Thực hư thông tin sẽ có năm đón Tết 2 lần do nhuận tháng Giêng

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trên mạng xã hội lan truyền thông tin năm 2148 sẽ có nhuận 2 tháng Giêng. Lúc đó, mọi người sẽ được ăn Tết 2 lần. Điều này khiến cho nhiều người bất ngờ, vì chưa bao giờ chứng kiến tháng Giêng là tháng nhuận.

Nhuận tháng Giêng nên sẽ đón Tết 2 lần

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin, năm 2148 sẽ có nhuận 2 tháng Giêng. Lúc đó, mọi người sẽ được ăn Tết 2 lần. Điều này khiến cho nhiều người bất ngờ, vì chưa bao giờ chứng kiến tháng Giêng là tháng nhuận. Năm 2148 còn cách hiện tại 123 năm được đánh giá là khoảng thời gian quá dài. Không ai ở thế hệ hiện tại có thể trường thọ để biết cách đón Tết vào thời điểm đó như thế nào? Ngoài ra, một số ý kiến bình luận còn khẳng định, tháng Giêng không bao giờ là tháng nhuận. Các quan điểm này đã dấy lên nhiều tranh cãi.

Năm 2148 sẽ có nhuận 2 tháng Giêng liệu có đồng nghĩa người dân sẽ đón Tết hai lần?

Năm 2148 sẽ có nhuận 2 tháng Giêng liệu có đồng nghĩa người dân sẽ đón Tết hai lần?

Ông Trần Tiến Bình, nguyên cán bộ Phòng Nghiên cứu lịch (Trung tâm Thông tin - Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, đã đọc thông tin trên mạng xã hội nói năm 2148 có nhuận 2 tháng Giêng. Tuy nhiên, mốc thời gian này quá xa, chưa có ai nghiên cứu về vấn đề này. Khi còn công tác ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ông chỉ tính lịch cho thế kỷ 21 theo đề tài của Viện, không tính lịch cho thế kỷ 22. 

"Tôi đã kiểm tra từ một số nguồn, có nhuận 2 tháng Giêng vào năm 2148. Tuy nhiên, việc tính toán trải dài nhiều trăm năm sẽ kém chính xác hơn. Thực tế, vòng quay Trái Đất không ổn định, vì giữa 2 thang thời gian UT - Universal Time (thang thời gian quốc tế đang sử dụng trên thế giới) và DT - Dynamical Time (thời gian sử dụng trong tính toán chuyển động giữa các thiên thể) dùng trong tính toán luôn cần sự hiệu chỉnh nhất định", ông Trần Tiến Bình nhấn mạnh.

Bày tỏ quan điểm về việc đón Tết 2 lần khi có nhuận 2 tháng Giêng, vị chuyên gia cho rằng: "123 năm nữa mới đến ngày đó, không ai có thể rõ được, nhưng có lẽ không ai đón Tết 2 lần cách nhau 1 tháng". Về thông tin không bao giờ có nhuận 2 tháng Giêng, ông khẳng định, quan điểm này không có cơ sở khoa học.

"Tính toán chuyển động của các thiên thể rất phức tạp nhất là với Mặt Trăng. Lịch Việt Nam thế kỷ 20-21 không có tháng 12 hay tháng Giêng nhuận, nhưng không loại trừ trước đó hoặc thế kỷ 22... sẽ xảy ra", ông nói.

Nguyên tắc xác định tháng nhuận trong âm lịch

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho biết, tháng nhuận trong Âm lịch là tháng được thêm vào để Âm lịch cân bằng với Dương lịch, hay nói cách khác là cân bằng tương đối với chu kỳ biến đổi thời tiết (do 12 tháng Âm lịch có tổng độ dài ngắn hơn năm Dương lịch xấp xỉ 10 ngày). Theo quy tắc của Âm lịch, một tháng bắt đầu vào ngày có chứa "điểm sóc", tức là thời điểm mà phần được chiếu sáng của Mặt Trăng hoàn toàn không hướng về phía Trái Đất.

Với những năm cần có tháng nhuận, tháng được chọn để làm tháng nhuận (tức là có hai tháng liền nhau cùng tên) là tháng mà giữa hai điểm sóc không có ngày khởi đầu của trung khí nào trong số 12 trung khí của lịch tiết khí.

Ví dụ, năm 2025 là năm nhuận tháng 6. Tháng 6 Âm lịch bắt đầu vào ngày 25 tháng 6 và kết thúc vào 24 tháng 7 Dương lịch. Tháng tiếp theo đó bắt đầu vào ngày 25 tháng 7 và kết thúc vào 22 tháng 8. Tháng này bắt đầu sau điểm khởi đầu của trung khí tên là "Đại thử" (23/7) và kết thúc trước "Thu phân" (23/8), do đó nó được chọn là tháng 6 nhuận.

Trở lại với thông tin năm 2148 sẽ nhuận tháng Giêng, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn cho biết,  tra ở một vài website của Trung Quốc thì thấy rằng đúng là năm 2148 được xác định là năm nhuận Âm lịch, và đúng là nếu không có sai số nào xuất hiện so với tính toán thì tháng Giêng năm đó sẽ nhuận (có hai tháng Giêng).

Lý do, ngày đầu năm mới (Mậu Thân, 2148) tương ứng với 20/01/2148 Dương lịch, tiếp đó ngày 20/2 năm đó là bắt đầu tháng tiếp theo (sau ngày khởi đầu của trung khí "Vũ Thủy" là 19/2) và kết thúc vào 19/3 (trước khi bước vào "Xuân Phân"), khiến cho tháng ngay sau tháng Giêng này sẽ được chọn làm tháng Giêng thứ hai của năm.

"Về mặt khoa học là như vậy, còn chuyện có ăn tết hai lần hay không thì lại là trò đùa hài hước. Người ta ăn Tết để đón năm mới, chứ không phải để đón tháng Giêng", ông Đặng Vũ Tuấn Sơn nói.

Quy tắc tính Âm lịch vốn không nhất quán như Dương lịch. Dương lịch không thể không nhất quán vì nó cần mô tả chính xác vị trí của Trái Đất trên quỹ đạo, còn Âm lịch đơn giản là được thêm tháng nhuận để ... đuổi theo Dương lịch. Vì thế, một số qui tắc có thể linh động do người làm lịch hoặc do những người quản lý hành chính. Vì thế việc khẳng định như nêu trên chỉ đúng với cách tính y như hiện tại của chúng ta.

Dưới đây là thông tin chi tiết về ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán 2026.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hội ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN