“Tiệc Giao thừa” trên… 9 tầng mây

Sự kiện: Tết Nguyên đán

Thời khắc Giao thừa thiêng liêng, khi nhà nhà, người người quần tụ bên nhau để cùng tiễn năm cũ và đón chào năm mới thì họ lại “xé” màn đêm cất cánh làm nhiệm vụ. Họ chính là những tiếp viên, phi công của các hãng hàng không và câu chuyện đón Giao thừa trên… trời đã được họ bật mí.

“Tiệc Giao thừa” trên… 9 tầng mây - 1

Những chuyến bay đặc biệt

Đặc biệt vì cả năm mới có một lần bay trong khoảnh khắc ấy và đặc biệt hơn đó là những chuyến bay mang theo bao nỗi niềm của cả hành khách lẫn phi hành đoàn. Ngày Tết, họ lại lên đường làm nhiệm vụ, phục vụ những vị khách đặc biệt phải xa nhà lúc Giao thừa gõ cửa.

Với những tiếp viên kỳ cựu có nhiều năm trong nghề của hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA), khi được hỏi, họ đều không nhớ xuể có bao nhiêu lần được cất cánh bay đêm Giao thừa. Với họ chuyến bay Tết nào cũng chứa đựng nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Tiếp viên trưởng kỳ cựu Vũ Thị Cẩm Tú cho rằng, bay Tết luôn mang đến những cảm xúc khác lạ với bất kỳ ai. Với hơn 25 năm trong nghề và nhiều năm trên cương vị tiếp viên trưởng, chị không nhớ rõ đã bao lần được bay Tết, đón Giao thừa trên không.

“Bay Giao thừa là những chuyến bay mà phi hành đoàn và hành khách phải cất cánh lúc 23h hơn ngày 30 Tết. Hành khách lên máy bay, nhân viên phi hành đoàn ai nấy đều vào vị trí. Đồng hồ điểm thời khắc Giao thừa và xa xa những cột pháo hoa bừng sáng giữa màn trời đêm. Cảm giác lúc này khó tả lắm, có một chút gì bâng khuâng lắng đọng. Và sau giây phút ấy, chúng tôi lại trở về với công việc thường nhật, đón khách và nhận những lời chúc mừng năm mới từ hành khách đến từ muôn phương” – tiếp viên trưởng Cẩm Tú chia sẻ.

Cũng có thâm niên mười mấy năm cất cánh cùng Vietnam Airlines, tiếp viên trưởng Vũ Thị Mai Loan cho rằng, thời điểm mà chị và các tiếp viên được bay Tết nhiều nhất là lúc mới vào nghề hoặc lúc nhận nhiệm vụ làm tiếp viên trưởng. “Chỉ có năm ngoái là tôi được “miễn” bay Tết vì 3 năm liền trước đó, năm nào tôi và phi hành đoàn cũng có cơ hội đón Giao thừa trên không. Không chỉ riêng tôi mà đối với tất cả mọi người, Giao thừa là khoảnh khắc đặc biệt thiêng liêng. Đây là lúc mà ai cũng muốn đoàn tụ bên người thân yêu nhưng vì công việc nên phải xa nhà. Lần đầu tiên tôi được bay Tết cách đây lâu lắm rồi, lúc lái xe ra đường cũng là lúc nhà nhà, người người quần tụ bên nhau để chuẩn bị mâm cỗ cúng tân xuân. Cảm giác lúc đó cũng có chút ngậm ngùi nhưng khi lên tới sân bay thấy có rất nhiều kíp bay, nhiều đồng nghiệp cũng phải xa nhà làm nhiệm vụ thì mọi âu phiền đều tan biến. Khi máy bay cất cánh cũng là lúc ở dưới đất pháo hoa bắn rực từng góc phố và chúng tôi lại trở về với vòng xoáy của công việc như bao ngày” – tiếp viên Vũ Thị Mai Loan nhớ lại.

Cái đặc biệt của những chuyến bay xuân còn đến từ những điều giản dị khác. Trong những chuyến bay này, khoang máy bay được trang trí mang hơi thở của mùa xuân. Những thông tin được phát ra từ hệ thống nghe nhìn của máy bay cũng được phi hành đoàn chọn lọc kỹ lưỡng. Những khúc nhạc, bài hát vui nhộn về mùa xuân, những lời giới thiệu về Tết cổ truyền của dân tộc là ưu tiên hàng đầu được chọn.

“Không chỉ có nghe, nhìn mà hãng hàng không còn dành cho hành khách bay Tết những bất ngờ khác. Suất ăn ngày xuân bao giờ cũng được đầu bếp trang trí cầu kỳ, đẹp mắt và mang không khí Tết” – tiếp viên trưởng Cẩm Tú cho biết.

“Trong những chuyến bay xuân, tiếp viên trưởng thường có những bài giới thiệu về Tết cổ truyền của dân tộc qua hệ thống phát thanh sau đó thay lời phi hành đoàn gửi lời chúc mừng năm mới, lời cảm ơn đến toàn thể hành khách. Không chỉ lần đầu tiên mà mỗi lần được nghe, thậm chí sau này được nói những lời tri ân đấy tôi vẫn thấy bâng khuâng đến khó tả. Đó không đơn thuần là những lời nói xã giao lịch thiệp mà còn chứa đựng tình cảm của những nhân viên hàng không dành cho hành khách. Trong đó còn mang theo lòng tự hào, tự tôn về nét đẹp truyền thống ngàn đời của người Việt muốn gửi gắm đến hành khách muôn phương” - tiếp viên trưởng Nguyễn Mỹ Ngọc Diệm nói.

“Bữa tiệc” trên 9 tầng mây có gì?

“Tiệc Giao thừa” trên… 9 tầng mây - 2

Các chị cho biết, trước những chuyến bay, phi hành đoàn thường có những cuộc họp nhanh. Với những chuyến bay đêm Giao thừa, ngoài nội dung họp thông thường, phi hành đoàn còn dành thời gian để gửi tới nhau lời chúc mừng năm mới. Như thành thông lệ, vào thời khắc này, các anh chị phi công, tiếp viên trưởng lại gửi tới các thành viên trong phi hành đoàn những tấm lì xì nhỏ với lời chúc năm mới thành công.

“Đã bao nhiêu lần trôi qua nhưng lần nào được tặng và nhận lì xì đều có cảm giác như mình đang trở về với ngày còn thơ ấu. Sự động viên, sẻ chia của các thành viên phi hành đoàn đã làm nguôi ngoai đi nỗi nhớ nhà và sau giây phút ấy ai nấy lại trở về với tâm thế của người phục vụ, tiếp tục với công việc để nối những bờ vui cho bao gia đình trên khắp thế giới” – chị Tú nói.

Họp xong cũng là lúc phi hành đoàn được tiếp nhận những túi hành lý đặc biệt, đó chính là những vật phẩm mang đậm hơi Xuân như gói bánh chưng, khoanh giò, hộp mứt Tết… được hãng chuẩn bị để anh chị em đón giao thừa trên không.

Ngoài vật phẩm, hãng hàng không còn dành cho những nhân viên bay Tết chế độ công tác phí cao gấp đôi ngày thường. Trước khi lên lịch bay Tết, các phi công, tiếp viên được “quyền” thể hiện nguyện vọng của mình bằng cách đưa ra những lời đề nghị trong dịp phục vụ đặc biệt này.

Chị Cẩm Tú cho biết: “Trước Tết, đoàn bay sẽ ghi nhận các nguyện vọng của tiếp viên, phi công. Có người lựa chọn cho mình đường bay yêu thích, có người chọn những đường bay đến nước bạn mà nơi đó có người thân đang sinh sống để thăm nhau. Cũng có người gửi nguyện vọng là năm nay xin được… bay Tết vì trong chuyến bay đó có những người thân yêu của họ đi cùng. Đây là những đặc ân rất nhân văn đã được hãng hàng không áp dụng nhiều năm để động viên tinh thần của anh chị em tiếp viên, phi công”.

Chị Vũ Thị Mai Loan vẫn nhớ lần đầu tiên được đón Giao thừa trên không là chuyến bay đi Nhật Bản cách đây mười mấy năm. “Lúc đó, tôi mới có 20 tuổi, lần đầu tiên xa nhà trong đêm Giao thừa, chuyến đó khách ít, chủ yếu là khách nước ngoài nên khi phục vụ xong, anh chị em có chút ít thời gian để đón năm mới. Bữa tiệc nhỏ đón giao thừa của phi hành đoàn có bánh chưng, giò, xôi, hoa quả và các vật phẩm khác do các thành viên của phi hành đoàn mang theo.

Chị Loan cho biết: “Vật phẩm tuy ít và cũng chỉ là những thức ăn bình thường của ngày Tết nhưng cái không khí, sự sẻ chia mang đến nhiều cảm giác khác lạ. Tới Nhật, khi máy bay hạ cánh, chúng tôi được phân một căn phòng nhỏ, ở đó có bếp, cả tổ đi chợ để làm cơm đón mừng năm mới trên đất bạn”.

Cũng đón Giao thừa trên chuyến bay đi Nhật Bản như chị Loan, chị Cẩm Tú còn nhớ ngày đó chị mang theo một cành đào nhỏ. Khi tới Nhật, trong bữa cơm đón tân niên của những người con xa nhà chị mang đào ra cắm và bữa tiệc lại có đầy đủ bánh, hoa của mùa xuân như ở quê nhà.

Niềm vui trong những chuyến bay Tết

“Tiệc Giao thừa” trên… 9 tầng mây - 3

Với các chị, những chuyến bay xuân luôn chứa đựng những điều khác lạ. “Ngày Tết cảm giác mọi người như gần nhau hơn, mọi việc cứ nhẹ nhàng trôi qua với những nụ cười, lời chào hỏi thân thiện. Có lần bay Tết, tổ bay có cơ hội được phục vụ khách Vip và bất ngờ nhận được lì xì của vị khách này khiến ai nấy đều vui. Với khách Việt, trong những chuyến bay này, việc gửi đến nhau những lời chúc mừng năm mới là điều bình thường nhưng cũng có nhiều lần chúng tôi được nhận lời chúc mừng năm mới bằng tiếng Việt của những vị khách Tây. Quả thật lúc đó chúng tôi rất bất ngờ và không giấu nổi niềm hạnh phúc” - chị Cẩm Tú nói.

Còn đối với tiếp viên trưởng Mai Loan, chị vẫn nhớ có lần trên chuyến bay đón giao thừa chỉ có duy nhất một nam hành khách Việt. Cả tổ bay đã quyết định mời vị khách này vào cùng chung vui trong khoang bếp, sau phút ngại ngần, vị nam hành khách đã hòa mình vào bữa tiệc nhỏ cùng trải nghiệm phút giây đón Giao thừa với phi hành đoàn trên không. “Bữa tiệc nhỏ đón Giao thừa lần đó rất vui, vị nam hành khách đã không ngớt lời cảm ơn gửi tới phi hành đoàn trước khi rời máy bay. Không chỉ chia sẻ niềm vui xuân với hành khách, các tiếp viên, phi công kỳ cựu còn có “trách nhiệm” động viên những “lính mới” vào nghề.

Có nhiều tiếp viên trẻ, lần đầu tiên ăn Tết xa nhà, chỉ cần nhìn ánh mắt là chúng tôi biết họ có những suy tư. Họ cũng như mình hồi còn trẻ và chúng tôi phải tìm cách động viên các em bằng sự quan tâm, sẻ chia, các hoạt động vui nhộn ngay lập tức được “phát minh” nhằm lôi cuốn các em vào bữa tiệc đón Giao thừa” - chị Loan nói.

“Tôi đã nhiều lần bay đường dài vào đêm 30 Tết. Có lần, vào đúng thời điểm Giao thừa, trước chuyến bay tôi đưa mắt nhìn ra xa, chỉ để mong cảm nhận được giây phút Giao thừa đang tới, bằng những ánh sáng muôn màu của pháo hoa đang xòe ra rực cả một góc trời. Lòng tôi xốn xang vô cùng. Thời khắc linh thiêng đến, chúng tôi đang làm nhiệm vụ. Tôi cảm thấy mình đang làm một việc ý nghĩa, đó là góp phần đưa những người xa xứ trở về đoàn tụ với gia đình. Làm việc dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi đều coi đó là nhiệm vụ và luôn cố gắng hoàn thành. Để quên đi nỗi buồn xa nhà vào những thời điểm ý nghĩa, tiếp viên chúng tôi thường tổ chức giao lưu, tạo bầu không khí vui vẻ, động viên nhau cùng cố gắng để hoàn thành tốt công việc. Bước chân lên máy bay, mọi nỗi buồn chúng tôi để lại, chỉ còn phía trước là những nụ cười gửi trao cho hành khách. Nhiệm vụ của chúng tôi là phục vụ hành khách chu đáo, tận tình, đảm bảo an toàn cho mọi chuyến bay, đặc biệt là làm thế nào để hành khách cảm nhận được tình cảm, hơi ấm tình người trong từng cử chỉ, ánh mắt và việc làm”.

Tiếp viên trưởng Vũ Thị Cẩm Tú nói.

Mải làm quên cả… Giao thừa

Mới vào nghề nhưng tiếp viên Dương Hồ Quỳnh Anh (hãng VNA) đã có cơ hội được trải nghiệm đón Giao thừa trên không. Lần đầu tiên đó đúng vào dịp Tết Dương lịch năm 2018 vừa qua. “Lúc đó máy bay đang ở trên không và chỉ còn gần 30 phút nữa là đến thời khắc Giao thừa. Cũng lúc này, hành khách liên tiếp cùng nhau gọi đồ và đến khi phục vụ khách xong thì Giao thừa đã qua lúc nào chẳng hay. Nhìn đồng hồ và trong lòng hơi có chút mủi lòng nhưng dù sao em vẫn vui vì trong thời khắc ấy mình đã làm tròn nhiệm vụ, đem đến niềm vui cho hàng trăm hành khách trên chuyến bay”.

Tiếp viên Quỳnh Anh nhớ lại.

Ngắm pháo hoa lung linh, rực rỡ chào năm mới 2018

Đúng 00h, màn pháo hoa nổ tưng bừng ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước để chào mừng năm mới Mậu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Tâm (Gia đình & Xã hội)
Tết Nguyên đán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN