Thực hư vụ cháu bé bị đổ nước sôi vào người để ăn xin

"Sao mọi người nhẫn tâm nói cháu như thế. Tôi đau khổ lắm", đó là lời oán trách của bà ngoại bé ăn xin lở loét khắp người ở bến phà Vàm Cống (TP. Long Xuyên, An Giang) bị nghi oan đổ nước sôi vào người để đi ăn xin.

Thông tin một bé gái chừng 8, 9 tuổi ở bến phà Vàm Cống (An Giang) thường xuyên bị đổ nước sôi lên người tạo vết lở loét cho dễ ăn xin khiến cộng đồng mạng vô cùng phẫn nộ trong mấy ngày qua. Thậm chí, nhiều người còn kêu gọi cơ quan chức năng giải cứu cho cháu bé.

Thực hư vụ cháu bé bị đổ nước sôi vào người để ăn xin - 1
Dân mạng nghi ngờ bé Mèo bị đổ nước sôi vào người để tạo vết lở loét cho dễ xin tiền nhưng thực tế, cháu bị căn bệnh thượng bì bóng nước.

Để tìm hiểu sự thật, chúng tôi đã liên hệ với người nhà của bé là bà Nguyễn Thị Bé Năm (bà ngoại bé Mèo - sinh năm 1959). Bà Năm vô cùng đau xót khi kể về hoàn cảnh của đứa cháu đáng thương. Theo bà Năm, tên thật của bé là Trần Huyển Nghi, năm nay 11 tuổi. Do cơ thể cháu không lành lặn nên người dân xung quanh gọi là bé Mèo.

Bà Năm khẳng định, hoàn toàn không có chuyện bé Nghi bị đổ nước sôi vào người mà bé bị bệnh ly thượng bì bóng nước bẩm sinh.

Theo bà Năm, năm 2004, bé Nghi chào đời tại bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM do trước đó các bác sĩ chẩn đoán thai nhi có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, do tuổi thai lớn nên mẹ cháu là chị Trần Thị Hiếu vẫn quyết định để sinh. Bé Nghi chào đời đã mắc căn bệnh ly thượng bì bóng nước bẩm sinh. Gia đình đã cố gắng chạy chữa cho cháu ở các bệnh viện lớn như bệnh viện Nhi đồng, bệnh viện Cần Thơ... từ từ đó đến nay nhưng vẫn không đỡ.

Không những thế, nỗi đau thân xác dày vò đứa trẻ 11 tuổi nhưng có vóc dáng chỉ bằng trẻ lên 5, bị nhân lên bội phần khi em có hoàn cảnh gia đình bi kịch. Cha mẹ đến với nhau không giấy kết hôn, khi sinh bé Nghi ra, ba đã bỏ 2 mẹ con để tìm duyên mới. Bà Năm nhận đứa cháu bệnh tật từ tay bà nội về chăm bẵm. Sau đó ít lâu, do không chịu được cú sốc và áp lực, chị Hiếu đã bị thần kinh phân liệt, không thể chăm sóc con cái.

Hơn 10 năm qua, hàng ngày bé Nghi đều đặn được bà ngoại bôi thuốc kem do bệnh viện Da liễu kê đơn dù chỉ hạn chế phần nào nỗi đau đớn từ căn bệnh quái ác. Tay trái và hai bàn chân em bị dính vào nhau, chân yếu đến mức cứ ai không may đụng vào là bé lại lăn ra ngã. Da liên tục bị nứt nẻ, ngứa dẫn đến lở loét khắp người, nhất là ở vị trí chân, gần cổ và tay. Món ăn thường xuyên của bé là hủ tíu, bún và sữa. Nếu ăn cơm thì phải nghiền nát hoặc chan canh vì thức ăn cứng em cũng không nuốt được.

Và bé Nghi cũng chưa được đến lớp ngày nào...

Thực hư vụ cháu bé bị đổ nước sôi vào người để ăn xin - 2
Bà Năm bức xúc vì những lời vu oan cho bé Nghi.

Bà Năm cho biết thêm, em gái chị Hiếu là chị Thảo đi làm nhưng đồng lương ít ỏi không đủ nuôi 7 miệng ăn trong nhà. Chị Thảo cũng bị chồng bỏ đi nên 3 mẹ con ở cùng nhà bà Năm, cộng thêm người em trai nên chi phí sinh hoạt rất tốn kém.

Hàng ngày bà Năm phải đi bán vé số ở bến phà Vàm Cống để kiếm thêm tiền. Hai năm nay, do bé Nghi đã lớn nên bé muốn theo bà để phụ giúp có thêm tiền mua thuốc. Dù vậy, chỉ những lúc vắng khách hay phà đỗ lại em mới dám mon men đi bán. Thương em bệnh tật nên nhiều người khách hảo tâm cũng mua giúp em và còn cho em thêm tiền mua thuốc.

Dường như cảm nhận được những bất hạnh của mình nên bé Nghi rất ngoan, thương bà. Lúc nào cũng bảo giá như con bớt bệnh con sẽ nấu cơm cho ngoại.

Số phận trớ trêu cứ mãi đeo bám bé Nghi và tưởng rằng cuộc sống gian khổ sẽ ngày nọ nối tiếp ngày kia. Thế nhưng, cái tin "từ trên trời rơi xuống" là bé bị đổ nước sôi vào người để dễ ăn xin như vết dao cứa vào tim can hai bà cháu. Bà Năm chua xót: "Nghe hàng xóm nói trên mạng internet bàn tán cháu như vậy tôi đau khổ vô cùng. Mình thương con thương cháu, đâu nỡ làm tội tày đình như vậy.

"Khi nghe mọi người nói về mình, con bé buồn lắm. Nó nghẹn ngào nói với tôi là 'Con có làm như vậy đâu'. Tôi chỉ biết khóc mà không biết phải làm sao", bà Năm nói trong nước mắt.

Chứng bệnh lý thượng bì bóng nước (Epidermolysis Bullosa, viết tắt - “EB”) là chứng bệnh do khiếm khuyết của gen, được giới y học biết đến như chứng bệnh di truyền rất hiếm gặp. Đây không phải là một căn bệnh nên không có kháng sinh để chữa trị hoàn toàn.

Với chứng bệnh này, hiện chỉ có thể dùng những phương pháp đặc biệt để chăm sóc, giảm thiểu đau đớn và biến chứng tàn phế cho bệnh nhân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tào Nga (Khám Phá)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN