hình thức khác nhau: “…cầu mong các đồng chí hãy yên lòng an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng trong lòng đất mẹ. Những hoài bão trong sự nghiệp và ý nguyện trong cuộc sống của các đồng chí sẽ được tiếp tục thực hiện bằng sự nỗ lực cao nhất của chúng tôi”.

Giữa lúc đang diễn ra lễ tang thì tin dữ dồn dập đổ về, đó là 22 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đoàn Kinh tế quốc phòng 337, Quân khu 4 đã bị sạt lở đất chôn vùi tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ngay lúc ấy, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã lặng đi, và không nén nổi nghẹn ngào khi thông báo trước tang lễ về tin dữ trên. Các tướng lĩnh, sĩ quan dự lễ môi bặm lại, mắt suy tư, rồi sau đó tất cả như chìm xuống đáy lòng, gác lại để lo hoàn tất hậu sự cho đồng đội. Vị tướng già Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 là người từng trải qua trận mạc ở Tây Nguyên, Khe Sanh, Phú Yên, chiến dịch Hồ Chí Minh với vẻ mặt tư lự, sau đó ngồi vào bàn ghi dòng cảm tưởng vào sổ tang…

Tại xã Phong Xuân, Lữ đoàn công binh 414 đang neo lại để chờ thông tuyến, tiếp tục tiến theo đường thủy vào thủy điện Rào Trăng 4 để ngược lên thủy điện Rào Trăng 3 giải cứu cho các công nhân. Nhưng do mưa lớn bị kẹt đường và nhận được tin dữ ở Quảng Trị, nên đơn vị đã gấp gáp hành quân ra để ứng cứu đồng đội ngay lúc lễ tang đang diễn ra.

“Xin thề!”.... Mỗi sáng thứ hai đầu tuần, những người lính lại chào cờ, trang trọng đọc “10 lời thề danh dự của quân nhân”, sau đó hô vang lời xin thề. Họ luôn thực hiện theo 10 lời thề này, sự hy sinh luôn đầy bi tráng...

Ngày 22/12/1944, dưới lá cờ đỏ sao vàng, 34 cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã long trọng tuyên đọc 10 lời thề danh dự tại một khu rừng nằm giữa rừng núi Cao Bằng. 

Nguồn: [Link nguồn]

Lũ lịch sử ở Quảng Bình: Lật đò khi chạy lũ, 2 người tử vong

Tính đến 21 giờ tối 18-10, lũ lịch sử ở Quảng Bình đã làm gần 60.000 nhà dân bị ngập lụt, hơn 215 thôn bản bị chia...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Văn Chương ([Tên nguồn])
Lũ lụt ở miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN