Thực phẩm bẩn: 10 vụ bê bối đình đám nhất TQ

Chỉ tính 4 năm gần đây, Trung Quốc đã có 10 vụ xì-căng-đan an toàn thực phẩm cả thế giới đều biết.

Nền tảng pháp lý an toàn vệ sinh thực phẩm có quá nhiều lỗ hổng, một bộ phận cán bộ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc (SFDA) tham lam, vô trách nhiệm, là “bà đỡ” của những vụ thực phẩm nhiễm bẩn, thậm chí độc hại gây chết người.

Không tính những phát hiện mới đây như tảo spirulina nhiễm chì, dùng phụ gia độc hại biến thịt heo thành thịt bò “ăn là ghiền”, từ năm 2008 đến nay có 10 vụ thực phẩm không an toàn nổi đình nổi đám nhất.

Sữa bẩn


Trong 10 vụ, có 2 vụ sữa bẩn mà đứng đầu là “đại dịch” sữa nhiễm melamine. Đây là vụ bê bối nghiêm trọng nhất về an toàn thực phẩm trong lịch sử Trung Quốc bởi quy mô rộng lớn và cách xử lý vấn đề có nhiều khuất tất của các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm. Vụ bê bối này đã gây thiệt hại lớn cho ngành sữa Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi đây là vụ bê bối nghiêm trọng nhất mà tổ chức này phải đối phó. WHO còn tiên đoán rằng còn lâu ngành thực phẩm Trung Quốc mới vượt qua được cuộc khủng hoảng lòng tin của người tiêu dùng.

Thực phẩm bẩn: 10 vụ bê bối đình đám nhất TQ - 1

Một nạn nhân của sữa Sanlu. Ảnh: Dalje

Sự việc bắt đầu từ tháng 12/2007 khi thư khiếu nại của người tiêu dùng bay tới tấp về tập đoàn sữa Sanlu (Tam Lộc). Tháng 8/2008, sữa Sanlu nhiễm melamine – hóa chất độc hại giàu nitơ cho vào sữa tạo cảm giác giàu đạm – đã được xác định. Thay vì tích cực giải quyết vấn đề như thu hồi sản phẩm nhiễm độc, tập đoàn Sanlu hối lộ 3 triệu tệ (1 tệ = 3.300 đồng) cho trang tìm kiếm Baidu để đừng đăng thông tin bất lợi cho tập đoàn. Chính quyền hạn chế tối đa thông tin về vụ bê bối này trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian tiến hành điều tra bởi sợ ảnh hưởng đến Thế Vận hội Bắc Kinh 2008.

Hậu quả là trong năm 2008 có ít nhất 6 trẻ chết, 294.000 em mắc bệnh suy thận, sỏi thận khiến 51.900 trẻ nhập viện do uống nhằm sữa nhiễm bẩn của Sanlu và 22 công ty sữa khác. Kết quả điều tra của Công an Trung Quốc dẫn đến 21 người bị bắt, trong đó có một số quản lý cao cấp và trung cấp của Sanlu, 2 người bị xử tử hình năm 2009 vì sản xuất bột melamine và sữa thành phẩm nhiễm melamine. Riêng chủ tịch công ty Sanlu bị tù chung thân và bị phạt 20 triệu tệ.

Sữa nhiễm melamine tuy vậy vẫn còn được sản xuất lén lút cho đến bây giờ do lợi nhuận quá hấp dẫn. Tháng 4/2011, Công an Trùng Khánh bắt được 26 tấn sữa nhiễm melamine để sản xuất bánh ngọt và kem. Trước đó, tại tỉnh Thanh Hải, công an đã phát hiện 64 tấn sữa bẩn có hàm lượng melamine cao gấp 500 lần mức cho phép.

Vụ thứ hai là sữa nhiễm đạm thủy phân từ phế liệu động vật, gọi tắt là “sữa da”. Loại đạm bẩn chứa kim loại nặng crôm có khả năng gây ung thư này khó phát hiện hơn melamine. Vì vậy, tuy xuất hiện từ năm 2005, từng được Nhật báo Trung Quốc báo động hồi năm 2009 nhưng mãi đến tháng 2/2011, nó mới thành “chuyện lớn” khi hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã chính thức trấn an dư luận rằng chính quyền đang làm hết sức mình để loại trừ “sữa da”.

Giá sống và đậu đũa gây ung thư


Đứng thứ 3 và 4 trong bản “top ten” là giá đậu và đậu đũa. 40 tấn giá nhiễm hóa chất độc hại bị tịch thu ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh vào tháng 4/2011. Các nhà nông đã dùng phụ gia chứa nitrit natri, urê, thuốc kháng sinh và hormon tăng trưởng để làm giá cho cọng lớn, trắng phau cấp kỳ. Nitrit natri phản ứng với acid trong dạ dày là một trong những tác nhân gây ung thư.

Tháng 3/2010, Công an thành phố Vũ Hán đã tịch thu và tiêu hủy 3,5 tấn đậu đũa có dư lượng thuốc trừ sâu isocarbophos quá cao nhập từ thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam. Vụ này sở dĩ nổi đình đám vì nghi ngờ có dấu hiệu bao che sau khi cơ quan tư pháp thành phố Tam Á phê bình chính quyền thành phố Vũ Hán “thiếu thận trọng” khi công bố vụ bê bối này.

Dầu ăn nước cống, gạo cadmium

Trong 6 vụ còn lại, ngoài “bánh bao nhôm” do dùng bột nổi chứa nhôm ở Thâm Quyến; 7 triệu hộp xốp đựng thức ăn nhiễm hóa chất hại gan, thận và cơ quan sinh sản ở Giang Tây; heo siêu nạc nuôi bằng “bột tạo nạc” đã nêu trong số báo trước và thịt heo phát sáng trong bóng tối phát hiện hồi tháng 3/2011 ở Thượng Hải mà chính quyền giải thích do “nhiễm vi khuẩn phát sáng, ăn vô hại nếu nấu chín”, còn có 2 vụ đáng chú ý dưới đây.

Thực phẩm bẩn: 10 vụ bê bối đình đám nhất TQ - 2

Cơ sở sản xuất dầu ăn từ nước cống ở Vũ Hán

Đó là gạo nhiễm cadmium phát hiện hồi tháng 2/2011 ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc. Theo nghiên cứu của Trường Đại học Nam Kinh, khoảng 10% lượng gạo bán trên thị trường Trung Quốc nhiễm kim loại nặng có hại cho sức khỏe, trong đó có cadmium. Có nơi 60% mẫu gạo nhiễm kim loại nặng, trong đó có một vài mẫu chứa hàm lượng cadmium cao gấp 5 lần mức cho phép. Cadmium cùng với chì và thủy ngân là kim loại nguy hiểm nhất đối với cơ thể con người.

Cuối cùng là “dầu ăn nước cống”, được tinh chế từ váng dầu và thức ăn thừa nổi lềnh bềnh trong nước cống của nhà hàng. Phát hiện từ tháng 3/2011 tại tỉnh Chiết Giang, dầu ăn bẩn này cũng xuất hiện ở 14 tỉnh khác. Theo một giáo sư ở Trường Đại học Bách khoa Vũ Hán, có đến 10% dầu ăn bán trên thị trường là dầu bẩn, phần lớn được các cơ sở nhỏ lẻ tái chế từ nguyên liệu dầu nước cống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Cao ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN