Thượng tá Lê Đức Đoàn cứu 30 người, 1 người cảm ơn

Cho đến lúc về hưu, sau 20 năm đứng chốt ở phía Nam cầu Chương Dương, Thượng tá Lê Đức Đoàn đã cứu hơn 30 trường hợp có ý định nhảy cầu tự tử. Trong đó, có 1 trường hợp quay lại cảm ơn ông và nhận ông làm bố nuôi.

Được người tự tử nhận làm… bố nuôi

Nói về những trường hợp mà mình đã cứu thoát  khỏi miệng “tử thần”, đến giờ ông vẫn nhớ một cô gái quê Nam Định, lấy chồng ở Hà Nội.

Hôm đó khoảng 17h, ngày 5/3/2011. Như thường lệ, giờ tan tầm dòng xe từ trung tâm đổ về rất đông. Ở nhịp cầu số 6, hàng trăm người qua đường đang cố gắng khuyên giải một cô gái có ý định tự tử. Không chút do dự, ông đã trèo lên lan can nơi cô gái đang đứng, vừa trò chuyện, vừa an ủi tình cảm như một người cha, người chú. Khi đã ở vị trí tốt nhất, hy vọng đưa cô gái xuống an toàn thì bất ngờ cô gái buông tay… Nhanh như cắt ông nhào về trước và túm được tay cô gái, đồng thời giữ chặt để ngăn chặn cô gái có hành động dại dột. Với sự giúp đỡ của người đi đường, ông đã đưa cô gái về chốt an toàn.

Tại đây, cô gái kể vì buồn chuyện chồng con nên khi đi làm về, cạn nghĩ, cô đã trèo lên cầu muốn tự tử. Khi cô gái đã bình tĩnh hơn, Thượng tá Đoàn lấy số điện thoại của chồng cô gái, gọi điện bảo người chồng đến đưa vợ về. “Lúc cô gái này có ý định quyên sinh thì đã có một con và đang mang bầu. Sau đó, thỉnh thoảng vợ chồng vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe. Thậm chí họ còn nhận tôi làm bố nuôi. Còn người chồng thỉnh thoảng mang bình rượu qua biếu bố...”, ông Đoàn tâm sự.

Ngồi trò chuyện, ông không hề muốn nhắc đến những “chiến công” này. Bởi “ai cũng có những phút sai lầm nên mình không nên làm họ thêm tổn thương khi đọc được những thông tin trên mặt báo. Vì có nhiều trường hợp bây giờ có thể đã sống cuộc sống hạnh phúc bên gia đình, có con rồi. Việc cứu người cũng là cái phúc và cái duyên của mình. Và đó không phải là những câu chuyện cần lưu tâm nên tôi không muốn ghi chép lại để làm gì”.

Nhấp ngụm nước chè xanh, ông xúc động tâm sự, từ ngày nhận được quyết định về hưu đến nay, nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn của người thân, đồng nghiệp và nhiều người dân lắm. “Đến giờ tôi không hối tiếc điều gì và cũng không cảm thấy buồn, bởi việc nghỉ hưu mình đã biết trước. Có chăng là chút bâng khuâng. Bâng khuâng vì hàng ngày mình không còn đứng ở vị trí của 20 năm qua, được những câu chào bố, chào chú, chào thầy… của những người chưa từng quen biết. Nhưng thật sự được đón nhận tình cảm những ngày qua, tôi thật sự hạnh phúc và xúc động”, Thượng tá Lê Đức Đoàn nói.

Nói về những ngày tháng nghỉ hưu, ông bảo chưa nghĩ đến việc gì to tát. “Trước mắt là giữ gìn sức khỏe, hàng ngày vui vẻ bên gia đình, con cháu. Thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè, đồng đội và dạo phố phường thôi”, ông cười, một nụ cười hiền hậu đã đi vào trái tim bao người.

Thượng tá Lê Đức Đoàn, sinh năm 1959, quê ở Ý Yên, Nam Định. Ông đã có hơn 30 năm công tác trong ngành công an. Trong 20 năm đứng chốt ở phía Nam cầu Chương Dương, ông đã giải cứu hơn 30 trường hợp định nhảy cầu tự tử.

Ông được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2012, Bằng khen của Thủ tướng năm 2013 và Chủ tịch nước trao tặng Huân chương chiến công hạng Ba năm 2014. Ngày 31/10 vừa qua, ông nhận quyết định nghỉ hưu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Bình (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN