Thuỷ điện rào chắn đường: Học sinh vẫn phải chui rào kẽm gai để đến trường
Không chỉ cô hiệu trưởng kêu cứu vì đường đến trường bị nhà máy thuỷ điện rào chắn mà 2 học sinh cũng phải chui rào kẽm gai để đến trường.
Trong hai ngày 3 và 4-4, nhiều công an và cơ quan chức năng huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng đã có mặt tại vị trí thuỷ điện Đạ Dâng ở thôn Păng Tiêng, xã Lát để giữ gìn an ninh trật tự.
Chủ đầu tư thủy điện Đạ Dâng đã rào chắn con đường đi lại của người dân. Ảnh: VT
Việc làm này bắt nguồn từ việc sáng ngày 3-4, hàng chục người dân đã đến cổng thủy điện Đạ Dâng - Đạ Cho Mo do Công ty CP điện Long Hội làm chủ đầu tư yêu cầu công ty này tháo dỡ cổng và rào chắn để người dân được đi lại, học sinh đến lớp và cán bộ đi công tác trong khi chờ UBND huyện Lạc Dương và xã Lát mở con đường mới.
Video: Thuỷ điện rào chắn đường: Học sinh vẫn phải chui rào kẽm gai để đến trường
Cũng vì bức xúc trước việc con đường độc đạo đi lại bị chắn, gây khó khăn nên nhiều người dân đã to tiếng và đã xảy ra xô xát.
Trước đó (ngày 2-4), bà Nguyễn Hồng Thúy, Hiệu trưởng trường Mầm non Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng có đơn cứu xét gửi Huyện ủy, UBND Huyện Lạc Dương vì con đường đến trường của bà cũng bị Công ty CP điện Long Hội rào chắn.
2 học sinh tiểu học vẫn phải chui rào kẽm gai để đến lớp. Ảnh cắt từ clip
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Lâm, 33 tuổi, ngụ thôn Păng Tiêng, xã Lát cho biết gia đình ông có 2 con nhỏ phải đến trường mỗi ngày nhưng con đường duy nhất đi lại đã bị Công ty CP điện Long Hội rào chắn 2 đầu khiến con của ông phải đi bộ và chui qua hàng rào kẽm gai để đến lớp.
Về con đường này, theo báo cáo của UBND huyện Lạc Dương, trước khi thực hiện dự án thủy điện Đạ Dâng - Đạ Cho Mo, người dân tại khu vực đã sử dụng đường đất hiện trạng để lưu thông sản xuất cà phê ở tiểu khu 227B, xã Lát.
Cổng bị chắn và bị ngăn cấm nên bố mẹ không thể chở 2 bé đến trường. Ảnh: VT
Sau khi dự án được đầu tư, người dân sử dụng chung tuyến đường giao thông phía trên đập thủy điện để phục vụ lưu thông sản xuất nông nghiệp.
Diện tích đất tuyến đường hiện trạng người dân đã sử dụng để lưu thông sản xuất cà phê trước khi thực hiện dự án thủy điện Đạ Dâng - Đạ Cho Mo tại khu vực lòng hồ là 2517m².
Cũng theo UBND huyện lạc Dương thì diện tích đất này Công ty CP điện Long Hội đang sử dụng nhưng không phải bồi thường về đất vì tại thời điểm thu hồi đất diện tích đất này thuộc đường hiện trạng.
Huyện Lạc Dương và xã Lát nhiều lần đề nghị Công ty CP điện Long Hội để dân đi lại bằng đường cũ cho đến khi làm xong đường mới. Ảnh: VT
“Việc tranh chấp đường đi giữa Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Long Hội diễn ra trong thời gian dài, huyện đã nhiều lần xử lý, yêu cầu Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng điện Long Hội tạo điều kiện cho người dân đi lại. Đồng thời phối hợp với UBND xã Lát và các cơ quan của huyện Lạc Dương để xây dựng tuyến đường đi mới cho các hộ dân”- báo cáo của huyện Lạc Dương nêu.
UBND huyện Lạc Dương cũng yêu cầu Công ty CP điện Long Hội tiếp tục tạo điều kiện cho người dân đi lại trên tuyến đường cũ để đảm bảo việc đi lại, lưu thông hàng hoá, nông sản đến khi xây dựng xong tuyến đường mới vào khu vực sản xuất ở tiểu khu 227B.
Như vậy, quan điểm của chính quyền huyện Lạc Dương và xã Lát đã rất rõ ràng. Đó là trong khi tuyến đường mới hoàn thành thì Công ty CP điện Long Hội được yêu cầu để người dân đi lại.
Trong khi đó, những ngày qua, việc bà Nguyễn Hồng Thúy, Hiệu trưởng trường Mầm non Đạ Nghịt bị chắn đường đến đường đến mức phải cầu cứu cơ quan chức năng huyện Lạc Dương đã khiến dư luận bức xúc.
Người dân đang bị buộc phải đi qua dốc Min lởm chởm đá. Ảnh: VT
Đáng nói hơn, lấy lý do đã mở con đường mới ở dốc Min (cách đầu con đường cũ khoảng 500 mét), Công ty CP điện Long Hội còn khiến 2 học sinh tiểu học hàng ngày phải chui qua hàng rào kẽm gai để đến lớp.
Con đường sạt lở tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh: VT
Cũng cần phải nói thêm rằng, con đường mới qua dốc Min đến khu dân cư và vườn của người dân dài gần 4km có độ dốc cao, hiểm trở. Ngoài mặt đường lởm chởm đá cấp phối thì hiện 2 bên con đường này còn bị sạt lở nghiêm trọng, rất nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.
Cùng với cô hiệu trưởng, 27 hộ dân sinh sống tại thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương đang kêu cứu vì con đường duy nhất vào nhà, vườn đã bị nhà máy thuỷ điện rào chắn.
Nguồn: [Link nguồn]