Thực phẩm “bẩn” bủa vây người tiêu dùng
Bún chứa tinopal, màng bọc chứa chất gây vô sinh, rau xanh phun hóa chất, trái cây ngâm thuốc, bún nhiễm hóa chất,… đang là những vấn đề nóng hiện nay.
“Kiểm đâu dính đó”
Tại Hội nghị chuyên đề về “An toàn vệ sinh thực phẩm” (ATVSTP) tổ chức tại TP.HCM, sáng nay 7/8, GS Chu Phạm Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & Kĩ thuật TP.HCM, cho biết, ATVSTP hiện đang là một vấn đề gây bức xúc lớn trong xã hội. Việc nhiễm vi khuẩn, hóa chất độc hại trong thực phẩm vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao.
GS Sơn còn cho biết, kết quả kiểm nghiệm 144 mẫu bún tại TPHCM đến ngày 6/8 vẫn còn 8 mẫu chứa chất tinopal (chất phát huỳnh quang dùng trong công nghệ sản xuất giấy hay bột giặt dạng nước). Trước đó, gần như 100% mẫu bún kiểm nghiệm đều có chứa chất này.
Ngoài ra, các kết quả kiểm nghiệm gạo và rau củ quả cũng cho thấy một số mẫu bị nhiễm các chất hữu cơ. Tuy với số lượng nhỏ, nhưng cũng cho thấy chất lượng ATVSTP đang bị đe dọa. Ngoài ra, các mẫu cá, tôm, thức ăn chăn nuôi cũng có một số mẫu bị nhiễm các chất độc hại như: cloramphenicol (thuốc thú y bị cấm trong thực phẩm), enrofloxacine,…
Thực phẩm bày bán tràn làn trên nền xi măng
Hàng loạt thực phẩm không đảm bảo chất lượng sắp lên bàn ăn
GS Chu Phạm Ngọc Sơn còn cho biết, màng bọc PVC hiện nay được sử dụng bảo quản thực phẩm khá rộng rãi bởi tính tiện dụng. Tuy một số loại màng bọc có sử dụng phụ gia được phép là DEHP, vẫn có khả năng thôi nhiễm ra thực phẩm nếu sử dụng bọc các loại thực phẩm có độ chua, có tính kiềm, ở nhiệt độ cao.
Các chuyên gia thừa nhận hàng loạt thực phẩm không đảm bảo chất lượng, độc hại do nhiễm nấm, mốc, E.coli, coliform, B.cereus cho đến lạm dụng các chất tẩy trắng, chất bảo quản cấm, chất huỳnh quang,… đã lên bàn ăn của người dân hằng ngày.
Ai chịu trách nhiệm?
Vấn đề ATVSTP thời gian qua đã khiến người tiêu dùng rất hoang mang, không biết sử dụng thực phẩm như thế nào mới đảm bảo an toàn? Và câu hỏi đặt ra là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?
GS Chu Phạm Ngọc Sơn chia sẻ, hiện nay sự chồng chéo trách nhiệm trong hệ thống giám sát ATVSTP, thiếu phối hợp hài hòa giữa các ban ngành khiến việc kiểm soát ATVSTP không thật hữu hiệu. Mặt khác, vấn đề thực phẩm không đảm bảo ATVSTP vẫn chưa được kiểm soát qua đường nhập lậu.
Bún, bánh canh, phở bị nghi lạm dụng các chất tẩy trắng, chất bảo quản cấm, chất huỳnh quang,…
Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết, trong thời gian qua, TP đã kiểm tra để đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng. Sở Công thương đang hợp tác, kí kết với các đơn vị phát triển các sản phẩm đạt chuẩn. Sở cũng đang vận động các tiểu thương tại các chợ đầu mối và các chợ truyền thống kí kết đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn, có nguồn gốc.
Riêng đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bún trên địa bàn TP.HCM, bà Đào cho biết đến 10/8 tới đây, Sở Công thương sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và công bố trên các phương tiện truyền thông các cơ sở vi phạm.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP.HCM, cho biết Chi cục sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh tự lấy mẫu để đưa khi kiểm nghiệm, hành động hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy suất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn tại TP.HCM.