Thực phẩm đối phó dịch sởi

Sự kiện: Dịch sởi

Bệnh sởi tiến triển nặng ở trẻ nhỏ có tình trạng dinh dưỡng kém, đặc biệt là thiếu vitamin A, suy dinh dưỡng hoặc có hệ thống miễn dịch suy giảm. Do sức đề kháng của cơ thể suy giảm nên bệnh nhi dễ bị biến chứng.

Trẻ bị sởi thường chán ăn, bỏ ăn hay từ chối ăn do bị viêm loét ở miệng, do tình trạng nhiễm trùng. Nôn và tiêu chảy không chỉ làm tăng nhu cầu một số chất dinh dưỡng mà còn tăng đào thải và giảm hấp thu chất dinh dưỡng. Đặc biệt, bệnh sởi làm tăng nhu cầu vitamin A của cơ thể, dẫn đến thiếu vitamin này, kể cả những trẻ trước đó được nuôi dưỡng tốt và không thiếu vitamin A vẫn có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc, thậm chí gây mù lòa.

Chăm sóc dinh dưỡng: Rất quan trọng

Phác đồ điều trị bệnh sởi của Bộ Y tế chỉ rõ trẻ phát hiện mắc bệnh sởi cần được uống ngay vitamin A theo liều sau: Trẻ dưới 6 tháng: uống 50.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp; trẻ 6-12 tháng: uống 100.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp; trẻ trên 12 tháng và người lớn (trừ phụ nữ đang mang thai): uống 200.000 đơn vị/ngày x 2 ngày liên tiếp. Trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A: lặp lại liều trên sau 4-6 tuần.

Việc bổ sung này giúp dự trữ vitamin A trong thời gian mắc bệnh sởi, kể cả ở trẻ được nuôi dưỡng tốt và có thể giúp bảo vệ mắt, chống mù lòa. Bổ sung vitamin A đã được một số nghiên cứu chứng minh làm giảm 50% trường hợp tử vong do bệnh sởi. Do đó, bắt buộc tất cả trẻ em mắc sởi đều phải được uống vitamin A theo phác đồ của Bộ Y tế.

Chăm sóc dinh dưỡng là vô cùng quan trọng trong dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh sởi để giúp cơ thể tăng sức đề kháng chống lại tác nhân gây bệnh, giảm nguy cơ mắc các biến chứng hay giảm nhẹ biến chứng khi đã mắc. Trẻ suy dinh dưỡng thường dễ bị mắc sởi và bị biến chứng nặng. Ngược lại, trẻ bị mắc sởi lại dễ bị suy dinh dưỡng, thậm chí suy dinh dưỡng nặng. Do đó, trong quá trình điều trị bệnh sởi, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng nặng cần được áp dụng chế độ điều trị suy dinh dưỡng.

Thực phẩm đối phó dịch sởi - 1

Vitamin C có nhiều trong các loại rau như ngót, dền, đay, mồng tơi, rau muống. Ảnh: Hồng Thúy

Chú trọng 4 nhóm thực phẩm

Đối với trẻ còn trong độ tuổi bú, mẹ cần tiếp tục cho con bú, cho bú nhiều lần kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Cho trẻ ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm (đủ 4 nhóm: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng với 15-20 loại thực phẩm), không quá kiêng khem để bù lại các chất dinh dưỡng mất đi (đặc biệt là năng lượng và protein) do quá trình nhiễm trùng và tiến triển bệnh.

Cần cho trẻ dùng đủ các thức ăn giàu đạm, đặc biệt là thực phẩm giàu đạm có giá trị sinh học cao như thịt, cá (chép, quả, ba sa, bông lau, hồi, trích…), trứng, sữa, hải sản, đồng thời cũng là nguồn cung cấp kẽm và sắt giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho trẻ. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của y tế bằng đường uống cho trẻ.

Cần cho trẻ ăn tăng rau, quả có màu vàng, đỏ (như cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu…) và các loại rau có lá xanh sẫm (như rau muống, rau ngót, rau dền đỏ, cải bó xôi, súp lơ xanh…) vì có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C… giúp tăng cường miễn dịch, chống nhiễm trùng và làm mau lành các tổn thương, đặc biệt là tổn thương ở mắt, chống mù lòa.

Ngoài việc lựa chọn và bổ sung thực phẩm giàu Vitamin A, cần lựa chọn các thực phẩm giàu kẽm cho bữa ăn. Trong đó, thực phẩm có nhiều kẽm là  tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan heo, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, lạc...), đậu xanh nảy mầm. Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò.

Bên cạnh đó, bữa ăn cần có các thực phẩm giàu vitamin C nhằm chống lại dị ứng, tăng chức năng miễn dịch. Vitamin C có nhiều trong các loại quả chín như cam, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu… và các loại rau như rau muống, ngót, dền, đay, mồng tơi. Khi trẻ bị bệnh, nên cho uống nước quả chín (1-2 cốc/ngày) để cung cấp đủ lượng vitamin C giúp nâng cao miễn dịch. 

Khi đang bị bệnh sởi, không nên dùng các loại gia vị cay nóng như ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi, cà ri...; hạn chế các thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật. Tuyệt đối tránh, không dùng các thức ăn đã từng bị dị ứng hoặc thức ăn lạ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bác sĩ Lâm Anh, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Người lao động)
Dịch sởi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN