Thực hư thông tin BOT Cai Lậy “trói chân” phóng viên
Một căn nhà được thuê cạnh bên trạm thu phí BOT Cai Lậy để phục vụ các phóng viên, nhà báo tác nghiệp.
Căn nhà được thuê để phục vụ báo chí, đài truyền hình khi về tác nghiệp tại trạm thu phí BOT Cai Lậy. (Ảnh: Người lao động)
Ngày 28/11, ông Huỳnh Phú Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang (đơn vị quản lý trạm thu phí BOT Cai Lậy) cho biết, mọi thứ tại BOT Cai Lậy đã sẵn sàng để thu phí trở lại từ 9h sáng ngày 30/11. Đặc biệt, công ty này còn thuê một căn nhà gần trạm thu phí để hỗ trợ các phóng viên, nhà báo về đây tác nghiệp, đưa tin.
Theo ông Hiệp, ngôi nhà mà công ty thuê để các phóng viên tập trung tác nghiệp có vị trí rất thuận lợi. Chỉ cần ở đây, các phóng viên có thể ghi nhận được hết mọi việc diễn ra. Tuy nhiên, nếu cần ra trực tiếp trạm thu phí thì các phóng viên vẫn có thể thực hiện trong quyền hạn của mình và không vi phạm nội quy tại trạm.
Ông Hiệp lưu ý thêm, các phóng viên, nhà báo nên mang theo giấy giới thiệu của cơ quan hoặc xuất trình thẻ nhà báo khi tác nghiệp tại BOT Cai Lậy. “Chúng tôi rất hoan nghênh báo chí về đây tác nghiệp chứ không cấm cản. Tuy nhiên, trạm thu phí là nơi các phương tiện lưu thông liên tục nên chúng tôi có bố trí lực lượng hướng dẫn phóng viên tác nghiệp sao cho đảm bảo an toàn”, ông Hiệp nói.
Khi được hỏi về việc người dân và tài xế muốn quay phim, chụp hình khi lưu thông qua BOT Cai Lậy thì có vấn đề gì không, ông Hiệp khẳng định: “Không cấm cản miễn là đảm bảo an toàn và không gây ảnh hưởng tới hoạt động tại trạm”.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy bắt đầu hỗn loạn từ tháng 8/2017, dẫn tới dừng hoạt động từ ngày 15/8 cho tới nay. (Ảnh: Người lao động)
Trước đó, vào sáng 28/11, nhiều tài xế đã chia sẻ lên Facebook thông tin phóng viên phải xin phép mới được tác nghiệp tại BOT Cai Lậy, kèm theo nghi vấn đơn vị quản lý trạm thu phí này đang kiểm soát báo chí sai quy định.
Theo tìm hiểu của PV, sau khi có thông tin BOT Cai Lậy sẽ thu phí trở lại từ ngày 30/11 với khu vực dành riêng cho việc kiểm đếm tiền lẻ, các tài xế từng phản đối trạm thu phí này đã nghĩ ra một cách mới là dùng tiền chẵn để mua vé qua trạm. Về thông tin này, Giám đốc BOT Cai Lậy cho rằng không đáng lo ngại, bởi việc trả lại tiền rất nhanh chóng chứ không tốn nhiều thời gian như đếm tiền lẻ.
Đối với trường hợp các tài xế cố tình “quên” tiền khi qua trạm, ông Hiệp cho biết, các xe này vẫn sẽ được cho qua trạm nhưng nhân viên tại trạm sẽ lập biên bản theo quy định. Ngoài ra, nhiều tình huống phát sinh khác có thể xảy ra cũng đã được đơn vị quản lý BOT Cai Lậy lên phương án xử lý.
Trước đó, vào các ngày 13 và 14/8, nhiều tài xế đã lên tiếng phản đối việc trạm thu phí BOT Cai Lậy được đặt ở Quốc lộ 1, không đúng với tên gọi của nó là trạm thu phí đường tránh thị xã Cai Lậy. Để thể hiện sự phản đối, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ để mua vé khi qua trạm, gây khó khăn cho hoạt động tại đây và dẫn tới kẹt xe, phải xả trạm hơn 3 tháng qua.
Trước tình hình trên, Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và các bên liên quan để tìm giải pháp cho BOT Cai Lậy. Sau buổi họp vào ngày 16/8, Bộ GTVT cho biết, các bên đã thống nhất giảm giá dịch vụ cho tất cả phương tiện qua trạm. Tuy nhiên, các tài xế không đồng ý với cách giải quyết này mà yêu cầu trạm thu phí BOT Cai Lậy phải được dời vào đường tránh thị xã Cai Lậy.
Lãnh đạo trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang đã trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xoay quanh việc sắp thu phí...