Thượng tá Lê Đức Đoàn cứu 30 người, 1 người cảm ơn
Cho đến lúc về hưu, sau 20 năm đứng chốt ở phía Nam cầu Chương Dương, Thượng tá Lê Đức Đoàn đã cứu hơn 30 trường hợp có ý định nhảy cầu tự tử. Trong đó, có 1 trường hợp quay lại cảm ơn ông và nhận ông làm bố nuôi.
Ông Đoàn đang kể lại những câu chuyện đời mà mình chứng kiến trong 20 năm làm CSGT tại chốt phía Nam cầu Chương Dương. Ảnh: P.B
20 năm đứng chốt, cứu hơn 30 người tự tử
Hà Nội, một ngày mùa đông tháng 12/2012 lạnh buốt. Giờ tan tầm, dòng người đi làm về nườm nượp qua cầu Chương Dương. Thượng tá Lê Đức Đoàn cùng các đồng nghiệp đang vất vả điều tiết giao thông thì bất ngờ có tiếng ồn ào, hoảng hốt của rất nhiều người từ nhịp cầu số 9 vọng lại.
Theo thói quen và linh tính có chuyện chẳng lành, ông vội ra hiệu một chiếc xe buýt dừng lại, rồi nhảy lên ngay cánh cửa đầu tiên. Từ xa, ông thấy một người phụ nữ đang định nhảy xuống sông tự tử. Nhiều người sợ hãi hình dung một câu chuyện tồi tệ sẽ xảy ra thì bất ngờ một bàn tay với đến, nắm chặt cô gái có ý định tự tử. Đó là Thượng tá Lê Đức Đoàn.
Bị ngăn cản bất ngờ, phía dưới cô gái vùng vẫy, gào thét đòi quyên sinh, còn phía trên mạn cầu, Thượng tá Lê Đức Đoàn vừa nắm chặt tay, vừa dùng lời nói nhẹ nhàng: “Cháu bình tĩnh, có chú ở đây rồi, không sợ ai nữa. Nghe lời nào, lên đây cùng với chú”.
Khi ở vị trí an toàn, dường như vừa tỉnh giấc mộng, cô gái ôm lấy người cảnh sát giao thông (CSGT) khóc nức nở. Dòng người dãn dần đi, ông cùng cô gái về chốt CSGT ở phía Nam cầu Chương Dương. Cầm trên tay cốc nước, cô gái vẫn không ngừng khóc và nghẹn ngào kể lại nỗi đau khiến cô muốn tìm đến cái chết là để giải thoát sự ô nhục mà mình phải trải qua. “Theo như lời kể của cô gái thì cô gái đó quê ở tận Bắc Giang và nguyên nhân tìm đến cái chết là do bị kẻ khác xâm hại tình dục, rồi người yêu bỏ, khiến cô chán nản. Thực hư câu chuyện tôi cũng không muốn tìm hiểu kỹ, bởi lúc đó chỉ biết cách động viên cho cô gái lấy lại bình tĩnh thôi. Tôi bảo, nếu có chuyện gì, cháu có thể viết đơn tố cáo những kẻ phạm tội ra trước pháp luật. Còn về phần mình, còn bố, còn mẹ, còn anh chị em nữa, đừng tìm đến cái chết mà gieo nỗi đau cho người trong gia đình. Nghe lời, cô gái nhờ tôi gọi điện cho người bạn đón về”, ông Đoàn cho biết.
Đó là một trong hàng chục câu chuyện mà Thượng tá Lê Đức Đoàn, nguyên chiến sĩ CSGT Đội 1, Phòng CSGT TP Hà Nội kể lại về cái “duyên” cứu người của mình trong 20 năm đứng ở chốt phía Nam cầu Chương Dương này.
Ông bảo, mỗi trường hợp tìm đến đây để quyên sinh đều có nhiều nguyên nhân. Có nhiều trường hợp tìm đến cái chết vì ghen tuông, mâu thuẫn gia đình, bị trầm cảm… Một trường hợp vì nợ nần tìm đến cầu quyên sinh mà ông vẫn nhớ mãi là sẩm tối ngày 16/10/2011. Lúc đó, tại trụ số 7 xuất hiện một thanh niên khoảng 25-26 tuổi trèo qua lan can cầu, định trẫm mình xuống dòng sông Hồng chảy xiết. Khi Thượng tá Đoàn vừa có mặt thì người thanh niên trên quyết định buông tay khỏi lan can cầu.
Trong tình huống khẩn cấp, Thượng tá Đoàn nhanh trí gọi một chiếc thuyền đang cắm sào cách cầu Chương Dương chừng 100m giúp đỡ. Nhờ những người dân chài, nam thanh niên đã được cứu vớt. “Khi hỏi ra thì mới biết là do nợ nần. Còn người làm nghề sông nước, nói thật, họ kiêng chuyện cứu người lắm, cho nên sau đó tôi phải mua cái lễ cho họ thắp hương”, giọng ông Đoàn nghèn nghẹn.
Cứu thoát miệng lưỡi tử thần hàng chục trường hợp, Thượng tá Lê Đức Đoàn vẫn luôn trăn trở câu hỏi: Vì sao họ tìm đến cái chết dễ dàng như vậy… Bởi đến nay, sau 20 năm đứng làm nhiệm vụ ở chốt phía Nam cầu Chương Dương này, ông đã hơn 30 lần giải cứu các trường hợp tìm đến để quyên sinh.