Thực hư vụ nhân viên cây xăng bị "thôi miên", lừa tiền

Nhiều người cho rằng khi con người mất ý thức, đưa tiền và tài sản cho người khác là bị thôi miên. Điều đó có đúng?

Thực hư vụ nhân viên cây xăng bị "thôi miên", lừa tiền - 1

Thôi miên không nhất thiết phải dùng mắt, mà có rất nhiều cách để đưa người khác vào trạng thái thôi miên (Ảnh minh họa)

Mới đây, có thông tin về một phụ nữ vào cửa hàng xăng dầu Đức Phượng tại ngã tư Trôi, Hoài Đức, Hà Nội để đổ xăng. Sau đó, người này vờ đổi tiền khiến anh Đ (nhân viên bán xăng) đưa hết số tiền bán xăng của ca hôm đó cho người phụ nữ trên. Điều đáng nói, sau khi đưa tiền cho cô gái đó, anh Đ vẫn bán hàng bình thường. Chỉ khi kiểm đếm lại số tiền bán hàng, anh Đ mới biết mình đã mất hơn 10 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên về trường hợp trên, ông Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu ứng dụng khoa học thôi miên Việt Nam cho biết, anh Đ bị lừa tiền không phải do bị thôi miên.

Theo ông Quân, với trường hợp trên, có thể xảy ra một số tình huống như kẻ lừa đảo dùng thủ thuật nhanh tay đánh tráo, đánh lạc hướng chú ý để lấy tiền, tài sản. Cũng có thể đối tượng dùng thuốc mê khiến nạn nhân bị mất ý thức tạm thời rồi thừa cơ chiếm đoạn tài sản.

Thực hư vụ nhân viên cây xăng bị "thôi miên", lừa tiền - 2

Chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, không ai có thể sử dụng thôi miên để lấy tiền, tài sản của người khác

Ông Quân cho hay, đến nay, phần lớn người dân cho rằng, khi con người bị mất ý thức và hoàn toàn tuân theo lời sai khiến của người khác là do bị thôi miên. Thậm chí, có chuyên gia nói rằng để tránh bị thôi miên, không nên nhìn vào mắt người đối diện. Điều này là chưa chính xác. Bởi vì, thôi miên không nhất thiết phải bằng mắt, mà có rất nhiều cách để đưa người khác vào trạng thái thôi miên. Thậm chí, khi nhắm mắt, con người có thể bị thôi miên nhanh và sâu hơn.

Trong suốt quá trình thôi miên, ý thức của họ vẫn nhận biết tất cả từ không gian, thời gian, địa điểm, và sẵn sàng ra khỏi trạng thái thôi miên nếu họ thấy không an toàn (bị mất tài sản, đe dọa sự an nguy, vi phạm đạo đức…).

Mặt khác, thôi miên đòi hỏi phải có sự kết hợp của người thôi miên và người được thôi miên. “Vì vậy, không có chuyên gia thôi miên tài ba nào có thể sử dụng thôi miên để ép người khác, điều khiển họ theo ý riêng của mình nếu người đó không đồng ý. Và không có trường hợp nào bằng thôi miên có thể lừa lấy tiền và tài sản của người khác”, Giám đốc Trung tâm UNESCO nghiên cứu ứng dụng khoa học thôi miên Việt Nam khẳng định.

Để phòng tránh bị lừa tiền, tài sản, ông Nguyễn Mạnh Quân khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi tiếp xúc với người lạ, không nên cuốn theo mạch nói chuyện của họ để tránh bị dẫn dụ dẫn tới mất tiền và tài sản.

Thôi miên là trạng thái trung gian giữa ngủ và thức, các ức chế tinh thần được giải toả, cơ thể thư giãn, cảm giác thanh thản, bình tĩnh, không còn sợ hãi hay lo âu, buồn phiền.

Người thôi miên có thể đưa những thông điệp (trong lĩnh vực thôi miên gọi là “ám thị”) để tác động thay đổi trong tiềm thức của người được thôi miên nhằm mục đích chữa bệnh, thay đổi thói quen, niềm tin, giải tỏa những ách tắc tâm lý,...

Hiện nay, thôi miên là một phương pháp trị liệu vô cùng đặc biệt để chữa bệnh tật, làm lành vết thương và làm cho cơ thể khỏe mạnh. Trong trạng thái thôi miên, người ta còn có thể lập lại trình vô thức, khiến con người hạnh phúc hơn.

Trong thực tế, mỗi người thường trải qua trạng thái thôi miên nhiều lần trong ngày mà không biết đó là thôi miên. Ví dụ lúc mơ màng nửa thức nửa ngủ, hoặc khi rất chăm chú vào việc gì đó…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Công Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN