Thượng đỉnh Mỹ -Triều: “Vùng cấm” nào hai bên khó có thể từ bỏ?

“Tại sao Triều Tiên muốn đàm phán với Mỹ, vì trong chiến lược của Triều Tiên, họ cho rằng sự tồn vong của chế độ có sự đe dọa lớn nhất là từ phía Mỹ chứ không phải Hàn Quốc, Nhật Bản”, TS Nguyễn Việt Phương, Nghiên cứu viên Trung tâm Belfer, Đại học Harvard (Mỹ) nói khi trao đổi với báo chí về Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần 2 tại Hà Nội.

Thượng đỉnh Mỹ -Triều: “Vùng cấm” nào hai bên khó có thể từ bỏ? - 1

Tối qua (26.2), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Hà Nội để tham dự Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần 2.

Ở góc độ nghiên cứu, theo ông trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần 2, hai bên có thể nhượng bộ nhau những vấn đề gì để đi đến kết quả khả quan?

- Vấn đề nhượng bộ nhau, thứ nhất Mỹ có thể nhượng bộ về vấn đề liên quan đến những hỗ trợ mang tính nhân đạo. Muốn việc cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp đối với Triều Tiên được dỡ bỏ thì quốc gia này phải bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Có lẽ đây là vấn đề không thể đối với Triều Tiên.

Liên quan đến việc hỗ trợ về mặt nhân đạo, về mặt năng lượng, đây là vấn đề Mỹ cũng tỏ ra rất cứng rắn với Triều Tiên, nhưng rất có thể sau cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2, Mỹ sẽ mở hơn. 

Vấn đề thứ hai là liên quan hợp tác song phương liên Triều (giữa Triều Tiên và Hàn Quốc). Năm 2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong chuyến thăm Bình Nhưỡng (Triều Tiên) đã đưa khá đông nhà lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn như LG, Sam Sung… ngay sau đó các ngân hàng của Hàn Quốc đã lên kế hoạch để mở chi nhánh tại Triều Tiên.

Nhưng ngay sau đó hoạt động trên đã bị phía Mỹ lên tiếng đề nghị dừng lại. Rất có thể sau cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội, Mỹ sẽ nhượng bộ một cách gián tiếp, nghĩa là cho phép Hàn Quốc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác kinh tế với Triều Tiên thay vì tương tác trực tiếp giữa Mỹ - Triều Tiên.

Còn phía Triều Tiên có thể nhượng bộ gì? Có thể thấy từ sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần 1 tại Singapore, bên đã nhượng bộ chủ yếu là Triều Tiên. Quốc gia này thực sự nhượng bộ mức đáng kể khi cho hủy các cơ sở hạt nhân, tuy nhiên chưa có sự giám sát từ bên ngoài. Trong cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2 có thể họ đưa ra nhượng bộ chẳng hạn như cho phép thanh sát viên từ cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) hoặc thanh sát viên từ nước thứ ba đến giám sát hoạt động hủy cơ sở hạt nhân.

Thượng đỉnh Mỹ -Triều: “Vùng cấm” nào hai bên khó có thể từ bỏ? - 2

Trưa 26.2, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong -un đã đến Hà Nội để tham dự Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần 2 (ảnh TTXVN).

Vậy theo ông đâu là “vùng cấm” hai bên phải giữ vững trong quá trình đàm phán, nếu như động chạm tới có thể việc đàm phán không khả quan?

- Có thể nói lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên quyết định Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 chứng tỏ hai bên đều cần đến nhau. Đối với Mỹ, nhiều người hay nhắc chuyện nếu như hai bên ký hiệp ước kết thúc chiến tranh thì quân Mỹ có rút khỏi Hàn Quốc không, theo tôi đó là “vùng cấm”. Thời điểm trước mắt Mỹ sẽ không rút quân khỏi Hàn Quốc, có lẽ trong đàm phán họ sẽ không nhắc việc đó.

Còn đối với Triều Tiên có lẽ “vùng cấm” lớn nhất có thể là việc phải hoàn toàn loại bỏ chương trình hạt nhân, họ sẽ không làm việc đó. Bởi chương trình hạt nhân, chương trình tên lửa là xương sống cho vấn đề an ninh quốc gia và sự tồn vong chế độ của Triều Tiên.

Thượng đỉnh Mỹ -Triều: “Vùng cấm” nào hai bên khó có thể từ bỏ? - 3

Hai nhà lãnh Mỹ -Triều tại trong Thượng đỉnh lần 1 (ảnh IT).

Liên quan đến vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, trước đây đã từng diễn ra đàm phán 6 bên, nay là đàm phán hai bên. Theo ông việc đàm phán 6 bên liệu có được khôi phục bên cạnh việc đàm phán hai bên?

- Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trước đây (đầu những năm 2000) gồm Mỹ, Triều Tiên, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, kết quả của đàm phán 6 bên là không hiệu quả. Chính vì thế rất có thể trong thời gian tới chỉ có đàm phán song phương giữa Mỹ và Triều Tiên, nếu có thêm là sự hỗ trợ, hợp tác từ Hàn Quốc. Câu chuyện ở đây có một điểm nhận thấy là Triều Tiên không muốn đàm phán vấn đề hạt nhân với bất kỳ quốc gia nào khác ngoại trừ Mỹ. 

Tại sao Triều Tiên muốn đàm phán với Mỹ, vì trong chiến lược của Triều Tiên, họ cho rằng sự tồn vong của chế độ có sự đe dọa lớn nhất là từ phía Mỹ chứ không phải Hàn Quốc, Nhật Bản. Vì vậy bất kỳ đàm phán nào liên quan đến vấn đề hạt nhân, liên quan đến vấn đề an ninh cốt lõi của Triều Tiên, họ chỉ muốn đàm phán với Mỹ.

Thượng đỉnh Mỹ -Triều: “Vùng cấm” nào hai bên khó có thể từ bỏ? - 4

TS Nguyễn Việt Phương, Nghiên cứu viên Trung tâm Belfer, Đại học Harvard -Mỹ (ảnh PV).

Theo ông Mỹ có vai trò quyết định thế nào trong việc bỏ cấm vận với Triều Tiên?

- Về bỏ được cấm vận hay không là phụ thuộc vào các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Trong số 5 thành viên thì Nga và Trung Quốc cho tới thời điểm này đã bày tỏ ra thái độ bỏ cấm vận hoặc nới lỏng cấm vận cho Triều Tiên. Quan trọng nhất là Mỹ, khi họ đã chấp nhận Triều Tiên thì cũng dễ dàng thuyết phục các đồng minh là Anh và Pháp.

Ông Kim Jong –un đã có những việc làm rất đáng chú ý, ông có đánh giá gì về khả năng của nhà lãnh đạo này trong cuộc đàm phán tới đây?

- Về góc độ đàm phán, tôi cho rằng ông Kim Jong –un là người năng động, chủ động. Trước năm 2017, Triều Tiên chủ động đóng các kênh đàm phán với các quốc gia để tập trung phát triển chương trình hạt nhân, chương trình tên lửa. Đến thời điểm chương trình này đạt được kết quả nhất định chính ông Kim Jong-un là người chủ động mở ra cuộc đàm phán mới. Mọi người hay nói nhiều đến vai trò của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In trong việc thúc đẩy đàm phán Mỹ -Triều, nhưng thực ra mà nói Kim Jong –un là người chủ động cho việc đàm phán này. 

Đây không phải là chính sách tạm thời mà nằm trong bức tranh tổng thể của Triều Tiên, đó là họ muốn cải cách kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Tất cả những hoạt động đó chỉ có thể có khi cấm vận được giảm bớt, áp lực về an ninh quốc gia được giảm bớt. Theo tôi, ông Kim Jong –un có chính sách ngoại giao khá nhất quán. Mặc dù vậy vẫn có nhiều điểm khó đoán trong chính sách ngoại giao của ông, ví dụ như trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 ở Singapore, ông dọa bỏ sau đó lại tham dự; trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều lần 2 ở Hà Nội diễn ra ông cũng có những lời phát biểu cứng rắn. Điều đó cho thấy Kim Jong-un và cấp dưới của ông luôn muốn tạo thế mạnh trong cuộc đàm phán. Theo tôi đó là một thành công trong vấn đề đối ngoại của Triều Tiên.

Xin cảm ơn ông (!)

Hôm nay bắt đầu thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà Nội

Tối nay, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ có buổi tiếp xúc đầu tiên trong khuôn khổ thượng đỉnh Mỹ-Triều ở...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Kết ([Tên nguồn])
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN