Thực hư việc xét nghiệm Covid-19 tại nhà

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Đánh trúng tâm lý người dân lo lắng trước những diễn biến của dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19, một phòng khám tại TPHCM quảng cáo dịch vụ xét nghiệm tại nhà để biết mình có nhiễm Covid-19 hay không.

Dịch nCoV khiến nhiều lo lắng, muốn tự xét nghiệm cho yên tâm

Dịch nCoV khiến nhiều lo lắng, muốn tự xét nghiệm cho yên tâm

Ngày 13/2, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết đã yêu cầu phòng khám Future Clinic ngưng ngay việc quảng cáo dịch vụ xét nghiệm Covid-19 (nCoV) tại nhà khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo đại diện Sở Y tế TPHCM, Future Clinic là phòng khám có giấy phép hoạt động nhưng không được phép xét nghiệm nCoV vì chưa được Bộ Y tế thẩm định, cho phép.

Trước đó, phòng khám Future Clinic đã đăng bài quảng cáo trên Facebook về dịch vụ xét nghiệm nCoV lấy mẫu tại nhà. Cụ thể, Future Clinic nhận làm dịch vụ xét nghiệm nCoV sử dụng bộ kit theo phương pháp Realtime RT - PCR cho kết quả nhanh và chính xác. Nhân viên của phòng khám sẽ đến xét nghiệm tại nhà để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo. Cơ sở này cam kết trả kết quả trong vòng 48 giờ và đảm bảo tính riêng tư, bảo mật cho khách hàng.

Phòng khám rao dịch vụ xét nghiệm nCoV tại nhà

Phòng khám rao dịch vụ xét nghiệm nCoV tại nhà

Ngay sau đó, Thanh tra Sở Y tế làm việc với bà Ngô Triệu Phương Liên, giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Future Clinic (số 15 Nguyễn Lương Bằng, P.Tân Phú, Q.7). Công ty cung cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh phòng khám nội tổng hợp số 07420/HCM-GPHĐ cấp ngày 2-8-2019 do Sở Y tế cấp, bác sĩ Phan Lương Ánh Linh chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, thời gian làm việc hàng ngày 9h đến 20h.

Thanh tra Sở Y tế đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Dịch vụ Future Clinic về hành vi “quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định”, đồng thời yêu cầu phòng khám ngưng ngay việc quảng cáo dịch vụ xét nghiệm viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời yêu cầu công ty ngưng ngay các nội dung quảng cáo, tháo gỡ ngay các nội dung quảng cáo các dịch vụ kỹ thuật: tế bào gốc, phẫu thuật thẩm mỹ…

ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khẳng định, chỉ có những đơn vị được Bộ Y tế phân công và có đầy đủ chuyên môn mới được phép thực hiện xét nghiệm nCoV

ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khẳng định, chỉ có những đơn vị được Bộ Y tế phân công và có đầy đủ chuyên môn mới được phép thực hiện xét nghiệm nCoV

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho rằng, việc xét nghiệm, chẩn đoán nCoV hiện nay chưa được áp dụng rộng rãi mà chỉ có những đơn vị được Bộ Y tế phân công và có đầy đủ chuyên môn được phép thực hiện. “Kết quả xét nghiệm dương tính hay âm tính rất quan trọng chứ không phải muốn nói thế nào cũng được. Người dân không nên quá hoang mang, tin vào các quảng cáo không đúng của các cá nhân, tổ chức như quảng cáo xét nghiệm, chẩn đoán nCoV, đặc biệt là quảng cáo các loại thuốc, phương pháp chữa trị hay phòng ngừa được nCoV” – BS Nam khuyến cáo.

Tại buổi tập huấn Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do Covid-19 chủng mới (nCoV), TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM chia sẻ, việc xét nghiệm chẩn đoán nCoV không giống như các xét nghiệm thông thường khác.

Muốn làm xét nghiệm PCR xác định một người có nhiễm nCoV, bệnh viện phải hội chẩn với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (CDC), điền đầy đủ yếu tố dịch tễ, nghi ngờ mắc bệnh. Sau đó mới lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur để làm xét nghiệm. Do đó, không phải ca nào muốn làm xét nghiệm bác sĩ cũng đồng ý thực hiện. Đồng thời, các trường hợp làm xét nghiệm buộc phải vào khu cách ly riêng biệt cho đến khi có kết quả - TS Châu nói.

Theo các chuyên gia y tế, người có nguy cơ mắc bệnh là những người có các triệu chứng hô hấp như sốt, ho, đau họng, thở nhanh… và có yếu tố dịch tễ. Nghĩa là từng tiếp xúc, làm việc chung, ăn chung, nói chuyện… với ca bệnh có thể nhiễm hoặc nhiễm nCoV hoặc đến từ vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát triệu chứng.

“Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh. Người dân cần tuân thủ theo các khuyến cáo của Bộ Y tế như đeo khẩu trang khi tiếp xúc, hạn chế đến nơi đông người và nhất là rửa tay thường xuyên để diệt khuẩn không chỉ riêng nCoV và còn phòng ngừa cho nhiều bệnh truyền nhiễm khác” - ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng Thành phố lưu ý.

Nguồn: [Link nguồn]

Dịch virus Corona 9/2: Nhà khoa học Việt chế tạo Kit thử Corona cho kết quả sau 70 phút

Đến sáng nay, số người mắc bệnh viêm phổi do virus Corona gây ra trên thế giới là trên 37.000 trường hợp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN