Thủy điện ở Quảng Nam lo động đất
Động đất liên tục xảy ra tại các công trình thủy điện gây lo ngại cho người dân lẫn chính quyền địa phương.
Chiều 10-8, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức buổi họp nghe báo cáo tình hình các hồ chứa thủy điện trên địa bàn. Cuộc họp diễn ra sau khi Thủ tướng có chỉ thị yêu cầu rà soát, bảo đảm an toàn các hồ chứa sau sự cố vỡ đập thủy điện gây thiệt hại nặng ở Lào.
Ông Trương Xuân Tý, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, cho hay đến thời điểm này, đã có 17/20 hồ chứa thủy điện trình phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du. Ông Tý cho rằng đa số các chủ đập chưa xây dựng phương án cho tình huống vỡ đập và lúng túng trong việc xác định "tình huống bất lợi" xảy ra.
Theo ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, quy trình vận hành liên hồ chứa bộc lộ nhiều bất cập khi triển khai trên lưu vực hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, tỉnh đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được điều chỉnh. Ông Đức đề nghị rà soát thủy điện nhỏ, cái nào chủ đầu tư không đủ điều kiện làm thì cho dừng hẳn, không nên kêu gọi nhà đầu tư khác thay thế và mạnh dạn đưa ra khỏi quy hoạch.
Động đất xảy ra liên tục và chưa có dấu hiệu dừng lại tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 A (Ảnh Trần Thường)
"Tôi đề nghị đặc biệt lưu ý với 2 thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang) và Sông Tranh 3 (huyện Tiên Phước) đang có chủ trương tích nước trong năm nay" - ông Đức nói.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đồng tình với đề xuất rà soát lại các thủy điện vừa và nhỏ. Ông cho biết Quảng Nam sẽ cho dừng chứ không phát triển thêm dự án thủy điện.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu (VLĐC), từ số liệu thu thập được cho thấy trong năm 2017 và nửa đầu 2018, mạng trạm địa chấn ở khu vực huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) ghi nhận tổng cộng 69 trận động đất từ 2,5 đến 3,9 độ Richter và nhiều động đất nhỏ hơn.
TS Xuân Anh cho biết biểu đồ biểu diễn hoạt động động đất và quá trình tích nước hồ thủy điện Sông Tranh 2 cho thấy trong quá trình tích nước, hoạt động động đất ở đây vẫn diễn ra với tần suất khá cao và sắp tới chưa có dấu hiệu suy giảm rõ rệt. Theo ông, ở các công trình thủy điện lớn thường xảy ra các động đất kích thích, sau một thời gian nhất định sẽ hết. Thế nhưng, thủy điện Sông Tranh thì "hơi đặc biệt" - tuy có giảm về độ lớn nhưng số lượng không giảm. Đáng chú ý, ngoài khu vực thủy điện Sông Tranh 2, từ ngày 14 đến 31-5, có 6 trận động đất từ 2-3 độ Richter xảy ra trên địa bàn huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) và lân cận - nơi có thủy điện Đắk Mi 3, 4.
TS Xuân Anh đề nghị theo tiêu chuẩn của đập cao thế giới, trước khi cho phép thủy điện Sông Tranh 3, Sông Bung 2 tích nước, cần phải quan trắc động đất, đánh giá rủi ro về công trình thủy điện.
Thiếu sót trong quản lý an toàn đập Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, trên địa bàn tỉnh có 46 dự án thủy điện đã được phê duyệt. Trong đó, 8/10 thủy điện bậc thang, 12/36 thủy điện nhỏ và vừa đã đi vào hoạt động. Đại diện Sở Công Thương cho biết sở đã đi kiểm tra và nhận thấy một số thủy điện nhỏ do tư nhân quản lý có thiếu sót trong quản lý an toàn đập. |
Nhiều người vẫn nghĩ động đất liên tiếp xảy ra ở Quảng Nam là do tự nhiên, nhưng thực tế không phải vậy.