Tịch thu xe của "ma men": Người làm công lấy gì bồi thường?
“Giả sử một tài xế lái thuê cho một người có xe ô tô 30 tỷ đồng, vi phạm luật giao thông đường bộ. Tôi đồng ý là anh lái xe đó vi phạm thì bị xử phạt, nhưng mà anh lái xe đó làm công ăn lương thôi thì lấy đâu tiền mà bồi thường”.
Luật sư Phan Hữu Thư, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp đã đặt vấn đề như vậy tại hội thảo “Tịch thu phương tiện, pháp lý và thực tiễn” diễn ra tại Hà Nội ngày 11.3.
Lái xe thuê có bồi thường nổi xe ô tô 30 tỷ?
Theo luật sư Phan Hữu Thư, việc đề xuất tịch thu xe đối với lái xe có nồng độ cồn cao là đúng khi nhằm đến mục tiêu nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của người dân. Tuy nhiên cũng cần cân nhắc đến việc bảo đảm tính công bằng xã hội.
“Giả sử một tài xế lái thuê cho một người có xe ô tô 30 tỷ, vi phạm luật giao thông đường bộ. Tôi đồng ý là anh lái xe đó vi phạm thì bị xử phạt, nhưng mà anh lái xe đó chỉ làm công ăn lương thôi, lấy đâu tiền mà bồi thường”, ông Thư đặt vấn đề.
Ông Thư cho hay, xe là phương tiện của người dân và là tài sản của gia đình. Nếu lái xe vi phạm nhiều lần thì có thể tịch thu phương tiện. Trong trường hợp một người dân vừa vào quán ra đường mà bị bắt, tịch thu phương tiện thì lại không ổn. Theo luật sư Thư, lái xe vi phạm lần đầu có thể xử phạt hành chính thật nặng.
“Một văn bản quy phạm pháp luật đưa ra có hiệu quả không, cần xem xét tính khả thi của nó. Khi đề xuất này còn nhận được những ý kiến trái chiều từ người dân, tôi cho rằng tính khả thi của đề xuất không cao. Các cơ quan chức năng cần cân nhắc thật kỹ”, ông Thư nói.
Ông Thư cho rằng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nên rà soát lại xem đề xuất "tịch thu phương tiện" có ảnh hưởng đến các chính sách của Đảng và Nhà nước hay không, ví dụ như chính sách xóa đói giảm nghèo.
“Nếu như một gia đình chỉ có cái xe máy 5 triệu đồng để làm phương tiện làm ăn. Nếu chỉ vì ly rượu "cuốc lủi" mà bị tịch thu xe, gia đình đó lại trở về cái nghèo ban đầu. Điều đó cũng cần xem xét đến”, ông Thư nói thêm.
Tiến sĩ Đồng Xuân Thành, nguyên giảng viên trường Đại học Công nghệ Hồ Chí Minh cho rằng, đề xuất tịch thu phương tiện đối với lái xe có nồng độ cồn cao sẽ gặp nhiều bất cập. Hiến pháp quy định quyền bảo hộ tài sản rất cao. Trong khi đó, ôtô, xe máy là tài sản lớn của người dân, không thể muốn là tịch thu ngay được.
Nên có nhiều mức phạt khác nhau
Ông Trần Hữu Minh, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giao thông vận tải cho biết, trên thế giới, lái xe có nồng độ cồn quá mức cho phép có thể được xem là tội phạm bởi vì có thể gây thương vong cho lái xe, thiệt hại đến tính mạng và tài sản của người khác. Khi là tội phạm, họ sẽ xử lý theo chế tài hình sự và lái xe sẽ bị tịch thu phương tiện.
Ở Mỹ, lái xe vi phạm nồng độ cồn quá mức cho phép sẽ bị tịch thu xe ngay từ lần vi phạm đầu tiên. Còn ở Canada, lái xe bị thu phương tiên khi vi phạm nồng độ cồn lần thứ hai. Như vậy, hiện nay cách tiếp cận của các nước trên thế giới đang theo xu hướng xử phạt nghiêm khắc hơn.
Ở Việt Nam, hệ thống xử phạt vi phạm thông thường được xây dựng theo nguyên tắc phạt theo mức độ vi phạm. Do vậy, cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể nghiên cứu, xây dựng hệ thống pháp luật có nhiều mức phạt khác nhau để phù hợp với tình huống lái xe vi phạm.
“Những lái xe lần đầu vi phạm nồng độ cồn vượt mức cho phép có thể không tịch thu xe, nhưng phạt tiền, bấm lỗ bằng. Đến lần thứ 2 vi phạm sẽ bị tịch thu xe. Hoặc trong một số trường hợp, lái xe chống người thi hành công vụ cũng có thể áp dụng biện pháp tịch thu xe”, ông Minh đề xuất.
Theo ông Minh, phạt tiền đối với lái xe vi phạm cũng nên tính toán theo mức thu nhập của các nhóm đối tượng trong xã hội. Xe máy vi phạm lần đầu có thể bị phạt từ 3-6 triệu; lần 2 từ 6-15 triệu. Với ô tô, lần đầu có thể phạt 15-20 triệu đồng; lần 2 từ 20-40 triệu đồng.