Tiệc hành lang chung cư có thể gây... mất tình cảm
“Việc tụ tập, ăn uống không liên quan tới tình làng nghĩa xóm. Có khi “rượu vào lời ra” lại xảy ra mâu thuẫn chứ nói gì đến gắn kết, chia sẻ”.
Tiệc hành lang chung cư vẫn là chủ đề được nhiều người đưa ra tranh luận. Nhiều ý kiến ủng hộ vì cho rằng đây là cơ hội để mọi người gắn kết tình làng nghĩa xóm. Bên cạnh đó, không ít người lại cho rằng, tiệc hành lang không những gây ồn ào, mất thời gian mà có thể “rượu vào, lời ra”.
Ở chung cư Xa La (Hà Đông, Hà Nội) đã nhiều năm, nhưng rất ít khi gia đình chị Nguyễn Thanh Mai tham gia những bữa tiệc hành lang cùng mọi người.
Nhiều lần hàng xóm lên kế hoạch nấu nướng ăn uống, chị đều khéo léo từ chối. Do chồng chị phải đi làm về muộn và quan trọng hơn, chị không thích tụ tập, lê la bàn tán. Với chị, những bữa ăn như thế vừa phiền phức lại mất thời gian.
Theo chị Mai, một bữa tiệc cũng có thể gây mất tình làng nghĩa xóm (Ảnh: Facebook)
Dù không tham gia những bữa tiệc như vậy, nhưng chị Mai vẫn rất niềm nở và được lòng hàng xóm. Các con của chị vẫn chơi đùa vui vẻ với các bạn cùng tầng. Mỗi tối, con trai cả của chị còn làm “gia sư” miễn phí cho mấy em nhỏ hàng xóm.
Chị Mai cho hay, bất kể ai trong tầng cần giúp đỡ, nếu có thể, chị vẫn chẳng nề hà. Gần đây, gia đình bên cạnh có con nhỏ bị đau bụng, phải đưa đi cấp cứu trong đêm. Họ đã gọi cửa nhờ gia đình chị đưa đến bệnh viện. Dù đi làm cả ngày rất mệt mỏi nhưng chồng chị vẫn nhiệt tình, sốt sắng đưa họ đi.
"Tôi không đồng tình việc đưa tiệc hành lang lên để đánh giá về văn minh, bởi như vậy là quan trọng hóa vấn đề. Còn bàn về tình làng, nghĩa xóm thì không phải cứ có tụ tập thì mới gắn kết, chia sẻ. Nếu cứ khăng khăng là phải tụ tập, giao lưu như thế mới có tình nghĩa, thậm chí nếu không có “văn hóa làng xã” thì trẻ con tự kỷ, máy móc, ích kỷ, kém phát triển… thì theo tôi, đó chỉ là cái cớ, sự ngụy biện”, chị Mai nói.
Theo chị Mai, những buổi tụ tập nhậu nhẹt sẽ không góp thêm vào việc xây dựng tình đoàn kết mà thậm chí, việc làm này có khi còn gây mất đoàn kết.
Chị Mai đã đôi lần chứng kiến cảnh “rượu vào, lời ra” từ chính những bữa tiệc như thế này. Hàng xóm thì khích bác nhau, vợ chồng “lục đục” vì những câu trêu đùa quá trớn, mẹ chồng, nàng dâu thêm căng thẳng…
“Đó là chưa kể đến cháy nổ. Một người bạn của tôi cũng sống ở chung cư kể có lần cả tầng đang tụ tập ăn lẩu thì đột nhiên mất điện. Đang loay hoay định bê cả bình gas to ra thì có người nghĩ ra cách cắm vào ổ điện nơi treo tivi quảng cáo. Bởi khi mất điện, vẫn có nguồn điện dự trữ để thang máy chạy. Như vậy có dễ xảy ra cháy nổ không? Chưa kể việc nấu nướng, mùi mắm muối, hành tỏi bay khắp tầng, thật khó chịu”, chị Mai nói.
Một bữa tiệc hành lang chung cư (Ảnh: Vietnamnet)
Anh Hoàng Văn Thái (chung cư Bắc Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ, thỉnh thoảng tầng chung cư nơi anh sống tổ chức liên hoan, bia rượu. Lúc đầu thấy hay hay, vui vẻ nên anh cũng tham gia.
Sau mỗi bữa tiệc, cánh đàn ông lại trải chiếu ra hành lang đánh bài hoặc xem bóng đá. Nhiều hôm chơi thâu đêm, đến nỗi vợ con gắt gỏng, bực bội vì ồn ào. Thấy vậy, anh thôi không tham gia thì lại bị nói là “sợ vợ”, “khinh nhau”…
Có lần đi làm về mệt, anh chỉ muốn được nghỉ ngơi, yên tĩnh thì hàng xóm nhiệt tình kéo anh ngồi cùng. Tham gia thì mệt mỏi, không tham gia thì bị nói “không giao lưu”, “không tình làng nghĩa xóm”.
“Tôi không phản đối tiệc tùng, nhưng cũng nên chừng mực. Nhiều người không muốn tham gia, không phải vì họ không có tình nghĩa. Đơn giản là họ muốn được nghỉ ngơi, yên tĩnh”, anh Thái nói.