Thực hư việc UBND xã ra lệnh “cưỡng chế” đàn ong ra khỏi địa phương
Lo ngại đàn ong gây ảnh hưởng đến hoa màu của người dân, UBND xã đã yêu cầu người nuôi ong di dời khỏi địa phương.
UBND xã “cưỡng chế” di dời đàn ong vì sợ ảnh hưởng đến hoa màu. Ảnh minh họa.
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh một Giấy mời của UBND xã Minh Côi (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) có dấu đỏ và chữ ký của Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Ngọc Thanh. Theo nội dung Giấy mời, UBND xã Minh Côi đã đề nghị ông Hồ Văn Thông (trú tại khu 7, xã Minh Côi) phải di dời đàn ong đang đặt tại nhà ông ra khỏi địa bàn xã.
Lý do là để khỏi gây ảnh hưởng đến diện tích hoa màu của người dân. Thời gian thực hiện việc di dời là trước 16h ngày 5/4/2019. Sự việc đang gây xôn xao dư luận bởi, theo nhiều người biết, loài ong thường hút mật và có tác dụng thụ phấn cho hoa màu, giúp cây đơm hoa kết trái.
Vậy tại sao lại “cưỡng chế” đàn ong ra khỏi địa phương. Về vấn đề này, chiều 4/4, ông Hồ Kim Lợi – Chủ tịch UBND xã Minh Côi xác nhận, có sự việc xã ra văn bản yêu cầu người dân di dời đàn ong khỏi địa phương.
Theo ông Lợi, đàn ong trên khoảng 50 tổ do một người khác ở huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đến đặt nuôi tại vườn của nhà ông Hồ Văn Thông (khu 7, xã Minh Côi, huyện Hạ Hòa) từ nhiều tháng nay. Tuy nhiên, người này không đăng ký tạm trú, tạm vắng, không thông qua chính quyền địa phương.
Hơn nữa, đây là loài ong ngoại lai, không phải ong nhà như những người dân địa phương nuôi. Loài ong này rất to và hung dữ, làm gãy hết cờ ngô của người dân.
Giấy mời của UBND Minh Côi về việc yêu cầu người dân di dời đàn ong.
“Đây là giai đoạn ngô, lúa đang trổ cờ nên buộc chúng tôi phải cưỡng chế, di dời đàn ong đi để đảm bảo an toàn cho hoa màu của người dân. Khi cưỡng chế, chúng tôi cũng đã tham khảo các xã trên địa bàn. Các xã khác đều không chấp nhận cho nuôi loại ong ngoại lai này vào mùa lúa, ngô trổ cờ”, ông Lợi cho hay.
Chủ tịch UBND xã Minh Côi giải thích thêm, việc “cưỡng chế” đàn ong ra khỏi địa phương không phải gây khó dễ gì cho người nuôi. Ngược lại, nếu là loài ong ta bình thường thì chính quyền còn khuyến khích người dân nuôi để phát triển kinh tế. Còn nếu nuôi loài ong ngoại lai kia, thì chỉ được nuôi vào mùa ngô, lúa không trổ cờ.
Cùng chia sẻ về việc nuôi ong, anh Bùi Thế Anh (Yên Thủy, Hòa Bình), người có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi ong cho biết, người dân mình thường nuôi ong nội (hay còn gọi ong nhà). Đặc tính của ong nội là con nhỏ, thường lấy mật không tàn phá, kén ăn nên giúp hoa màu thụ phấn tốt. Còn đối với ong ngoại thường được nuôi ở từng khu vực nhất định, có nguồn thức ăn lớn. Đặc điểm của ong ngoại con to, phàm ăn nên lấy mật rất tạp. Khi lấy phấn ngô thì bẻ gãy cờ ngô, lấy mật ở ngọn keo thì cắn cả ngọn keo...
Phát hiện cháu ngoại (13 tháng tuổi) bị ong đốt nhiều vết, người phụ nữ đã nhào vô giải cứu nhưng bất thành.