Thực hư hàng loạt phao cứu sinh lắp trên các cây cầu qua sông Hồng bị mất
Hàng loạt các phao cứu sinh được các cá nhân tự nguyện lắp đặt trên các cây cầu qua sông Hồng tạm bị thu hồi.
Những ngày qua, dư luận xôn xao cho rằng, hàng loạt phao cứu sinh được một cá nhân tự nguyện lắp đặt trên các cây cầu bắc qua sông Hồng như Vĩnh Tuy, Chương Dương và Nhật Tân đã bị mất cắp.
Trước đó, anh Nguyễn Ngọc Khánh, 35 tuổi, Câu lạc bộ (CLB) bơi khám phá, cùng với các tình nguyện viên đã treo 33 chiếc phao cứu sinh trên thành của 6 cây cầu trên địa bàn thủ đô gồm Thăng Long, Nhật Tân, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy và Thanh Trì, từ ngày 14/5. Tùy độ dài, mỗi cầu được bố trí từ ba đến năm phao.
Hoạt động này nằm trong chương trình lắp đặt hơn 400 chiếc phao cứu sinh trên các cầu bắc qua sông Hồng thuộc các tỉnh từ Lào Cai đến Thái Bình. Từ ngày 6/5 đến nay, nhóm của anh Khánh đã lắp hơn 100 phao cứu sinh tại bốn tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Hà Nội.
Các phao cứu sinh do một nhóm thành viên tình nguyện lắp đặt trên các cây cầu qua sông Hồng ở Hà Nội
Anh Nguyễn Ngọc Khánh, chủ nhiệm CLB Bơi khám phá là người treo những chiếc phao này chia sẻ: “Việc treo những chiếc phao cứu sinh trên cầu là ý tưởng mà tôi đã ấp ủ từ lâu nên đã bàn với các thành viên của CLB bơi nên quyết định triển khai, với mong muốn cung cấp công cụ cho những người đuối nước, người muốn cứu nạn có thêm hy vọng sống thay vì chỉ đứng trên cầu hô hoán, hay khi nhảy xuống mới hối hận”.
Tuy nhiên, từ ngày 17/5, nhiều người dân và anh Khánh phản ánh, các phao cứu sinh lắp trên một số cầu như Chương Dương, Vĩnh Tuy và Nhật Tân sau vài ngày đã bị mất. Chỉ duy nhất còn 4 chiếc phao lắp trên thành cầu Long Biên. Nhiều người dân cho rằng, số phao này biến mất do bị lấy cắp.
Hiện, hàng loạt các phao cứu sinh được lắp đặt này đã bị đơn vị quản lý tạm thu hồi để thống nhất về quy định cũng như quy chuẩn lắp đặt trên các công trình giao thông
Song, khẳng định với phóng viên An ninh Thủ đô, lãnh đạo Công ty CP Công trình giao thông 3 Hà Nội (đơn vị quản lý, bảo trì cầu Vĩnh Tuy, Chương Dương, Nhật Tân và Thanh Trì) cho biết, đơn vị này đã tạm thu hồi lại số phao cứu sinh do các cá nhân tự nguyện lắp đặt trên cầu.
Nguyên do tạm thu hồi được lý giải, đây là các cây cầu bắc qua sông Hồng, là công trình giao thông nên mọi thứ được lắp đặt, treo biển… trên cầu đều phải tuân theo quy định của Luật Giao thông cũng như các quy định liên quan.
Khẳng định rất ủng hộ việc làm thiện nguyện mang đầy tính nhân văn của các thành viên CLB bơi, nhưng đơn vị quản lý các cây cầu này cũng cho rằng, đây là các công trình giao thông nên cũng phải tuân thủ theo quy định.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Công ty CP Giao thông 3 Hà Nội, khi lắp đặt số phao cứu sinh nói trên, các thành viên trong CLB bơi không liên hệ làm việc với đơn vị quản lý để bàn bạc và thống nhất việc lắp đặt phao trên cầu sao cho phù hợp, đảm bảo theo đúng quy định quản lý về các công trình giao thông như cầu.
“Việc lắp đặt phải đảm bảo đúng theo quy định đối với công trình giao thông. Trên các tuyến đường, cây cầu, việc lắp đặt ra sao, nội dung gì đều được quy định cụ thể. Chúng tôi là đơn vị quản lý nhưng cũng không phải muốn lắp đặt gì trên cầu là được”- lãnh đạo Công ty CP Giao thông 3 Hà Nội cho hay.
Hiện tại, lãnh đạo Công ty CP Giao thông 3 Hà Nội cho biết, đại diện CLB bơi là anh Nguyễn Ngọc Khánh đã liên hệ với công ty để hai bên cùng làm việc, thống nhất. Nhưng, việc lắp đặt các phao cứu sinh trên cầu này cũng cần phải có ý kiến đồng ý về mặt chủ trương của Sở GTVT Hà Nội- vì đây là đơn vị quản lý Nhà nước.
Lãnh đạo UBND phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội cũng cho biết, UBND phường đã giao cơ quan chức năng tiến hành làm rõ mục đích của việc lắp phao này. Đồng thời, việc lắp phao liên quan tới cảnh quan đô thị nên cần có những mục đích rõ ràng, phù hợp.
Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi nhóm thiện nguyện của anh Nguyễn Ngọc Khánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bơi Khám Phá lắp đặt phao cứu sinh trên các cây cầu bắc qua sông Hồng trên...
Nguồn: [Link nguồn]