Thực hư kho báu 4.000 tấn vàng ở núi Tàu (Bài 1): Bỏ hàng nghìn lượng vàng thật để tìm kho báu ảo
Cụ Trần Văn Tiệp (Phú Nhuận, TP.HCM) đã bỏ hàng nghìn cây vàng và công sức tìm kiếm kho báu chứa 4.000 tấn vàng trên núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Trước khi qua đời ở tuổi 101, cụ Tiệp vẫn hy vọng, con cháu đời sau tìm được kho vàng trên đóng góp vào ngân sách quốc gia…
LTS: Núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) nằm ở vùng bán sơn địa có độ cao khoảng 130m so với mực nước biển, một bên giáp biển, hiện là những cánh đồng muối rộng lớn, hướng tây giáp với những dãy núi đá trùng trùng, điệp điệp. Nơi đây gắn liền với câu chuyện về một người đàn ông đã dành cả cuộc đời đi "săn tìm" kho báu với mong mỏi đóng góp vào ngân sách quốc gia. |
Cụ Trần Văn Tiệp (Phú Nhuận, TP.HCM) đã bỏ hàng nghìn cây vàng và công sức tìm kiếm kho báu chứa 4.000 tấn vàng trên núi Tàu (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Trước khi qua đời ở tuổi 101, cụ Tiệp vẫn hy vọng, con cháu đời sau tìm được kho vàng trên đóng góp vào ngân sách quốc gia…
Cận cảnh núi "kho vàng"
Một góc núi Tàu. Ảnh: Bùi Phụ
Vì sao có thông tin về kho báu núi Tàu? Cuối năm 1944, khi quân Nhật thua trận, sắp đầu hàng quân đồng minh, Tướng Yamashita Tomoyuki nhận được lệnh bằng mọi cách phải đưa toàn bộ số của cải của Nhật từ Đông Nam Á về Nhật. Thông tin này đã bị quân đồng minh phát hiện, tìm cách ngăn chặn. Trước tình thế đó, Tướng Yamashita Tomoyuki đã đưa ra phương án cho phép quân đội Nhật bí mật chôn giấu tại các địa điểm ven biển Việt Nam, trong đó có núi Tàu. Đoàn tàu hơn trăm chiếc, mỗi tàu có trọng tải từ 3.000 - 3.500 tấn, chở cao su, thiếc, vàng bạc châu báu khai thác được ở các nước trong khu vực, men theo bờ biển Việt Nam về Nhật. Trên đường đi bị quân đồng minh chặn đánh và ném bom, hơn 120 tàu bị đắm ngoài khơi từ các tỉnh Quảng Nam đến Bình Thuận. |
Sau rằm tháng Giêng Tết Tân Sửu - 2021, PV Báo NTNN/Dân Việt tìm về lại núi Tàu nơi nghi có kho vàng 4.000 tấn của một vị tướng người Nhật Bản cất giấu từ thời Đệ nhị Thế chiến.
Đường lên núi Tàu hiện đã rộng thoáng hơn nhiều, xe tải lớn ra vào thường xuyên bởi khu vực này đã được các cơ quan chức năng cấp phép cho một doanh nghiệp khai thác đá. Nhưng lối đi lên đỉnh, nơi nghi có kho báu hiện rất khó đi và nguy hiểm nên chính quyền địa phương đã khuyến cáo người không phận sự không vào… Biết ý định chúng tôi muốn lên đỉnh núi, hầu hết những anh chị làm công nhân khai thác đá đều ngăn cản vì sợ những viên đá vô tình văng trúng vào chúng tôi…
Phía dưới chân núi Tàu, hiện có nhiều nhà hàng, quán ăn rộng lớn "ăn theo thương hiệu" kho báu núi Tàu nên cử nhân viên ra tận đường đón khách! Một nhân viên tên Hùng cho biết: "Hầu hết khách vào đây đều hỏi kho báu núi Tàu hiện nay ra sao và chúng tôi đều trả lời: Núi Tàu và khai thác là đúng, còn kho báu có hay không chỉ có trời mới biết!".
Theo quan sát của PV, núi Tàu nằm ở vùng bán sơn địa có độ cao khoảng 130m so với mực nước biển. Một bên giáp biển, hiện là những cánh đồng muối rộng lớn, nơi mưu sinh của nhiều diêm dân. Hướng tây giáp với những dãy núi đá trùng điệp và nơi này có nhà máy nước suối Vĩnh Hảo nổi tiếng hàng trăm năm qua.
Vài năm gần đây, khu vực núi Tàu còn thu hút nhiều khách thập phương tìm về chiêm ngưỡng, chụp hình đồi bằng lăng (còn gọi là núi Đất, chung chân núi Tàu). Nhờ thiên nhiên ưu đãi, cứ đầu tháng 5 (âm lịch) hàng năm, sau những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, những cội bằng lăng già đâm chồi, nở hoa. Sắc tím của hoa bằng lăng như nhuộm tím cả quả đồi, đẹp đến mê hồn khiến du khách ngang đây "buộc" phải dừng chân chụp ảnh.
Theo phản ánh của dân địa phương, bằng lăng tím nở rộ đến gần tháng 7 và tô thêm vẻ sắc tím là những cánh đồng ruộng lúa mênh mông nằm ngay dưới chân đồi. Du khách đi giữa mùa hè sẽ thấy màu xanh của lúa, hòa quyện với sắc tím bằng lăng, tạo nên một bức tranh vùng quê thanh bình, yên ả…
Tấm bản đồ bí mật
Hiện trường khai thác của cụ Tiệp trên đỉnh núi Tàu. Ảnh CTV
Dưới chân núi Tàu, chúng tôi tình cờ gặp được bác Hai Lễ - người dân cố cựu xã Phước Thể. Theo lời bác Hai Lễ, nhiều người dân ở đây đều có chung nhận định không biết thực hư kho báu trên núi Tàu thế nào?
Tuy nhiên, hơn 25 năm trước khi hay tin UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép, rồi khi nhìn thấy cụ Tiệp đưa xe cơ giới lên núi Tàu khai thác tìm kho báu… thì cả vùng núi đá "buồn thúi ruột" này bỗng vui nhộn hẳn lên! Ai cũng hy vọng một ngày nào đó cụ Tiệp sẽ tìm được kho báu…
"Sau đó, nghe tin cụ Tiệp tìm kiếm suốt nhiều năm vẫn không thấy tín hiệu vui, nên bà con cảm thấy thương cho cụ đã tốn nhiều công sức đã bỏ ra. Đến năm 2016, khi hay tin cụ Tiệp qua đời ở tuổi 101, cá nhân tôi thấy rất thương cụ…" - bác Hai Lễ nói.
Để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc thông tin nói về kho báu núi Tàu, chúng tôi gặp anh Nguyễn Phương Đông - một nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật và cũng là tác giả của nhiều bài viết về những chuyến tàu săn tìm cổ vật bị chìm trên biển ở Bình Thuận.
Anh Nguyễn Phương Đông cho biết, hơn 20 năm trước, anh nhiều lần tiếp xúc với cụ Tiệp. Có một số lần anh cùng cụ Tiệp ra khảo sát xung quanh núi Tàu. Mỗi lần như thế, cụ Tiệp đều sáng lên một hy vọng về dấu tích xưa để lại nơi cất giữ 4.000 tấn vàng.
Từ đó, cụ Tiệp tiết lộ mình đang giữ trong tay tấm "mật đồ" kho báu núi Tàu, trong đó có bút tích nhân chứng ghi rất chi tiết về kho báu. Ngoài 4.000 tấn vàng còn có số lượng châu báu trị giá hàng tỷ USD…
Theo anh Nguyễn Phương Đông, hơn 40 năm qua, cụ Tiệp đã bỏ cả quãng đời, tiền, vàng, vượt qua những chặng đường gian nan để xin giấy phép khai thác kho vàng trên.
Tháng 10/1993, UBND tỉnh Bình Thuận chính thức cấp giấy phép kiếm tìm cho cụ Tiệp. Nhưng suốt nhiều năm liền không tìm thấy, năm 1999, cụ Tiệp bị các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận yêu cầu phải rời khỏi núi Tàu và đóng cửa nơi tìm kiếm.
Sau vài năm yên lặng, mọi việc tưởng chừng rơi vào quá khứ, hy vọng của cụ Tiệp lại trỗi dậy và xin phép tiếp tục tìm kiếm kho báu núi Tàu khiến dư luận lại dậy sóng!
(Còn nữa)
Cơ quan chức năng đã tìm về địa phương xác minh vụ việc và có báo cáo nhanh.
Nguồn: [Link nguồn]