Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết giải thích 1 điều của Bộ luật Hình sự

Sự kiện: Thời sự

Việc ban hành nghị quyết nhằm đúng lộ trình cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP, bảo đảm áp dụng thống nhất các quy định của BLHS trong xử lý hành vi phạm tội…

Ngày 23-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thông qua nghị quyết giải thích khoản 1 Điều 289 BLHS năm 2015. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2022.

Thế nào là hành vi xâm nhập trái phép, lấy cắp dữ liệu?

Theo đó, Ủy ban Thường vụ QH quyết nghị: Hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 289 BLHS năm 2015 được hiểu là bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh.

Trước đó, ngày 7-10-2021, Chính phủ đã có tờ trình về dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của BLHS năm 2015. Tờ trình của Chính phủ thể hiện ngày 12-11-2018, QH đã ban hành Nghị quyết 72/2018/QH14 về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện có liên quan (Hiệp định CPTPP). Hiệp định này chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 14-1-2019. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên họp thứ 5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QH

Chính phủ cho biết đối với yêu cầu hình sự hóa hành vi vi phạm bí mật kinh doanh theo yêu cầu tại khoản 2 Điều 18.78 Hiệp định CPTPP vẫn còn có quan điểm khác nhau giữa các bộ, ngành về cách hiểu và vận dụng quy định tại một số điều của BLHS khi xử lý trách nhiệm hình sự.

Tại tờ trình này, Chính phủ lựa chọn hành vi “lấy cắp dữ liệu” quy định tại khoản 1 Điều 289 và hành vi “chiếm đoạt trái phép tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại khoản 1 Điều 342 BLHS năm 2015 để giải thích.

Đồng thời, để thu hẹp phạm vi xử lý hành vi vi phạm bí mật kinh doanh mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định CPTPP, khi giải thích khoản 1 Điều 289 và khoản 1 Điều 342, Chính phủ giải thích cùng với mục đích của người thực hiện hành vi vi phạm bí mật kinh doanh. Đó là “nhằm đạt được lợi thế thương mại, thu lợi bất chính hoặc gây tổn hại cho chủ sở hữu”.

Sau phiên họp thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, ngày 19-11-2021, Chính phủ tiếp tục có tờ trình bổ sung, chỉ đề nghị giải thích khoản 1 Điều 289 BLHS theo hướng bao gồm cả hành vi chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh.

Bảo đảm quyền lợi chính đáng của người phạm tội

Tờ trình của Chính phủ nêu: Việc ban hành nghị quyết giải thích một số điều của BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả và đúng lộ trình các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong Hiệp định CPTPP. 

Đồng thời bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch để áp dụng thống nhất các quy định của BLHS trong xử lý hành vi phạm tội, cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội… 

Không bổ sung “mục đích” vào nội dung giải thích

Nêu quan điểm tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp thống nhất lựa chọn khoản 1 Điều 289 để giải thích, nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTTP.

Cũng theo cơ quan thẩm tra, khoản 3 Điều 18.78 hiệp định khuyến nghị các quốc gia thành viên: “Đối với một trong ba hành vi nêu trên có thể áp dụng ở một hoặc các trường hợp, gồm: (a) Những hành vi đó nhằm mục đích đạt được lợi thế thương mại hoặc thu lợi tài chính; (b) những hành vi đó liên quan tới các sản phẩm hoặc dịch vụ trong thương mại quốc gia hoặc quốc tế; (c) những hành vi đó nhằm mục đích gây tổn hại tới chủ sở hữu của những bí mật thương mại đó; (d) những hành vi đó bị chi phối bởi, hoặc lợi nhuận của, hoặc có liên quan tới một tổ chức kinh tế nước ngoài hoặc (e) những hành vi đó gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế, quan hệ quốc tế hoặc an ninh quốc gia, quốc phòng của một bên”.

“Đây là khuyến nghị của hiệp định mà không phải là yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia thành viên” - Ủy ban Tư pháp nhận định và nhất trí không bổ sung “mục đích” vào nội dung giải thích. Cơ quan thẩm tra cho rằng điều này không phù hợp với quy định tại điểm c khoản 2 Điều 158 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về “Việc giải thích luật phải bảo đảm nguyên tắc không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy định mới”.

“Nếu bổ sung mục đích phạm tội sẽ thu hẹp phạm vi xử lý hình sự, không phù hợp với cấu thành cơ bản của tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” - báo cáo thẩm tra nêu.

Hơn nữa, việc này còn tạo ra sự không thống nhất, không bình đẳng trong chính sách hình sự đối với các hành vi trong cùng một điều luật, gây khó khăn trong quá trình áp dụng.

“Nếu chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh phải chứng minh được mục đích phạm tội mới xử lý hình sự, còn chiếm đoạt dữ liệu khác thì không cần chứng minh mục đích phạm tội” - cơ quan thẩm tra dẫn chứng.

Quy định của Hiệp định CPTPP và BLHS 2015

Theo khoản 2 Điều 18.78 Hiệp định CPTPP, các quốc gia thành viên phải xử lý hình sự và áp dụng hình phạt đối với một hoặc các hành vi: (i) Tiếp cận một cách cố ý và trái phép tới bí mật kinh doanh được lưu giữ trong một hệ thống máy tính; (ii) chiếm đoạt một cách cố ý và trái phép bí mật kinh doanh, kể cả thông qua một hệ thống máy tính; (iii) bộc lộ một cách gian lận hoặc thay vào đó, bộc lộ một cách cố ý và trái phép bí mật kinh doanh, kể cả thông qua một hệ thống máy tính.

Như vậy, Hiệp định CPTPP yêu cầu các quốc gia thành viên phải xử lý hình sự và áp dụng hình phạt đối với ít nhất một trong ba hành vi nêu trên.

Còn theo khoản 1 Điều 289 BLHS 2015 thì nếu có hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ… thì có dấu hiệu của tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. 

5 vấn đề nóng ở kỳ họp bất thường của Quốc hội sắp tới

Tình hình tài chính, kinh tế vĩ mô, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỨC MINH ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN